Ts. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP), cho biết với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đang đặt ra cho các cơ quan quản lý là phải thay đổi, điều chỉnh các chính sách thuế. Nếu cơ quan quản lý càng chậm điều chỉnh chính sách, quy định sẽ càng thất thu nhiều.
Hầu như chưa thu được thuế
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25%, quy mô thị trường đạt khoảng 5 tỷ USD/năm. Trong 4 năm tới, con số này được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD.
Hiện có khoảng 80.000 website và một nửa trong số này hoạt động ổn định, với mức tăng trưởng doanh thu trong năm 2017 tăng 35%, tuy nhiên, cơ quan thuế thừa nhận việc thu thuế trong lĩnh vực này lại rất khó.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, việc kinh doanh qua mạng xã hội tương tự như Facebook, Zalo, YouTube, hay Google đã trở nên rất phổ biến, nhưng hoạt động bán hàng qua các hình thức này hầu như chưa thu được thuế.
Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế Tp.HCM, cho rằng do hiện nay, Việt Nam chưa định hình được rõ ràng hoạt động của Google, Facebook hay Grab, nên không thể đưa ra giải pháp riêng lẻ để kiểm soát, vì vậy phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý.
Hiện, Google và Facebook cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua các đại lý tại Việt Nam. Với cách thức này, doanh nghiệp (DN) sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam khi phát sinh doanh thu.
Tuy nhiên, hiện nay, Google và Facebook chủ yếu cung cấp dịch vụ cho khách hàng cá nhân và DN Việt Nam qua hình thức mua-bán trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử.
Trường hợp này, người mua thường sẽ không có hóa đơn, nên không được khấu trừ vào chi phí hợp lý. Mặt khác, khi thanh kiểm tra thuế cũng sẽ khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng.
Nếu dựa vào doanh thu từ số lần click chuột của khách hàng cũng vô cùng khó khăn vì cơ quan thuế không thể xác nhận được doanh thu từ tài khoản của nhà mạng ở nước ngoài.
Việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đang đặt ra cho các cơ quan quản lý phải thay đổi, điều chỉnh các chính sách thuế |
Quản lý thế nào?
Không chỉ với Facebook, Zalo…, câu chuyện quản lý thuế như thế nào với các tập đoàn đa quốc gia, các lĩnh vực mới như Grab vẫn là bài toán khó trong bối cảnh các cơ quan đang nỗ lực chống thất thu ngân sách hiện nay.
Khó khăn này đang là hiện hữu đối với ngành thuế, khi khoản nợ thuế 53,3 tỷ đồng của Uber sau khi rời khỏi Việt Nam, ngành thuế chưa thể thu được.
Ông Tâm cho biết, Cục Thuế Tp.HCM và Tổng cục Thuế đã nhiều lần có văn bản "đòi nợ", thậm chí có biện pháp mạnh, song DN này vẫn không trả.
Mới đây, Cục Thuế Tp.HCM đã phải gửi đơn ra tòa, tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, khả năng thu hồi được là vô cùng khó khăn, bởi trong trường hợp tòa tuyên bố Uber phải trả khoản nợ thuế đó, nếu DN này không trả, cơ quan chức năng chỉ còn biện pháp duy nhất là khấu trừ toàn bộ số tiền chuyển vào tài khoản của Uber mở tại các ngân hàng tại Việt Nam để cưỡng chế thuế theo quy định.
Nhưng trên thực tế, trong nhiều năm hoạt động tại Việt Nam, Uber không mở bất kỳ tài khoản nào tại ngân hàng Việt Nam, nên cơ quan thuế cũng không thể áp dụng biện pháp này được.
Bộ Tài chính thừa nhận, cách thức quản lý thuế hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý một cách đầy đủ và chính xác đối với loại hình kinh doanh công nghệ, xuyên quốc gia.
Đặc biệt, việc một số loại hình thương mại điện tử chưa có trong danh sách được phép kinh doanh nên chưa định hình được rõ ràng hoạt động của một số DN để cấp phép, gây khó khăn cho việc quản lý thuế.
Chẳng hạn, với Uber, Grab, đang hoạt động như những DN dịch vụ vận tải, dịch vụ phần mềm kết nối, hay kinh doanh thương mại điện tử… Nhưng, thực tế Uber, Grab tại Việt Nam không đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải mà là kinh doanh dịch vụ điện tử kết nối vận tải.
"Việc xác định hình thức kinh doanh này rất quan trọng, bởi chỉ khi xác định chính xác loại hình kinh doanh của những DN này mới áp dụng khung pháp lý phù hợp để điều phối", ông Tâm cho hay.
Tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được hoàn thiện, Bộ Tài chính cho biết đã đề xuất bổ sung thêm quy định bắt buộc nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (như Google, Facebook, Apple…) mở văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam trong việc khai báo, nộp thuế…
Hoàng Hà