Trong bài chia sẻ trước thềm năm mới 2022, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, năm 2021 là một năm vô cùng đặc biệt với Việt Nam, khi nền kinh tế có khởi đầu rất tốt đẹp trong quý I, tăng trưởng tích cực nhờ xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là mặt hàng công nghệ.
Năm 2022, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh chủ yếu nhờ đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại và tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất. |
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Delta khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tới mức các chỉ số GDP của quý III ghi nhận mức thấp kỷ lục, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu công bố số liệu GDP. Dù vậy, nhìn về năm 2022, CEO HSBC Việt Nam cũng bày tỏ niềm tin tích cực vào cơ hội và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam và đưa ra dự báo GDP năm 2022 sẽ lấy lại mốc 6,8%.
"Kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất từ đó thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam ký trong vòng hai năm qua bắt đầu mang lại trái ngọt"
Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC
Đánh giá tình hình hiện tại, nhóm nghiên cứu của HSBC nhận định, sau vài tháng khó khăn do phải áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt, tình hình đang ngày càng ổn định hơn. Hoạt động kinh doanh đã nhộn nhịp trở lại trong vài tháng qua và tâm lý vững tin đang dần trở lại bất chấp vẫn còn nhiều trở ngại do lao động chưa trở lại nhà máy. Chuỗi cung ứng của Việt Nam đã bị tác động bởi tình trạng thiếu nhân công trên diện rộng, đặc biệt trong các lĩnh vực cần nhiều lao động.
Đặc biệt, chỉ số PMI phản ánh mức độ tự tin của các nhà sản xuất đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 11 cho thấy điều kiện kinh doanh cải thiện tháng thứ hai liên tiếp sau thời kỳ giảm do đợt bùng dịch thứ tư khởi phát từ hồi tháng 4.
Nhìn về năm 2022, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, ông có niềm tin tích cực vào cơ hội và triển vọng tăng trưởng cho dù thế giới tiếp tục đối diện với một biến chủng mới của dịch Covid-19 là Omicron, nhờ 2 lĩnh vực là tài chính bền vững và số hóa.
Năm 2021 đã chứng kiến những bước tiến tích cực trên thị trường tài chính xanh của Việt Nam với nhiều giao dịch lớn liên quan đến bền vững. Tuy nhiên, thị trường này mới đang ở giai đoạn non trẻ và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Việt Nam là quốc gia đón nhận lượng FDI lớn nhất ở ASEAN xét trên tỷ trọng với GDP. Các tập đoàn toàn cầu ngày càng chú trọng đến ESG (nhóm tiêu chí về phát triển bền vững), sẽ đòi hòi một nguồn lực bền vững tốt hơn cả về chất lẫn lượng ở các quốc gia mà họ có hoạt động.
Đặc biệt, Việt Nam tiếp nhận giá trị đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất ở khu vực ASEAN và có tiềm năng nhất về khả năng phát triển năng lượng tái tạo trong khu vực đi kèm với tăng trưởng nhờ đầu tư nước ngoài.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã năng động phát triển nhiều sáng kiến hỗ trợ phát triển tài chính xanh như: xây dựng Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành 1/1/2022. Đến năm 2025, NHNN đặt mục tiêu phấn đấu ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội và 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh. NHNN khuyến khích tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược tài chính xanh độc lập hoặc lồng ghép vào kế hoạch phát triển hàng năm của mình.
“Đây là một động thái quan trọng nhằm thúc đẩy nỗ lực phát triển tài chính xanh của Việt Nam”, ông Tim Evans nhấn mạnh.
Dù vậy, để khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tài chính xanh, ông Tim Evans đề nghị NHNN nên cân nhắc thêm nhiều giải pháp khác. Đơn cử, NHNN có thể ban hành yêu cầu cụ thể cho từng công cụ tín dụng để ngân hàng phát triển khung tài chính xanh tốt hơn. NHNN cũng nên đặt ra mục tiêu rõ ràng về kết quả tài chính xanh cho từng ngân hàng, ví dụ như tỷ lệ số dư xanh chưa kết trên tổng sổ sách.
Về số hoá ngân hàng, năm 2021 là một cột mốc quan trọng của ngành ngân hàng xét về tiến độ số hóa. Năm 2021, McKinsey thực hiện Khảo sát Dịch vụ Tài chính Cá nhân của về hành vi sử dụng ngân hàng số của khoảng 20.000 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng ở thành thị tại 15 thị trường châu Á-Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.
Kết quả cho thấy tỷ lệ khách hàng Việt Nam dùng các công cụ ngân hàng số ít nhất một lần trong tháng đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2017 - 2021, từ 41% lên 82%. Tỷ lệ sử dụng công nghệ tài chính và ví điện tử của Việt Nam tăng từ 16% trong năm 2017 lên 56% vào năm 2021. Bên cạnh đó, theo Ernst & Young, 42% ngân hàng Việt Nam sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số, 28% đã triển khai chiến lược số hóa trong hoạt động kinh doanh.
Chính phủ cũng rất chủ động hỗ trợ số hóa ngành ngân hàng. Trong tháng 5, NHNN ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đại dịch Covid như một yếu tố xúc tác giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ số hóa nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.
Năm 2022, lãnh đạo HSBC Việt Nam cho rằng, các ngân hàng cần tiếp tục phát huy những gì đã làm được vì nhu cầu khách hàng luôn biến đổi không ngừng và đại dịch Covid-19 còn chưa chấm dứt hoàn toàn. Theo đó, mỗi ngân hàng cần tiếp tục đầu tư vào ngân hàng số để theo kịp nhu cầu và hành vi của khách hàng. Đồng thời, phải có giải pháp thay đổi tâm lý lo lắng về an toàn trên không gian mạng của người dân.
Theo McKensey, 71% khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng Việt Nam sẵn sàng tiếp cận sản phẩm ngân hàng qua các kênh số hóa, nhưng chỉ 23% đã thực sự hoàn tất các bước để mua sản phẩm của ngân hàng trực tuyến hoặc qua ứng dụng di động.
Thanh Hoa