Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 21/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.
Mất lợi thế
Chỉ thị nêu rõ, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện phát triển chưa đồng đều, thiếu đồng bộ; kết nối các phương thức vận tải chưa hiệu quả; chưa phát huy tốt các nguồn lực về hạ tầng, con người, thị trường nội địa và khu vực; các trung tâm logistics đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế chưa được đầu tư, xây dựng… dẫn đến chi phí logistics vẫn còn cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Ngành dệt may của Việt Nam nằm trong nhóm có giá trị xuất nhập khẩu (XNK) rất lớn. Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong năm 2017, sản phẩm XNK hàng dệt may đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm trước. Trong đó, chi phí cho hoạt động logistics chiếm 9,1%, ước tính khoảng 2,79 tỷ USD.
Theo báo cáo của Vitas, chi phí logistics của Việt Nam hiện cao hơn các nước trong khu vực, cụ thể so với Thái Lan cao hơn 6%, Trung Quốc 7%, Malaysia 12% và cao gấp 3 lần Singapore. Điều này làm giảm tính cạnh tranh của hàng dệt may so với các nước trong khu vực dù Việt Nam được coi là quốc gia có chi phí nhân công rẻ.
Bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cho biết mở rộng thị trường XK là một trong những định hướng chiến lược của doanh nghiệp (DN) này. Tuy nhiên, khi thâm nhập thị trường Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam rất khó cạnh tranh với hàng Thái Lan.
"Tôi phải nói thật là nông sản Việt không đáp ứng được ưu thế về giá. Giá thành sản phẩm quá cao nên kém sức cạnh tranh hơn đối thủ rất nhiều", bà Thanh chia sẻ.
Qua tìm hiểu, bà Thanh cho biết các DN Thái Lan được hỗ trợ trong khâu vận chuyển hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Trong khi Việt Nam không có hỗ trợ đó, cộng cước phí vận chuyển vào, giá hàng hóa bị đẩy lên cao và không thể cạnh tranh. Chính vì vậy, nhiều ngành hàng đã bỏ lỡ mất cơ hội kinh doanh, quảng bá sản phẩm tại thị trường UAE nói riêng và các thị trường khác nói chung.
Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng Việt Nam là nước xuất khẩu (XK) gạo thuộc tốp đầu thế giới nhưng không có cảng đầu mối về XK gạo như một số nước đang là đối thủ cạnh tranh. Các tàu tải trọng lớn của nước ngoài phải neo tại cảng Sài Gòn, chờ ghe thuyền đem gạo đến.
Hiện nay, phần lớn gạo XK đều từ Đồng bằng sông Cửu Long nhưng mỗi năm 7-8 triệu tấn gạo này phải chở lên Tp.HCM để XK, chi phí vận tải khoảng 10 USD/tấn.
"Vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ XK lúa gạo từ Đồng bằng sông Cửu Long đã được đề cập, với mong muốn giảm chi phí 10 USD/ tấn nhưng đến nay kết quả chưa như mong đợi", ông Phát chia sẻ.
Hàng xuất khẩu Việt Nam "lép vế" vì chịu phí logistics quá cao |
Những khoản phí vô lý
Bên cạnh đó, nguyên nhân về chi phí logistics cao được phân tích là do các quy định về phí và lệ phí về logistics còn ở mức cao (ví dụ thu cơ sở hạ tầng tại Hải Phòng), chi phí vận tải cao. Hiện, chi phí này đang chiếm 30-40% giá thành sản phẩm, trong khi ở các nước khác chỉ khoảng 15%.
Chi phí vận tải cao ngoài lý do chi phí nhiên liệu tăng còn có nguyên nhân phí BOT cao. Ví dụ như mức phí BOT tại cao tốc Hà Nội-Hải Phòng mới cho DN từ Hà Nội và Bắc Ninh ở mức khoảng 75 USD/lượt đi về – tương đương chi phí xăng dầu của chuyến xe và chiếm tới 40-42% tổng chi phí vận tải, phí BOT theo trục đường 5 cũng ở mức 35-38 USD và chiếm 20-22% tổng chi phí vận tải. Trong khi tại Malaysia, phí các trạm BOT chỉ chiếm khoảng 6% chi phí vận tải.
Các phụ phí của hãng tàu cao cũng là một nguyên nhân quan trọng. Hiện nay, đa số hàng nguyên phụ liệu của DN Việt Nam nhập về và hàng xuất đi là do phía nước ngoài chỉ định hãng tàu, DN không được thỏa thuận và do đó phải chịu các mức phụ phí và phí địa phương rất cao như phí xếp dỡ hàng hóa (THC) từ 90 đến 250 USD/ container, phí lệnh giao hàng (DO) từ 550.000 đồng lên 730.000 đồng/ container, phí vệ sinh container từ 490.000 đồng lên 680.000 đồng/ container…, phí CIC (bù chiều rỗng của container) với mức thu 60 USD/container.
Theo Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam, ngành chế biến thủy sản tuy phát triển với tốc độ nhanh nhưng cũng đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, mà một trong số đó chính là các chi phí logistics trong XNK đang ngày càng tăng cao, tạo thêm gánh nặng lớn cho DN, làm giảm năng lực cạnh tranh và cản trở sự phát triển của DN. Bên cạnh việc các hãng tàu tăng phí, đưa ra các dạng phí mới, một số đại lý hãng tàu phụ thu một số phí không hợp lý như phí khai báo trọng lượng (VGM) khoảng 300.000 – 550.000 đồng/lô hàng, phí truyền dữ liệu (đại lý Việt Nam truyền dữ liệu cho đại lý nước ngoài thông qua website) nhưng cũng thu thêm của chủ hàng khoảng 750.000- 850.000 đồng/lô).
Các DN cho rằng chi phí logistics cao đang làm giảm sức cạnh tranh của DN. Nhà nước cần phải xem xét để cắt giảm những khoản phí vô lý này.
Bà Nguyễn Thị Hải Thanh kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến để các hãng hàng không Việt Nam hỗ trợ cước phí vận chuyển cho DN giúp quảng bá sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài.
Ở khía cạnh khác, bà Phạm Thị Thúy Vân, Phó Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, cho rằng các DN có thể xem xét tới khả năng mua chung nguyên phụ liệu nhằm giảm chi phí vận chuyển. Cùng với đó, thay đổi tập quán kinh doanh, chuyển nhập khẩu nguyên phụ liệu từ hình thức CIF (DN vận chuyển chủ động đàm phán cước quốc tế, nhà sản xuất chỉ nhận hàng) sang hình thức FOB (nhà sản xuất chủ động chỉ định dịch vụ vận chuyển và cước quốc tế).
Các DN nên quan tâm đến việc sử dụng dịch vụ logistics trọn gói, chủ động trong quản lý cung ứng nguồn nguyên liệu, sản xuất, vận chuyển, kiểm soát được thời gian giao nhận hàng để làm chủ thị trường và tăng sức cạnh tranh cho DN.
Tại Chỉ thị 21/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa, giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường biển, đường sắt và đường thủy.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan (đặc biệt là Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính…) hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics. Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng chính sách thuế, phí, giá dịch vụ để tạo điều kiện cho DN cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức…
Lê Thúy
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam Các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để làm rõ các khoản phí hãng tàu tự "đẻ" ra để thu một cách vô tội vạ đối với các DN Việt Nam cũng như giám sát các loại phí của các hãng tàu để yêu cầu các hãng điều chỉnh mức thu xuống mức phù hợp. Ông Ưng Thế Lãm - Công ty TNHH Tư vấn XNK và xúc tiến thương mại Toàn Cầu Vai trò của logistics đối với hàng nông sản XK là cực kỳ quan trọng. Hiện nay, các DN Việt Nam mở rộng thị trường rất tốt nhưng chưa yên tâm với dịch vụ kho vận. Chi phí kho vận quá lớn khiến nhiều DN oằn mình chịu trận. Ông Phùng Ngọc Minh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn Bộ GTVT, Bộ Tài chính cần có giải pháp hiệu quả để giảm mức phí cầu đường trong tổng chi phí logistics (hiện mức phí cầu đường đang chiếm 30-35% giá thành vận chuyển) như giảm giá các trạm thu phí dọc Quốc lộ 51, khuyến mãi giảm giá giờ thấp điểm, linh hoạt bán vé tháng tuyến cao tốc Long Thành-Dầu Giây, Hà Nội-Hải Phòng, đồng thời tăng cường thu phí tự động. |