Đó là ý kiến của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được đưa ra tại hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) ngày 7/8.
Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, kỳ vọng với sự góp ý của các hiệp hội, DN, Dự luật Quản lý thuế (sửa đổi) khi được ban hành sẽ “đi vào cuộc sống” và có tính ổn định lâu dài.
Giảm nợ thuế “ảo”
Luật Quản lý thuế hiện hành quy định người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định thì bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày.
Đáng chú ý, quy định này áp dụng cho cả người chết, người mất hành vi dân sự, DN đã phá sản, hoặc chờ giải thể… Vì vậy, số tiền chậm nộp của nhóm đối tượng không có khả năng thu đến cuối năm 2017 đã tăng lên 10.465 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia ngành thuế, số nợ này được xem là “nợ ảo”, Nhà nước không chỉ không thu được số tiền này mà còn tạo áp lực về chi phí, nhân lực cho cơ quan thuế trong việc theo dõi quản lý nợ thuế. Do đó, cần phải khoanh nợ đối với khoản nợ thuế, nợ tiền chậm nộp của các đối tượng nêu trên.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này đã đề xuất một số điểm quan trọng để làm giảm số “nợ ảo”.
Theo đó, bổ sung thẩm quyền xóa nợ với chủ DN tư nhân đã chết, đồng thời dự thảo Luật đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ trưởng Bộ Tài chính có quyền xóa nợ thuế dưới 10 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có thẩm quyền xóa nợ thuế dưới 5 tỷ đồng; Cục trưởng Cục Thuế, Hải quan có thẩm quyền xóa nợ dưới 1 tỷ đồng.
Đánh giá về điểm mới trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này, đại diện công ty Kiểm toán KPMG Việt Nam cho rằng cơ quan soạn thảo luật đã quan tâm hơn đến quyền lợi của người nộp thuế. Đây là nội dung mà nhiều DN sẽ rất vui mừng đón nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số nội dung của Dự thảo Luật chưa nhận được những ý kiến đồng tình.
Cụ thể là đề xuất bổ sung chính sách về điều tra thuế vào Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) theo hướng bổ sung quy định thẩm quyền của cơ quan thuế, công chức thuế trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế.
Trước đề xuất này, hầu hết các DN không tán thành. Giám đốc một DN chuyên tư vấn thuế cho rằng với đội ngũ thuế hiện nay, việc thu thuế chưa hiệu quả là do hệ thống văn bản, hành lang pháp lý thiếu minh bạch. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ thuế còn yếu kém, đạo đức chưa ổn do muốn tư lợi.
“Tại sao không nâng trình độ cán bộ để quản lý cho tốt, ham quyền làm gì nhỉ?”, vị này thắc mắc.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này đã đề xuất một số điểm quan trọng để làm giảm số “nợ ảo” |
Không nên “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Đại diện cho cộng đồng DN, VCCI cho rằng nếu bổ sung thêm chức năng điều tra cho cơ quan thuế, thì cùng một cơ quan, cùng một bộ máy vừa thực hiện thu thuế, vừa thực hiện thanh tra rồi lại thực hiện hoạt động điều tra thuế, như vậy chẳng khác nào ngành thuế “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
“Việc này sẽ có thể làm giảm tính khách quan của hoạt động điều tra tố tụng, giảm tính minh bạch của hoạt động quản lý thuế. Vì vậy, ngành thuế cần cân nhắc việc bổ sung chức năng điều tra”, đại diện VCCI kiến nghị.
Theo Hiệp hội DNNVV, trong 10 năm trở lại đây, Luật Quản lý thuế đã phải sửa đổi đến 4 lần. “Tuổi thọ” của một luật như vậy rất là ngắn, nhiều khi DN phạm lỗi cũng bởi họ không theo kịp luật.
Bà Nguyễn Thị Thuận, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị DNNVV, cho biết qua nhiều lần sửa đổi Luật Quản lý thuế, mỗi một lần đều có sự tiến bộ, nâng cao, tốt cho DN.
Đặc biệt, việc nâng cấp từ kê khai thuế trực tiếp tại các cơ quan thuế sang kê khai điện tử là bước tiến mới của ngành thuế, qua đó cũng giảm sự sách nhiễu, phiền hà của cán bộ thuế đối với DN.
Ông Tuấn cho biết tinh thần của Dự luật là coi người nộp thuế là trung tâm, cơ quan quản lý thuế chỉ thực hiện các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế, thực hiện các giao dịch điện tử.
Hiện nay có tới 99% DN đã kê khai thuế điện tử, 95% nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử cũng đang được mở rộng; trên 200 DN ở Hà Nội và TP.HCM đang thực hiện hóa đơn điện tử.
Ông Tuấn khẳng định: “Tới đây, đối với các cá nhân, nếu thuế thu nhập cá nhân dưới 50.000 đồng thì không phải nộp nữa. Hoàn thuế không nhất thiết phải có thời gian cố định, lúc nào hoàn cũng được”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Bộ Tài chính chuẩn bị hơn một năm, quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, trải qua rất nhiều khâu khác nhau.
Tuy nhiên, để thực hiện những nội dung chính sách đó vào luật như thế nào thì phải tính toán chặt chẽ. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia để có chất lượng tốt nhất có thể.
Thanh Hoa