Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, diễn ra sáng 2/8, tại Hà Nội, nhìn lại kết quả 10 năm thực hiện cuộc vận động, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, Ban Chỉ đạo rút kinh nghiệm, bài học, xác định nhiệm vụ, phương hướng trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tổng kết 10 năm cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ảnh: Internet) |
Cuộc vận động là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng văn hoá tiêu dùng của người Việt, sản xuất ra nhiều hàng hóa có chất lượng, năng lực cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Cuộc vận động góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu, giúp doanh nghiệp Việt vươn lên.
Sau 10 năm thực hiện, cuộc vận động đã thu được nhiều kết quả rõ nét, quan trọng. Cuộc vận động giúp Chính phủ, địa phương hoàn thiện thể chế, rà soát văn bản pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch thông thoáng khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp, người sản xuất, thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm đa dạng phong phú...
"Đến nay nhiều mặt hàng Việt Nam đã chinh phục được người Việt Nam. Trong đó, nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của Việt Nam. Nhiều sản phẩm Việt Nam cũng đã vươn ra thị trường thế giới", Phó Thủ tướng đánh giá.
Theo Phó Thủ tướng, vận động người Việt dùng hàng Việt không chỉ thúc đẩy sản xuất mà còn bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm có chất lượng, với giá cạnh tranh, quan trọng hơn là người tiêu dùng phải có tiền, mà muốn có tiền thì phải có việc làm, sản xuất trong nước phải phát triển.
Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tiêu thụ hàng Việt là thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu, đe dọa sản xuất của Việt Nam, tiêu dùng trong nước càng có ý nghĩa quan trọng, sống còn bù đắp sự sụt giảm về xuất khẩu, duy trì hoạt động sản xuất đảm bảo tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, điều quyết định sự thành công của cuộc vận động yêu cầu trách nhiệm từ 3 phía Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng. Trong đó, Nhà nước tạo môi trường pháp lý, hạ tầng, nhân lực để đảm bảo cho DN và người dân có môi trường thuận lợi. Trách nhiệm của DN, người sản xuất là tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá cả, hệ thống phân phối thuận lợi cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng vừa tham gia sản xuất, đồng thời cũng phải yêu chính mặt hàng mà Việt Nam sản xuất.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho DN, người dân phát huy được nội lực; có cơ chế, quy định kiểm soát chặt chẽ nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện hàng giả, hàng nhái chưa được kiểm soát, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hoá diễn ra. Điều này yêu cầu các cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa, bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới tiêu dùng trong nước.
"Tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, chống gian lận thương mại nhưng không được ảnh hưởng tới điều kiện kinh doanh của DN, có vướng mắc phải sớm kết luận đúng sai", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cùng với đó, tái cấu trúc lại DN, không chỉ DN Nhà nước mà DN của mọi thành phần kinh tế. Tái cấu trúc sản phẩm để tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá cả phù hợp với thị trường, lấy thị trường thế giới, khu vực làm mục tiêu sản xuất. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Mặt khác, Phó Thủ tướng mong muốn, DN Việt đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ, xây dựng thương hiệu hàng hóa của Việt Nam.
Lê Thúy