Một cuộc khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) với hơn 21.000 doanh nghiệp (DN) trong tháng 8/2021 trong bối cảnh tác động nặng nề của dịch Covid-19 đợt 4 cho thấy, về dòng tiền (được ví như “máu” của DN) thì hộ kinh doanh là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, với 45% cho biết chỉ có dòng tiền duy trì dưới 1 tháng. Tỷ lệ này ở công ty TNHH, cổ phần là 39,5%.
Lên lộ trình rõ ràng cho việc phục hồi
Mặt khác, 46% DN được khảo sát cho biết còn “đủ lực” để trụ trong 1-3 tháng, nhưng nếu thời gian giãn cách tại các địa phương liên tục kéo dài thì khả năng phải giải thể là rất cao.
Các nhà sản xuất nhỏ và vừa cần lên lộ trình rõ ràng cho phục hồi, song song việc thực thi sớm các giải pháp, chính sách hỗ trợ. |
Bên cạnh kết quả khảo sát này, nhiều ý kiến còn cho biết, có cả những DN nhỏ không thể giải thể nổi do còn nợ thuế và nợ các khoản phí... Trong khi đó, nhiều chủ DN "không còn một xu dính túi", trong khi các tài sản riêng như nhà cửa, đất đai, xe cộ đã mang đi thế chấp ngân hàng. Và số những DN như vậy có thể còn gấp nhiều lần so với DN đã giải thể.
Ngoài ra, tại báo cáo khảo sát mới đây về cuộc khủng hoảng Covid-19 lên các DN tư nhân trên toàn cầu, Công ty kiểm toán Deloitte lưu ý đại dịch không chỉ làm tăng số lượng những rủi ro mà các DN tư nhân phải đối mặt, mà còn làm thay đổi bản chất của những rủi ro này.
Các DN tham gia khảo sát cũng cho biết, những tác động của đại dịch trên diện rộng sẽ không chỉ kéo dài trong 12 tháng tới, mà là trong vài năm tới. Đồng thời, nhận định các rủi ro liên quan đến Covid-19 là những mối quan tâm hàng đầu trong 12 - 36 tháng tới.
Giới phân tích cho rằng, không có gì ngụy tạo khi nói rằng đợt bùng phát dịch lần thứ tư này đang gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nhỏ và vừa (chiếm 97% tổng số DN ở Việt Nam).
Và điều mà các DN nhỏ và vừa cần làm bây giờ là lên một lộ trình rõ ràng cho việc phục hồi, song song với việc thực thi sớm các giải pháp, chính sách hỗ trợ (đơn cử như Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa được Chính phủ ban hành).
Đặc biệt là cần sớm giải quyết các rào cản đối với hoạt động sản xuất thương mại, cung cấp cho các DN nhỏ và vừa một lộ trình có thể dự đoán được để lên kế hoạch khởi động trở lại các hoạt động kinh doanh nhằm “sống chung” với đại dịch.
Để duy trì khả năng phục hồi của DN nhỏ và vừa giữa đại dịch, ở góc độ chuyên gia kinh tế, Ts. Abel Alonso, Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT nhấn mạnh, cần giải quyết vấn đề theo kiểu “giàn giáo xây dựng”.
Tức là tương tự như cách lập giàn giáo xây dựng theo từng tầng một, các DN nhỏ và vừa của Việt Nam nên tập trung vào việc tồn tại qua từng ngày và dần dần nâng cao sức mạnh cho mình.
Nâng nhận thức để thích ứng
“Các DN vừa và nhỏ cần tận dụng tối đa những nguồn lực hạn chế hiện có để duy trì khả năng thanh khoản, và nên làm mới bản thân mình bằng cách đa dạng hóa sang các thị trường hay kênh bán hàng mới hoặc thay đổi mô hình kinh doanh”, vị chuyên gia của RMIT nói.
Bàn về sự mong đợi phục hồi của các DN tư nhân, theo các chuyên gia của Deloitte, những DN kiên cường nhất cũng là những DN lạc quan nhất. Theo đó, 3/4 DN được xếp hạng cao về khả năng phục hồi mong đợi các chỉ số kinh doanh của họ sẽ cải thiện, cao hơn khá nhiều (khoảng 25%) so với những DN có mức xếp hạng thấp về khả năng phục hồi.
Điều đó cũng cho thấy, để cải thiện các chỉ số sản xuất kinh doanh cho giai đoạn hồi sinh trong thời gian tới thì các DN nhỏ và vừa cũng cần kiên cường hơn. Các DN nên nhanh chóng triển khai các sáng kiến, cũng như nắm bắt cơ hội từ những thay đổi mang tính bước ngoặt trong nhiều lĩnh vực.
Chẳng hạn như việc thích ứng với nền kinh tế số và thương mại điện tử để phát triển kinh doanh trong quá trình phục hồi từ dịch Covid-19. Nhất là khi theo dự báo của J.P.Morgan (hãng dịch vụ tài chính quốc tế), số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam sẽ tăng lên 50,9 triệu trong năm 2021 so với 43,8 triệu vào năm 2017, và thương mại di động đến năm 2023 dự kiến sẽ tăng lên 10,2 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 18,6%.
Theo ông Yuan Fang, Giám đốc điều hành SEA Investment thuộc Quỹ đầu tư BAce Capital, với sự trợ giúp của thương mại điện tử, các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam có thể số hóa mọi giao dịch. Dữ liệu có được từ số hóa giúp các DN nhỏ hiểu rõ hơn nhu cầu khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh trong giai đoạn đại dịch này.
Tuy vậy, như băn khoăn của ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc điều hành của một DN trong lĩnh vực công nghệ logistics, dù đóng vai trò vô cùng quan trọng tại Việt Nam và là trụ cột của nền kinh tế, nhưng số lượng các DN nhỏ và vừa Việt Nam áp dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử là không đáng kể.
Không những thế, ông Trung lưu ý công nghệ và nguồn nhân lực là những rào cản không nhỏ đối với các DN nhỏ. Và khi bước vào giai đoạn mới, đặc biệt là trước tác động kéo dài của Covid-19, để hồi sinh được “nhịp thở” thì bản thân các DN nhỏ cần phải vượt rào cản này. Họ phải “nâng nhận thức để thích ứng”, hòa nhập và phát triển trong nền kinh tế số giữa đại dịch.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.