Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT CTCP Meey Land, lưu ý đại dịch Covid - 19 làm lộ rõ những khiếm khuyết trong chuỗi giá trị sản xuất và thương mại. Ở giai đoạn đứt gãy này xuất hiện những khe hở của thị trường hay nhu cầu đang đòi hỏi những sản phẩm dịch vụ kiểu mới để bù đắp cho cái cũ bị khiếm khuyết.
“Buôn tài không bằng dài vốn”
Theo ông Chung, đổi mới sáng tạo của các DN cũng từ đây mà sinh ra. Khi xây dựng mô hình kinh doanh thì DN cũng gặp nhiều khó khăn nan giải. Trong đó, những vấn đề cơ bản là làm sao để bán được hàng, làm thị trường với chi phí thấp nhất hoặc làm sao để DN phát triển chắc chắn, ít rủi ro.
“Buôn tài không bằng dài vốn” đang là thách thức lớn cho các DN vừa và nhỏ (vốn đã bị “bào mòn” trong đại dịch Covid-19) trong việc phục hồi sức tăng trưởng. |
Vị chủ DN này dẫn lại câu nói của các cụ xưa “buôn tài không bằng dài vốn” và nhấn mạnh việc dài vốn sẽ giúp DN thực hiện bất cứ mục tiêu nào dù khó khăn đến mấy. Bởi một khi có nguồn lực lớn thì DN có được nhân tài, trang thiết bị hiện đại, những công nghệ tiên tiến phục vụ cho sản xuất…
Tuy nhiên, việc “dài vốn” lại đang là thách thức cực kỳ lớn cho các DN vừa và nhỏ hiện nay, vốn đã bị “bào mòn” trong đại dịch Covid-19, nhất là dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng khiến cho họ rất khó khăn để trang trải các khoản chi phí đầu vào đang tăng cao. Kể cả vấn đề tái cấu trúc, linh hoạt chuyển đổi như thế nào để “buôn tài” trong bình thường mới cũng không hề dễ dàng đối với họ.
Cho nên, phương án phục hồi sản xuất và định hướng cho năm 2022 sắp tới vẫn đang là bài toán “đau đầu” với các DN vừa và nhỏ. Bên cạnh đó là những thách thức trong quá trình chuyển đổi số từ mô hình hoạt động, phương án bán hàng, tiếp thị, lao động…trong bối cảnh bình thường mới.
Dựa trên nghiên cứu với các nhà quản lý DN vừa và nhỏ tại Việt Nam, ngày 24/11 Trung tâm Xuất sắc về kỹ thuật số (CODE) và Khoa Kinh doanh và Quản trị của Đại học RMIT đã công bố báo cáo mới nhất mang tên “Chuyển đổi số ở Việt Nam: Khảo sát các DN vừa và nhỏ và doanh nghiệp nhà nước (DNNN)”.
Trong báo cáo này cho thấy chỉ có 54% phản hồi của DN vừa và nhỏ xác định nâng cao trải nghiệm của khách hàng là ưu tiên của chuyển đổi số. Phát hiện này có thể cho thấy các DN nhỏ hơn đặt mục tiêu tập trung sâu vào khách hàng để duy trì được dòng tiền.
Ngoài ra, chỉ có 45% DN vừa và nhỏ được hỏi xác định gia tăng các tính năng sản phẩm là kết quả mong muốn của quá trình chuyển đổi số, tỷ lệ này tương tự với phản hồi của DNNN (44%).
Bên cạnh đó, trong việc tối ưu hóa quy trình làm việc thì chỉ có 39% phản hồi DN vừa và nhỏ xác định mục tiêu là tối ưu quy trình làm việc. Lưu ý rằng phản hồi của DN vừa và nhỏ đối với cả ba tiêu chí (quy trình làm việc, tính năng sản phẩm và trải nghiệm của khách hàng) được phân bổ đồng đều hơn nhiều so với phản hồi của DNNN.
Thời điểm để tăng trưởng
Theo báo cáo khảo sát của RMIT, một số nhà lãnh đạo DN vừa và nhỏ mà họ phỏng vấn đã chủ động đáp ứng với các điều kiện giao dịch mới và chấp nhận rủi ro thông qua việc quản lý năng động công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngược lại, không bất ngờ khi có một số DN vừa và nhỏ khác vẫn còn quan ngại về các rủi ro trong thời kỳ có nhiều bất ổn. Giới chuyên gia cho rằng với sự bùng phát của dịch Covid-19 và các hạn chế đi kèm đã gia tăng tính cấp thiết của chuyển đổi số. Các DN vừa và nhỏ giờ đây cần thay đổi tư duy rằng sự chuyển đổi của mình sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho DN, giúp tổ chức ứng phó, thích nghi trong mọi tình huống.
Bà Đoàn Kiều My, nhà sáng lập của YellowBlocks - đơn vị chuyên tư vấn chiến lược kinh doanh, marketing và công nghệ, nhận định rằng kỷ nguyên Covid-19 tái khẳng định tính cấp thiết và nhu cầu chuyển đổi số sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Với sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đây là giai đoạn“bình thường mới”.
“Với những gì đang diễn ra, tôi lạc quan về tương lai. Xu hướng chuyển đổi số tạo ra lực đẩy tích cực cho sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái kinh doanh”, bà My nói.
Nhà sáng lập YellowBlocks cũng nêu ra trường hợp bùng nổ thương mại điện tử và logistics của Việt Nam là do sự thay đổi đột ngột trong hành vi của người tiêu dùng trẻ của đất nước. Những thay đổi đột ngột như vậy làm phân mảnh hệ sinh thái vì hầu hết các bên liên quan là không thể theo kịp tốc độ chuyển đổi đột ngột.
“Tuy nhiên cũng phải nghiêm túc nhìn nhận rằng đây là khó khăn tất yếu và sẽ xảy ra phổ biến trong lúc bắt đầu thực hiện các cuộc cải cách, chuyển đổi. Điều quan trọng, đây là thời điểm để tăng trưởng, tận dụng được cơ hội này, cả hệ sinh thái với với nhiều ngành nghề sẽ đạt được sự phát triển bền vững, hài hòa”, bà My nói.
Thế Vinh