Theo WB, trên 78% dân số đã được tiêm vắc-xin đầy đủ, nhưng nền kinh tế vẫn phải đối mặt với rủi ro tiêu cực liên quan đến các biến chủng mới phát sinh, tác động toàn cầu của việc Nga xâm chiếm Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng và sự tăng trưởng chậm lại của các thị trường xuất khẩu chủ lực.
![]() |
Theo WB, trường hợp có thêm các cú sốc khác có thể dẫn đến kịch bản xấu, theo đó tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 4% trong năm 2022, phục hồi lại 6% và 6,5% lần lượt vào các năm 2023 và 2024. |
Do đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đạt 5,3% trong năm 2022 và sau đó sẽ ổn định lại quanh mức 6,5% theo kịch bản các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng cả trong và ngoài nước. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi từng bước khi lòng tin của người tiêu dùng được khôi phục và du lịch khách quốc tế dự kiến sẽ được khôi phục dần từ giữa năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo được dự báo sẽ tăng với tốc độ chậm hơn do tăng trưởng ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc) chững lại.
Lý do được WB giải thích, trong năm 2022 do Việt Nam gặp phải khó khăn khi đối phó với biến chủng Omicron dẫn tới số lượng các ca nhiễm COVID-19 tăng cao. Thêm nữa, Việt Nam cũng chịu tác động lớn bởi việc nhập khẩu dầu với giá trị lên tới 3% GDP. Đó là chưa kể tới việc nhập khẩu các loại nguyên vật liệu khác như: Sắt, thép....bị ảnh hưởng lớn khi giá nhập khẩu trở nên đắt đỏ; chi phí giá cả tăng cao. "Vì vậy, nếu như tháng 10/2021 WB dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% năm nay thì nay dự báo chỉ còn 5,3%. Tuy nhiên, đó chỉ là kịch bản cơ bản, xấu hơn nữa kịch bản dự báo có thể chỉ còn 4,4%", đại diện WB nói.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB khuyến nghị: Việt Nam cần thận trọng hơn khi xem xét hệ thống tài chính. Thực tế, các biện pháp tài chính ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra phải được nghiên cứu kỹ. Các biện pháp, chính sách của Việt Nam cho đến nay đã giúp Việt Nam có thể đi xa hơn và cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu vào lúc này phải cao hơn.
Cũng theo WB, trường hợp có thêm các cú sốc khác có thể dẫn đến kịch bản xấu, theo đó tăng trưởng GDP chỉ đạt 4% trong năm 2022, phục hồi lại 6% và 6,5% lần lượt vào các năm 2023 và 2024.
Không chỉ riêng WB, gần đây nhiều tổ chức cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam, theo đó hãng Bloomberg nhận định, GDP của Việt Nam dự kiến tăng 6%-6,5% vào năm 2022. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đó sẽ là tốc độ nhanh nhất trong khu vực và nhanh thứ hai ở Châu Á - Thái Bình Dương sau tốc độ ước tính 7,5% của Ấn Độ. Sản xuất sẽ là động lực chính, trong khi du lịch, xây dựng và các ngành công nghiệp khác dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi.
Capital Economics kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong những tháng tới, và dự báo GDP sẽ tăng trưởng 8,8% trong năm nay, cao hơn so với mục tiêu chính thức là 6,0% đến 6,5% và sau mức tăng trưởng 2,58% của năm ngoái. Tuy nhiên, Capital Economics cũng cảnh báo rằng có những trở ngại mới đang xuất hiện. Giá dầu cao hơn sẽ kéo theo sự phục hồi của người tiêu dùng, tăng trưởng chậm hơn trong nền kinh tế toàn cầu sẽ kìm hãm xuất khẩu trong khi quy mô các đợt phong toả ở Trung Quốc có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trước đó, Ngân hàng HSBC cũng đưa ra kỳ vọng Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vững vàng ở mức 6,5% trong năm 2022, mặc dù sự lây lan của biến chủng Omicron đặt ra nhiều rủi ro cho cả Việt Nam lẫn thế giới.
Trong các nước, Việt Nam được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khu vực với mức 7,5% trong năm 2022 sau khi chỉ đạt 2,6% trong năm 2021. Với mức tăng trưởng này, Việt Nam vượt qua Malaysia (6,7%) và Campuchia (6,6%) để đứng đầu khu vực nhờ động lực chính đến từ tốc độ bao phủ vắc xin nhanh, chính sách linh hoạt hơn giữa hai mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân và hồi phục nền kinh tế cùng hoạt động xuất khẩu ổn định.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo năm 2022, nhóm nước đạt tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhanh nhất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ gồm Việt Nam (7,2%), Philippines (6,5%), Malaysia và Campuchia cùng đứng thứ ba với mức tăng trưởng dự báo đạt 6%.
Q.A