Ông Lê Quốc Việt - vốn được người dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang gọi với cái tên thân thuộc là ông "Tư lúa mùa". Qua 5 năm trồng lúa hữu cơ, đến nay ông Tư đã có một trang trại nghiên cứu lúa mùa, thành lập Tổ hợp tác với 39 thành viên, diện tích 40ha.
Đối mặt muôn vàn khó khăn
Nhận định tiềm năng để mở rộng là rất lớn, song ông Tư cho biết cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đó là lúa mùa thơm, mềm nhưng độ dẻo duy trì trong khoảng thời gian ngắn hơn các giống lúa thơm khác. Quan trọng hơn là nguồn lực của Tổ hợp tác còn nhỏ bé nên chủ yếu vẫn sử dụng các kênh "0 đồng" để quảng bá sản phẩm.
Ruộng lúa mùa canh tác theo hướng hữu cơ, thuận tự nhiên của ông Tư - ông Lê Quốc Việt (Châu Thành - Kiên Giang). |
Nhìn nhận về chiến lược phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay, ông Tư đánh giá chính sách ở Trung ương thì khá tốt nhưng khi tới địa phương thì chưa đi vào "cuộc sống", người làm nông nghiệp hữu cơ chủ yếu vẫn phải tự tìm hiểu.
Trong khi đó, truyền thông về nông nghiệp hữu cơ chưa đủ mạnh, chưa tạo niềm tin giữa người tiêu dùng và người sản xuất nên chưa xây dựng được nền nông nghiệp tử tế. Vì vậy, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ còn tản mát, chưa thu hút được người tham gia.
Đang trực tiếp sản xuất nông sản hữu cơ, bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (Xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội), tin rằng tiềm năng của thị trường này là rất lớn, vì đến nay sản phẩm của HTX không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bà chia sẻ: Tôi bắt đầu trồng rau hữu cơ từ một nông hộ nhỏ lẻ, giờ phát triển lên quy mô HTX với 16ha rau hữu cơ. Có loại rau, một tháng chỉ thu hoạch được 1 lần nhưng đơn vị xuất khẩu cần gấp 4 lần số lượng thu hoạch. Điều này cho thấy, đây là thị trường rất tiềm năng.
Song bà Cuối cũng trăn trở về việc cần phải minh bạch về chất lượng của nông sản hữu cơ, tránh mù mờ thông tin để rồi đánh lộn giữa hàng đạt chất lượng và không đạt.
Theo ông Trần Thế Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty công nghệ Nho Nho, năm 2019, diện tích canh tác hữu cơ tại Việt Nam đạt gần 237.7ha (46/63 tỉnh thành có phong trào sản xuất hữu cơ với hơn 17 nghìn nông dân và gần 100 DN sản xuất hữu cơ). Hơn 60 DN tham gia xuất khẩu với kim ngạch đạt gần 335 triệu USD/năm. Sản phẩm hữu cơ Việt Nam đã xuất khẩu đi 180 quốc gia như Mỹ, EU, Trung Quốc...
Song ông Hiệp cũng chỉ ra những thách thức của sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Đó là quy mô nhỏ, diện tích hạn chế, sản lượng ít, thiếu cạnh tranh. Thiếu vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, chưa tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ. Chi phí đầu vào lớn, thu nhập hữu cơ chưa cân đối. Tiêu thụ sản phẩm khó khăn do nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của sản phẩm hữu cơ, tâm lý hoài nghi sạch - bẩn...
Giải pháp nào?
Do vậy, ông Hiệp kiến nghị xây dựng đề án phân tích, dự báo, đánh giá tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức và xu thế phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời phát triển thương hiệu và thị trường sản phẩm hữu cơ. Đặc biệt cần phối hợp giữa các ngành để quản lý chất lượng, nhãn mác và kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, giúp gia tăng giá trị của sản phẩm hữu cơ trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Chia sẻ với VnBusiness về câu chuyện nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm, cho biết đây là hành trình rất nhiều khó khăn để thay đổi tập quán canh tác. "Người nông dân Việt Nam rất hiền lành, song do không được đào tạo nên không hiểu rõ kỹ thuật canh tác. Vì vậy phun thuốc sâu cứ "đánh kẻng" là cả làng, cả xã phun mà không cần biết rằng một m2 ruộng bao nhiêu con sâu thì mới phun thuốc, việc sử dụng phân bón cũng vậy".
Điều này vừa tốn kém cho người nông dân lại vừa gây độc hại cho chính họ. Trong khi đó, việc thay đổi sản xuất rất khó khăn. Ông Lam chia sẻ: "Nhiều khi ông đi dạy người nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, thì mai lại có người khác dạy họ làm sao để rút ngắn thời gian sản xuất thông qua việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chất cấm...
Ví dụ với chăn nuôi cũng vậy, lợn nuôi ngon ít nhất phải 6 tháng mới xuất chuồng, trong khi sử dụng chất cấm, tăng trọng thì chỉ 2 tháng là lên 70kg - 1 tạ. Điều này vô tình đã đánh trực tiếp vào sức khỏe người tiêu dùng. Dẫn tới việc đánh lộn giữa sản phẩm không đạt chất lượng với hữu cơ, thị trường còn mập mờ.
Theo một doanh nghiệp chuyên sản xuất trái cây hữu cơ, phát triển phân khúc này quan trọng nhất là phải có thị trường đầu ra. Ông cho biết: Nếu muốn xuất khẩu, thì hàng hóa của chúng ta phải đủ số lượng mà khách hàng yêu cầu. Hiện nói về hàng đạt chuẩn, DN còn không có để bán chứ chưa nói hữu cơ. Điều quan trọng nhất là phải phá vỡ "tảng băng" nhận thức của nông dân về thế nào là sản xuất sạch.
Với thị trường trong nước, vị đại diện DN trên mong muốn các cửa hàng phân phối nông sản hữu cơ cần minh bạch nguồn gốc xuất xứ, tránh nhập nhèm giữa hàng sản xuất không đạt chuẩn với hàng nông sản hữu cơ.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng thừa nhận, hiện nay nông nghiệp hữu cơ vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền nông nghiệp. Thực tế, chúng ta cũng không nhất thiết tất cả đều làm nông nghiệp hữu cơ, mà chỉ làm một phân khúc nào đó, còn lại quan trọng nhất là cần làm sạch, sản xuất an toàn, có quy trình, chứng nhận đàng hoàng, sử dụng đúng liều lượng thuốc bảo vệ thực vật. Quan trọng hơn để xây dựng thị trường cho nông nghiệp hữu cơ thì cần củng cố lòng tin của người tiêu dùng.
"Nhiều khi người bán nói rằng sản phẩm này là hữu cơ chứ tôi cũng không biết có phải là hữu cơ thật không. Một khi người mua bị lừa dối khi ra quầy rau quả sạch, vì người bán đem rau quả khác về rồi giới thiệu là sản phẩm hữu cơ, thì niềm tin không còn. Khi người dùng đã không có niềm tin, họ không thể bỏ ra một khoản tiền lớn nhiều lần để mua một sản phẩm mà không biết có phải là hữu cơ hay không. Trong cuộc sống mình thích tìm người tử tế chơi, đi mua hàng người tiêu dùng cũng cần tìm đến nông dân sản xuất, người bán hàng tử tế để mua", ông Hoan chia sẻ.
Ông Lê Thanh Tùng Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Trước nay nhìn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giống mặt hồ bơi phẳng lặng, giờ thì đã gợn sóng, nổi sóng rồi. Theo đó, cần làm rõ cách hiểu về sản phẩm hữu cơ, canh tác hữu cơ, từ đó minh bạch thị trường, tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Có thể thấy, nông sản hữu cơ còn rất nhiều vấn đề ngổn ngang cần giải quyết như tổ chức sản xuất, tư vấn, đào tạo, chứng nhận đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ, điều này cần nhiều cơ quan liên quan để giải quyết vấn đề này, nhằm phát triển nền nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường sống. Ông Lâm Thái Xuyên Giám đốc Doanh nghiệp xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú Minh Phú đặt mục tiêu sẽ phát triển được 20.000 ha vùng nuôi tôm sú sinh thái hữu cơ trong khu vực rừng ngập mặn, với hàng nghìn hộ nông dân tham gia. Tuy nhiên, điểm vướng mắc nhất hiện nay không phải là vấn đề liên kết với bà con nông dân mà là thiếu nhân lực, không tìm được được lao động được đào tạo chính thức trong trường đại học nên thường phải tập huấn lại trong doanh nghiệp về quy trình sản xuất hữu cơ. Hơn nữa, muốn làm hữu cơ không thể một ruộng lúa là hữu cơ, ruộng bên cạnh vẫn giữ cách sản xuất truyền thống, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của ruộng lúa hữu cơ. Ông Nguyễn Đình Tùng Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group Để đạt được các chứng nhận về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt là rất khó, vì vùng trồng ở Việt Nam nhỏ lẻ. Ví dụ, muốn đủ số lượng xuất khẩu, DN phải gom quả bưởi ở 3 vùng trồng là Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Long. Ba vùng trồng, đồng nghĩa với việc cần 3 giấy chứng nhận Global Gap. Điều này rất tốn kém cho DN, mỗi giấy chứng nhận có thời hạn một năm tiêu tốn của DN 8.000 - 9.000 USD. Với những DN mới, riêng chuyện đi xin, đi làm chứng nhận mất tới cả năm mà vẫn chưa thể xuất khẩu. |
Lê Thúy