Theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách Trung ương là 810.099 tỷ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 601.201 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Trung ương là 1.019.599 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.354 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
![]() |
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách 2019 (Ảnh: Internet) |
Tại báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, định mức phân bổ chi thường xuyên cho các địa phương đã có ưu tiên cho các địa phương vùng núi cao và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, các địa phương có diện tích trồng lúa lớn cũng được phân bổ thêm kinh phí đối với diện tích trồng lúa lớn và kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.
Năm 2019, Chính phủ trình Quốc hội tăng thêm 2% số bổ sung cân đối so với năm 2017 cho các địa phương. Đồng thời, ngân sách Trung ương đã ưu tiên đầu tư cầu, đường giao thông, kênh, cảng, cũng như phân cấp cho địa phương nguồn thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết để dành cho chi đầu tư phát triển.
Đối với các dự án, công trình trọng điểm, trong phương án phân bổ ngân sách Trung ương, Chính phủ đã thực hiện theo nguyên tắc bố trí chi đầu tư phát triển trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt và khả năng cân đối ngân sách Trung ương; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm.
“Như vậy, trong phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương, Chính phủ đã chú trọng ưu tiên bố trí vốn đối với các dự án, công trình trọng điểm”, báo cáo này nhấn mạnh
Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng cho biết, bố trí tăng chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu là yêu cầu cần thiết, cấp bách để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, các vấn đề nóng, bức xúc về môi trường hiện nay ở nước ta.
Cụ thể, trong dự toán năm 2019, Chính phủ trình phương án nhiệm vụ chi ngân sách Trung ương bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu tăng thêm 16.000 tỷ đồng (bao gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương).
Ngoài ra, trong phương án sử dụng vốn dự phòng chung thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Quốc hội đã quyết định về nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, trong đó dành nguồn lực hợp lý để bố trí cho các dự án, công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; nâng cấp hệ thống đê điều; khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu trong phạm vi cả nước.
Lê Thúy