HTX Trúc Phượng đang sản xuất nấm hữu cơ theo hướng công nghệ cao. Theo Ban giám đốc HTX, trồng nấm theo quy mô nhỏ thì có thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng một khi xác định sản xuất theo quy mô lớn và đầu tư công nghệ cao thì người lao động phải có kiến thức, kỹ năng. Muốn vậy, việc đào tạo nghề, học nghề là rất quan trọng.
Chú trọng nguồn nhân lực
Khi bắt tay vào thành lập HTX và lựa chọn nấm là cây trồng chủ lực, Ban giám đốc HTX đã liên kết cùng các cấp ngành tại địa phương để tham gia các lớp tập huấn trồng nấm. Sau hai tháng học nghề, 7 thành viên ban đầu của HTX có thể tự tổ chức sản xuất. Ngoài ra, HTX còn được các chuyên gia nông nghiệp của tỉnh hỗ trợ về mặt kỹ thuật sản xuất nấm ứng dụng công nghệ cao trong hai năm. Từ đó, thành viên đều nắm vững về chuyên môn và trở thành “chuyên gia” trồng nấm trên địa bàn xã Yên Thọ.
Ông Lê Đình Trúc, Giám đốc HTX, cho biết trồng nấm là công việc rất tỉ mỉ, cần độ chính xác cao. Ngoài ra, người trồng còn phải biết vận hành các loại máy móc như máy trộn nguyên liệu, máy đóng bịch nấm, máy phun sương… để bảo đảm chất lượng sản phẩm và hạn chế tai nạn trong quá trình làm việc.
Không chỉ gây dựng, phát triển tốt mô hình trồng nấm, những năm qua, HTX tiếp tục trở thành nơi học nghề, trao đổi kinh nghiệm về nghề trồng nấm hàng hóa cũng như hướng dẫn kinh doanh, xây dựng thương hiệu nấm trên thị trường.
Cụ thể, HTX có thể đào tạo, hướng dẫn những người có nhu cầu về kỹ thuật nuôi trồng, bảo quản, chế biến các loại nấm thông dụng như nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò, mộc nhĩ, nấm hương và các loại nấm cao cấp như nấm kim châm, nấm đùi gà và nấm linh chi.
HTX Trúc Phượng là mô hình kinh tế tập thể đi đầu của tỉnh Thanh Hóa trong sản xuất nấm hữu cơ. |
Ngoài việc đào tạo về kỹ thuật, HTX còn hướng dẫn người lao động xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị, đồng thời cung cấp các nguồn giống, hướng dẫn cách thức tổ chức quản lý và bao tiêu sản phẩm nấm.
Chị Nguyễn Thị Vinh, lao động tại HTX, cho biết trước đây chị không có công việc ổn định. Sau khi được giới thiệu, chị đã xin vào HTX Trúc Phượng để vừa học nghề vừa thực hiện trồng nấm. Sau thời gian rèn luyện và xin làm việc tại HTX, bây giờ chị đã nắm được các kỹ thuật sản xuất nấm và có mức thu nhập ổn định mỗi tháng.
Theo nhiều người lao động khác thì trước khi vào làm việc cho HTX, họ đều là những lao động phổ thông, chưa có trình độ tay nghề. Thế nhưng, được HTX quan tâm, tạo điều kiện, trong quá trình vừa học vừa làm, họ đã trở thành những “hạt nhân” để duy trì sự phát triển của HTX.
Hiện tại, ngoài 17 thành viên, HTX đang tạo công việc cho 20 lao động. Còn đối với những người học nghề, nếu có nhu cầu ở lại làm việc tại HTX đều được Ban giám đốc đón nhận với mức lương từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng.
Theo đánh giá của UBND xã Yên Thọ, đến nay, HTX Trúc Phượng đã có những bước phát triển ổn định, vững chắc. HTX không chỉ tạo việc làm với mức thu nhập khá cho nhiều lao động địa phương mà còn là địa chỉ đào tạo nghề tin cậy cho nhiều thanh niên khác, từ đó giúp họ có cơ hội lập nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Nâng cao trình độ quản lý
Trong thời gian hoạt động, ban lãnh đạo HTX Trúc Phượng đã định hướng sản xuất, kinh doanh theo hướng chuỗi giá trị nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Trúc, Giám đốc HTX, do trình độ chuyên môn trong ban lãnh đạo, cũng như các thành viên trong HTX không đồng đều, thiếu hụt nguồn nhân lực có năng lực, trình độ kỹ thuật cao nên muốn phát triển hiệu quả, rất cần sự hỗ trợ từ những người có năng lực.
Nhận thấy tiềm năng và mong muốn của HTX, chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa đã tạo điều kiện đưa cán bộ trẻ về làm việc tại HTX. Đây được xem là hướng đi hợp lý vì bổ sung cho HTX nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo đó, khi có cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn về làm việc, Ban giám đốc và các thành viên đã được học thêm các kiến thức, kỹ năng về ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nấm ăn tự động, bao gồm hệ thống đóng bao, phun tưới, xúc tiến thương mại...
Chú trọng nguồn nhân lực là nền tảng giúp HTX phát triển bền vững. |
Bên cạnh đó, thành viên còn có khả năng mở rộng diện tích trồng nấm, thực hiện liên kết với nông dân chuyển giao công nghệ sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ hướng tới xuất khẩu.
Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường 40 tấn, doanh thu 1,7 tỷ đồng/năm. Các sản phẩm nấm đang được cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, HTX còn xây dựng cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm tại thị trấn Bến Sung (Như Thanh) và đang xúc tiến xuất khẩu nấm.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, có được kết quả này là nhờ Ban Giám đốc HTX Trúc Phượng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc đào tạo nghề. Điều quan trọng là những người đứng đầu HTX đã biết học hỏi kiến thức, kỹ năng mọi lúc, mọi nơi để có thể nắm bắt xu hướng thị trường, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và phục vụ lợi ích tối ưu của thành viên HTX.
Vĩnh Bảo