Trước tác động của xung đột Nga - Ukraine, Fitch Ratings đã điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 xuống còn 3,5%. Ngân hàng Thế giới dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 4,1% năm 2022, trong khi con số này của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 4,4%.
Xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng sao tới kinh tế Việt Nam?
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu ngày 21/3/2022 của Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Mỹ, Khu vực đồng Euro và Trung Quốc lần lượt là 3,5%, 3,0% và 4,8%.
Tuy vậy, trong khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định tăng trưởng năm 2022 của Indonesia đạt 5,0%, Philippine đạt 6%, Thái Lan đạt 4%, Singapore đạt 4,1%, Malaysia đạt 5,9% và cao nhất là Việt Nam ở mức 6,5%.
Sản xuất, xuất khẩu đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt từ 6 - 6,5%. |
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I/2019.
Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê), đánh giá kết quả trên cho thấy nền kinh tế đang dần phục hồi. Ngành công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp tiếp tục dự báo tăng trưởng trong quý II.
Tuy nhiên, trước thách thức từ xung đột Nga - Ukraine, ông Hiếu cho biết Tổng cục Thống kê đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản thấp là xung đột vẫn căng thẳng, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, hoàn thành tiêm chủng mũi 3, tăng trưởng GDP quý II đạt 5,5%, quý III đạt 7,5%, quý IV 6,1%. Cả năm, tăng trưởng GDP đạt 6,0%.
Kịch bản cao, với giả định xung đột Nga - Ukraine "hạ nhiệt", dịch COVID-19 được kiểm soát, hoàn thành phổ cập tiêm vắc xin mũi 3, thì tăng trưởng GDP quý II đạt 6,1%; quý II đạt 7,5%, quý IV đạt 6,1%. Cả năm, tăng trưởng GDP đạt 6,5%.
Như vậy, cả hai kịch bản này, tăng trưởng GDP đều trong khoảng 6 - 6,5%, đạt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Nga và Ukraine không phải là đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên không tác động trực tiếp quá lớn, nhưng nếu xung đột này kéo dài sẽ làm giảm tổng cầu ở các thị trường lớn như Mỹ, EU.
Nga và Ukraine là hai quốc gia cung cấp dầu khí, lúa mỳ, phân bón... lớn trên thế giới, nếu xung đột không có dấu hiệu hạ nhiệt cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU thì nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm, người dân ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho năng lượng, đồng nghĩa thắt chặt hầu bao với các mặt hàng tiêu dùng khác, từ đó ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy vậy, ông Hiếu cũng kỳ vọng chương trình phục hồi kinh tế sẽ được triển khai và có tác động tích cực tới phát tiển kinh tế Việt Nam ngay trong quý II/2022. Để nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng 6-6,5% trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cần kiên trì nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh, dự báo nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô với giám sát chặt chẽ lạm phát, nâng cao năng lực ứng biến với COVID- 19, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm mở rộng thị trường...
Trong đó, để tăng tổng cầu trong thời gian tới có 3 giải pháp: Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt năm nay triển khai thêm gói phục hồi phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đẩy nhanh tiêu thụ hàng hóa cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Những đòi hỏi đổi mới
Bước sang quý II/2022, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhìn nhận kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu. Dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới.
Do đó, kinh tế Việt Nam năm 2022 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023; đặc biệt bảo đảm giải ngân hết 100% số vốn đầu tư công được giao tạo động lực thúc đẩy kinh tế.
Bên cạnh đó, bà Hương cho rằng cần kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó với các tình huống phát sinh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.
Đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước...
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện nay, những thay đổi của thế giới đang diễn ra một cách quá nhanh, quá bất thường. Bước sang năm 2022, Việt Nam kỳ vọng sẽ dành nguồn lực để lấy lại đà tăng trưởng cao, nhưng bất ngờ xung đột Nga - Ukraine diễn ra, đặt chúng ta đứng trước rất nhiều thách thức mới, đặt vấn đề cần phải xem xét lại nguồn lực, trọng tâm phát triển.
"Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đã có, đồng thời tạo thêm nguồn lực mới cho mình", chuyên gia Phạm Chi Lan khuyến nghị.
Đồng thời, bà Lan cũng lưu ý tới thuật ngữ "kết nối", ví dụ với các thị trường nền tảng như đất đai, tài chính, khoa học công nghệ phải kết nối với nhau. Cũng như các khu vực kinh tế như doanh nghiệp Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, khu vực doanh nghiệp FDI cũng vậy.
"Liên kết sẽ giúp chúng ta tạo ra sức mạnh vượt qua khó khăn. Những đòi hỏi đổi mới của Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất mạnh, chứ không thể nói khơi khơi", bà Lan nhấn mạnh.
Nhật Linh