Ngoài những lần Bộ Tài chính đề xuất tăng một loạt sắc thuế gây phản ứng trong giới doanh nghiệp (DN), điều được quan tâm không kém là bản dự thảo mới về Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có tạo môi trường thuận lợi cho họ hay không.
Chưa cụ thể hóa
Có thể lấy các vấn đề trong quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (GDLK) theo Nghị định 20/2017/NĐ- CP là một ví dụ vẫn chưa thể làm hài lòng DN về chính sách quản lý thuế vì có nhiều điểm bất lợi.
Ông Hứa Viết Minh, Kế toán trưởng công ty TNHH Samhammer, chỉ rõ thủ tục kê khai GDLK nói riêng và thủ tục khai báo thuế nói chung biểu mẫu cần đơn giản, dễ hiểu và rút ngắn hơn cho DN, đặc biệt là với GDLK.
Còn thực tế, có cán bộ thuế đã nói với DN là với hồ sơ "khổng lồ" như yêu cầu trong Nghị định 20 thì bản thân cán bộ thuế chưa chắc đã làm được.
Theo ông Minh, nhiều DN phải thuê các công ty dịch vụ bên ngoài để làm khai báo thuế vì đội ngũ kế toán chuyên nghiệp trong DN cũng không thể làm được báo cáo này, nên phát sinh thêm chi phí rất lớn cho DN. Một chủ DN tiết lộ đã hỏi thuê làm dịch vụ tốn khoảng 10.000 – 15.000 USD cho một bộ báo cáo trong một năm.
Vậy, câu hỏi đặt ra là với bản dự thảo mới về Luật Quản lý thuế (sửa đổi) liệu có thể phần nào khắc phục những điểm mà DN cho là bất cập trong Nghị định 20?
Trong góp ý mới nhất về bản dự thảo, VCCI lưu ý điều mà DN hết sức quan tâm đến sự cải cách, tiến bộ của dự thảo sửa đổi lần này lại chưa được cụ thể hóa, đặc biệt là các nguyên tắc: Công khai, minh bạch, bình đẳng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người nộp thuế. Nhất là cần quy định cụ thể minh bạch, công khai như thế nào, đặc biệt là trong khâu tính thuế.
Hơn thế nữa, VCCI nêu rõ: "Nguyên tắc bản chất giao dịch quyết định hình thức trong việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế: Những gì vướng mắc về hồ sơ thủ tục thì cơ quan thuế không dùng để đánh giá bản chất hành vi của DN. Trên thực tế có những DN chỉ sai sót hành chính lần đầu nhưng lại bị đánh giá là hành vi trốn thuế và bị áp dụng các hình thức xử lý quá nặng".
Việc cải thiện thời gian nộp thuế trong chính sách quản lý thuế cũng là điều mà các DN quan tâm. Cần ghi nhận là thời gian qua đã có những cải thiện đáng kể, từ việc các DN phải tiêu tốn tới 872 giờ trong một năm để nộp thuế (số liệu vào năm 2014) đến nay trên thực tế chỉ còn 117 giờ/năm.
Chính sách quản lý thuế mới cần tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp |
Gỡ các rào cản chính
Trong Báo cáo kết quả môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy những quy định góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho DN mà ngành thuế đã làm, đó là bỏ bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra kèm theo tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT); một số quy định đơn giản hóa thủ tục về tính thuế GTGT, thuế thu nhập DN.
Tuy nhiên, ngoài những vấn đề đang được cải thiện, theo giới chuyên gia, liệu việc thanh kiểm tra thuế hiện nay có còn bị chồng chéo khiến DN mất nhiều thời gian để thực hiện từng yêu cầu của việc thanh kiểm tra?
Về thời hạn thanh tra thuế, theo kết quả điều tra của VCCI, nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra thuế trên thực tế có thời gian kéo dài (có trường hợp đến vài tháng), gây tốn kém chi phí cho DN.
DN phải bố trí cán bộ, nguồn lực để cung cấp tài liệu, trao đổi thông tin và thời gian này không được tính vào thời gian thanh tra, thực tế có nhiều cuộc thanh tra phải gia hạn thời hạn nhiều lần.
Trong khi đó, việc chống thất thu thuế được các cơ quan thuế đẩy mạnh. Theo báo cáo của Thanh tra Tổng cục Thuế trong nửa đầu năm 2018 đã tăng thu qua thanh tra, kiểm tra hơn 6.581 tỷ đồng, bằng 99,08% so với cùng kỳ năm 2017.
Hồi năm ngoái, ngành thuế đã thu hơn 14.000 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 364 DN có hoạt động GDLK; truy thu, truy hoàn và phạt 1.306 tỷ đồng; giảm lỗ 6.022 tỷ đồng; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 2.798 tỷ đồng.
Nhìn vào các số liệu này thấy rõ là có vẻ như một bộ phận DN vẫn có xu hướng tìm cách né tránh thuế, trong đó không loại trừ việc hối lộ với các cán bộ thuế và thực hiện các hành vi trốn thuế.
Vì vậy, khi đã sửa đổi Luật Quản lý thuế cần "vá những lỗ hổng" trốn tránh thuế. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, VCCI đề nghị cần làm rõ trong Dự luật Quản lý thuế (sửa đổi) là các hành vi bị cấm tương đối phổ biến trong thực tiễn.
Chẳng hạn như định nghĩa về "gây phiền hà, sách nhiễu" đối với người nộp thuế để có cơ sở rõ ràng xác định các trường hợp cán bộ thuế vi phạm, từ đó có biện pháp thu thập bằng chứng về hành vi này và báo với các cơ quan có thẩm quyền.
Thế Vinh