Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, giá nhập khẩu gỗ thông trong tháng 3-2022 là hơn 300 USD/m3, tăng gần 100 USD/m3 so với năm 2021. Căng thẳng Nga – Ukraine sẽ có thể làm nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Nga bị co hẹp, điều này tạo ra sự thiếu hụt gỗ nguyên liệu trên quy mô toàn cầu trong tương lai. Một phần của sự thiếu hụt này có thể được bù đắp bằng việc gia tăng nguồn cung hiện tại từ EU và Hoa Kỳ nơi có các loài gỗ tương đồng với các loài từ Nga. Tuy nhiên, việc thiếu hụt về lượng cung có thể tạo ra sự cạnh tranh giữa các quốc gia nhập khẩu gỗ nguyên liệu; trong đó, có Việt Nam.
“Tắc” nguồn cung
Ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) cho biết, từ năm 2000, doanh nghiệp đã nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Nga. Với tình hình căng thẳng hiện nay, việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ EU sẽ ảnh hưởng. Doanh nghiệp đã gọi điện cho các nhà cung cấp và giá nguyên liệu gỗ đã tăng lên. Bởi, EU sẽ phải giữ lại một phần lượng gỗ nguyên liệu để bù đắp do không nhập từ Nga. Việc đấu giá gỗ nguyên liệu sẽ phải cạnh tranh rất cao và bên cạnh đó, giá cước tàu vận chuyển thời gian tới cũng sẽ tăng.
Chi phí vận chuyển, phát sinh tăng theo giá xăng nên các chủ rừng “đóng cửa” chờ giá thu mua hợp lý mới khai thác trở lại. Điều này khiến các doanh nghiệp rất khó thu mua được gỗ nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu. |
“Hiện nay, nguồn cung nguyên liệu rất khan hiếm vì Nga, Ukraine là nơi cung ứng nguyên liệu gỗ lớn cho nước ta, châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới. Do tác động từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine, nguồn cung gỗ từ châu Âu cho Việt Nam giảm sâu, trong thời gian ngắn, DN gỗ Việt Nam phải đối mặt khó khăn kép là tìm nơi cung cấp nguyên liệu và giá nguyên liệu tăng phi mã”, ông Hà nói.
Ông Lê Xuân Tân, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Để vượt qua khó khăn hiện nay, DN ngành gỗ buộc phải tái cơ cấu bằng cách cắt bỏ những khâu không quan trọng, tìm giải pháp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và đàm phán với khách hàng tăng giá bán. Nếu DN nào tái cơ cấu và giữ được sản xuất trong giai đoạn này sẽ có cơ hội phục hồi tốt khi thời cơ đến”.
Hiện nay, các DN gỗ đang tìm nguồn nguyên liệu trong nước và các nước khác để bù lại. Hoa Kỳ là thị trường đã tăng nguồn cung nguyên liệu gỗ cho Việt Nam thêm khoảng 34% trong gần 3 tháng qua. Đồng thời, các DN phải đàm phán lại với các đối tác chuyển sang các loại gỗ khác có sẵn trong nước như gỗ tràm, cao su…
Ông Nguyễn Nị, Chủ tịch Hiệp Hội dăm gỗ xuất khẩu Quảng Ngãi cho biết tỉnh mới bước vào đầu mùa khai thác gỗ keo, nhưng nhiều hộ dân, chủ rừng đang dừng khai thác do giá thu mua liên tục giảm.
Chưa hết, chi phí vận chuyển, phát sinh tăng theo giá xăng nên các chủ rừng “đóng cửa” chờ giá thu mua hợp lý mới khai thác trở lại. Điều này khiến các doanh nghiệp rất khó thu mua được gỗ nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, giá dầu tăng kéo theo nguyên vật liệu đầu vào đều tăng. Cộng thêm sự gián đoạn hoặc chi phí tăng thêm của chuỗi cung ứng sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngành gỗ. Đến nay, giá gỗ đã tăng tới 55% so với trước khi xảy ra căng thẳng.
Cần giải pháp căn cơ
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tuy gỗ nhập khẩu từ Nga không lớn nhưng đây là nguồn nguyên liệu khá quan trọng đối với DN chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, như gỗ bạch dương, gỗ xoài, gỗ ván ép, gỗ bốc lạng mỏng, gỗ thông... "Phần lớn DN đều có đơn hàng xuất khẩu cho đến giữa năm nay. Các nhà chế biến gỗ của châu Âu đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu gỗ từ Nga, dẫn đến cạnh tranh giảm sút đáng kể. Đây còn là cơ hội cho DN chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam tăng tốc vào thị trường này" - ông Ngô Sỹ Hoài nói.
Vấn đề các DN ngành gỗ lo lắng nhất hiện nay, nguồn cung tiếp tục khan hiếm, trong tháng 4-2022, nguồn gỗ dự trữ vẫn còn để sản xuất, nhưng qua tháng 5, 6-2022, khi gỗ nguyên liệu dự trữ tại các nhà máy hết phải nhập khẩu với số lượng lớn sẽ tạo thêm khan hiếm, giá có thể bị đẩy lên một mức mới.
Theo các chuyên gia, trước mắt với một số chi tiết sản phẩm, doanh nghiệp có thể bàn với đối tác là thay thế gỗ khác cho gỗ sồi như gỗ keo. Trong khoảng 2 năm vừa qua, gỗ từ châu Âu đã tăng 50% nên đây cũng là sức ép rất lớn với các doanh nghiệp về giá thành và cũng buộc khách hàng cũng phải tìm giải pháp.
Việt Nam có lợi thế là có lượng gỗ từ rừng trồng đang cung ứng khá tốt với sản lượng lớn. Trong tình hình bất ổn như hiện nay, việc duy trì, bảo vệ và phát triển nguồn cung gỗ nội địa cả về lượng và chất sẽ là chỗ dựa tốt cho các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam
Để chủ động sản xuất, nguồn nguyên liệu trong nước đóng vai trò quan trọng, nhằm giảm thiểu các bất ổn trong luồng cung gỗ nhập khẩu trong tương lai. Để làm được điều này đòi hỏi nỗ lực chung của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các hộ trồng rừng. Chính phủ có thể đưa ra các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ đưa ra các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn. Các cơ chế chính sách cũng cần tập trung vào tạo môi trường nhằm thu hút doanh nghiệp chế biến vào đầu tư tại các vùng nguyên liệu rừng trồng. Đồng thời cần thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ trồng rừng nhằm tạo nguồn gỗ lớn có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu.
Ngoài ra, các cơ chế chính sách cũng cần tập trung vào tạo môi trường nhằm thu hút doanh nghiệp chế biến vào đầu tư tại các vùng nguyên liệu rừng trồng. Liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ trồng rừng nhằm tạo nguồn gỗ lớn có chất lượng cao có tiềm năng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các hộ.
Đức Anh