Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là dự báo, bởi chi phí logistics vẫn còn chịu nhiều biến động, đặc biệt từ xung đột Nga - Ukraine. Xung đột này không chỉ khiến việc giao thương hàng hóa bị đứt gãy, mà giá dầu thô thế giới cũng chịu tác động theo diễn biến của chiến sự.
Dự báo phí logistics quốc tế sẽ giảm
Giá dầu thô tăng sẽ tạo áp lực không chỉ lên giá vận chuyển quốc tế, mà đối với trong nước cũng rất căng thẳng. Bà Võ Thị Phương Lan - Chủ tịch Amerasian Shipping Logistics (ASL) cho biết cước vận tải nội địa năm 2022 có xu hướng tăng. Chiến sự Nga - Ukraine diễn biến phức tạp nên giá dầu trong nước tăng cao. Điều này tác động trực tiếp tới doanh nghiệp.
Dự báo có thể giá logistics quốc tế 'hạ nhiệt' từ quý II/2022. |
Thống kê cho thấy năm 2021, giá dầu tăng khoảng 21% so với năm 2020. Đáng lo ngại, chỉ riêng trong quý I/2022, giá dầu được điều chỉnh tăng liên tục và đã tăng tới hơn 50% so với quý I/2021. Giá dầu chiếm 40% giá vận chuyển nội địa, vì vậy từ tháng 1 đến nay, cước vận tải nội địa cũng được điều chỉnh tăng liên tục. Quý I/2021, cước vận chuyển tăng 27,81% so với quý IV/2021, con số nằm ngoài kiểm soát của cả doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất.
Thêm vào đó, từ ngày 1/4, TP.HCM chính thức triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển trên địa bàn TP, khiến chi phí logistics nội địa tăng thêm.
Trong khi cước vận chuyển nội địa có xu hướng tăng, Chủ tịch ASL thông tin về một dự báo tích cực là có một số chỉ dấu cho thấy chi phí logistics quốc tế sẽ có xu hướng giảm từ quý II/2022, khi mà tình trạng kẹt cảng được giải quyết và tàu biển di chuyển nhanh hơn.
Theo bà Lan, bình thường một container từ nhà máy sản xuất Việt Nam tới kho bán lẻ của Mỹ là 52 ngày. Năm 2021, một container từ nhà máy ở Việt Nam tới kho của siêu thị Mỹ bị đội lên tới 104 ngày, đồng nghĩa với chi phí lưu trữ, thuê container... tăng mạnh.
"Năm qua, nhiều doanh nghiệp cũng hỏi chúng tôi tại sao không có container rỗng, nhưng thực tế không phải không có, container rỗng vẫn được đưa vào thị trường nhiều nhưng nằm ở trên biển hết. Tàu vào Mỹ, chỉ có thời gian xếp hàng xuống và quay đi chứ không kịp chờ đưa container rỗng về châu Á để đóng hàng", bà Lan cho biết.
Dự đoán tình hình cước quốc tế tuyến Bắc Mỹ năm 2022, theo Chủ tịch ASL, nhiều doanh nghiệp năm qua cũng phản ánh một container gỗ có giá cước trung bình 25.000 USD, cao như vậy làm sao doanh nghiệp còn lợi nhuận, bán được hàng?
"Quý I/2022, giá vận tải đi Mỹ vẫn nằm ở mức cao, so với quý I/2021 tăng tới 232% đi vào bờ Đông, tăng 318% đi vào bờ Tây. Tuy nhiên, một số dự báo trong năm 2022 cho thấy xu hướng cước vận tải sẽ giảm, khi mà tình trạng kẹt cảng, tàu biển di chuyển nhanh hơn. Đây là thông tin tích cực", bà Lan nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch ASL khuyến nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải đàm phán về ký hợp đồng với các đơn vị logistics với thời gian dài hạn hơn để đảm bảo tính ổn định cả chi phí và hưởng được mức giảm giá, ưu đãi.
Bao giờ có đội tàu biển quốc tế mang thương hiệu Việt?
Về phía doanh nghiệp, ông Võ Quốc Lợi, thành viên Hội đồng quản trị Công ty kỹ nghệ gỗ Trường Thành, cho biết nhiều doanh nghiệp gỗ đã có đơn hàng tới hết quý III năm nay. Ngành gỗ cũng đang đứng trước nhiều cơ hội như các nhà mua hàng chuyển dịch sang Việt Nam, cơ hội mở rộng thị phần sang châu Âu, châu Mỹ, các nước châu Á nhờ việc tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP....
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ngành gỗ là chi phí vận chuyển, điều này có thể làm giảm biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 20 tỷ USD vào 2025.
Thực tế, đây cũng khó khăn chung khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhiều lần phản ánh về chi phí logistics Việt Nam đang quá cao. Kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chi phí logistics đã tăng 10 lần và bào mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu.
Thêm vào đó, với việc phụ thuộc vào đội tàu biển quốc tế của nước ngoài, liệu rằng khi giá logistics quốc tế giảm thì doanh nghiệp Việt có hưởng lợi ngay?
Về vấn đề này, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), khẳng định các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng có năng lực cung cấp dịch vụ ở tầm quốc tế. Số doanh nghiệp Việt Nam đăng ký với Cục Hàng hải Mỹ hiện có khoảng 104 doanh nghiệp, so với 20 năm trước chỉ có vài doanh nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam luôn sẵn sàng cung cấp dịch vụ đa dạng, trọn gói cho chủ hàng, sự hợp tác giữa hai bên sẽ giúp giảm được chi phí.
"Trước đây, nhiều công đoạn logistics phải do công ty đa quốc gia thực hiện, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn làm được. Dịch vụ nào do doanh nghiệp Việt Nam đảm nhận thì giảm được chi phí xuất khẩu nhập khẩu", ông Khoa cho hay.
Tuy nhiên về lâu dài, Phó Chủ tịch Thường trực VLA cho rằng cần phát triển đội tàu biển quốc tế mang thương hiệu Việt Nam, trước mắt là phục vụ các tuyến nội Á, sau đó làm tuyến xa hơn như tới thị trường Mỹ, EU.
"Đây là bài toán không đơn giản nhưng không phải không làm được. Sử dụng thương hiệu vận tải biển Việt Nam để giảm chi phí logistics", ông Khoa nhấn mạnh.
Báo cáo Logistics 2021 cũng chỉ ra trên thế giới đã phát triển loại tàu container có sức chở trên 20.000 TEU, nhưng doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đầu tư được tàu có sức chở 1.800 TEU. Như vậy, sự phát triển của đội tàu Việt Nam ngày càng cách biệt so với sự phát triển của đội tàu thế giới. Đó là lý do thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu Việt Nam ngày càng giảm, từ 10% vào năm 2015 xuống chỉ còn 7% vào năm 2021. Hiện có 93% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào 40 hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam.
Lê Thúy