Mới đây, Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021” của Đoàn Giám sát thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cảnh báo khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030–2050) là nguy cơ hiện hữu.
Nhiều dự án nguồn và lưới chậm tiến độ
Trong số 6 chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, có đến 3/6 chỉ tiêu đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Đáng lưu ý, ngành năng lượng nước ta ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu; tài nguyên năng lượng sơ cấp Việt Nam ngày càng cạn kiệt. Tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện cơ bản đã khai thác hết. Sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn.
Nguy cơ thiếu điện vì nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ. |
Đặc biệt, Đoàn Giám sát cũng chỉ ra việc các tập đoàn năng lớn của nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã không hoàn thành việc đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện theo nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Thực tế thời điểm tháng 5, tháng 6 vừa qua, tình trạng thiếu điện cục bộ đã diễn ra ở khu vực phía Bắc. Nguyên nhân về việc chậm đưa vào vận hành các nguồn điện mới cũng được chỉ ra. Theo Kết luận thanh tra EVN của Bộ Công Thương, từ ngày 1/1/2021 - 1/6/2023, EVN và các đơn vị thành viên thực hiện đầu tư 13 dự án nguồn điện, tổng công suất 8.973 MW. Tính đến thời điểm thanh tra, EVN thực hiện đầu tư Dự án Quảng Trạch I chậm tiến độ 3 năm.
Với dự án Ô Môn III, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự án dự kiến đưa vào vận hành năm 2020. Tuy nhiên, thời điểm thanh tra, Dự án Ô Môn III vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dự án vay vốn ODA của Nhật Bản. EVN đang tiến hành công tác bàn giao Dự án Ô Môn III sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.
Với dự án Ô Môn IV (dự kiến đưa vào vận hành năm 2021), EVN đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để thực hiện dự án. Tuy nhiên, do tiến độ cấp khí của mỏ khí Lô B bị chậm tiến độ nên Dự án bị chậm tiến độ theo Quy hoạch VII điều chỉnh và Quyết định phê duyệt kế hoạch khai thác mỏ khí Lô B của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với dự án thủy điện, Kết luận thanh tra cho biết, Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng có công suất 360 MW, gồm 2 tổ máy, dự kiến đưa vào vận hành năm 2020. Tuy nhiên, theo báo cáo của EVN, tháng 6/2021, dự án mới được khởi công, hiện nay đang thi công theo tiến độ trong Thiết kế kỹ thuật được chủ đầu tư duyệt và dự kiến phát điện năm 2024. Như vậy, Dự án sẽ chậm tiến độ khoảng 45 tháng so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chậm khoảng 12 tháng đến 24 tháng so với chủ trương đầu tư được phê duyệt…
Cùng với đó, Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, nhiều dự án, công trình truyền tải điện (220-500kV) do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đầu tư thực hiện chậm tiến độ, trong đó có: Đường dây 500 kV mạch 3, các công trình lưới điện phục vụ nhập khẩu điện từ Lào, các công trình phục vụ giải tỏa công suất thủy điện phía Bắc, phục vụ giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo, các dự án Đường dây 220 kV: Nghĩa Lộ - Trạm 500 kV Việt Trì, Huội Quảng - Nghĩa Lộ, Nha Trang - Tháp Chàm,...
“Việc thực hiện đầu tư của EVN và EVNNPT chưa đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được duyệt. Việc chậm tiến độ các dự án lưới điện truyền tải (đường dây và trạm biến áp) làm giảm độ an toàn, tin cậy và khả năng cung cấp điện hiện tại cũng như các năm giai đoạn 2023-2025”, Kết luận thanh tra cho biết.
Các dự án đầu tư xây dựng lưới điện 110kV tại Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Tổng công ty Điện lực Tp.HCM (EVNHCMC), Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cũng đều chậm so với kế hoạch.
“Như vậy, việc thực hiện đầu tư của các Tổng công ty điện lực đều không đạt và thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao, làm giảm độ an toàn, tin cậy cung cấp điện hiện tại cũng như các năm giai đoạn 2023-2025”, Kết luận thanh tra nêu.
Cần giám sát chặt các dự án điện mới
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệp hội năng lượng Việt Nam, kiểm điểm giai đoạn 10 năm phát triển nguồn điện vừa qua có thể thấy nguyên nhân chậm trễ, thậm chí không thể triển khai đầu tư xây dựng nhiều nguồn điện truyền thống do khó khăn đến từ huy động nguồn vốn, khó khăn về nguồn nhiên liệu do khả năng than trong nước không cung cấp đủ, các vướng mắc về quy định của pháp luật và khó khăn trong chỉ đạo điều hành. Ngoài ra, một vài chủ đầu tư còn triển khai cầm chừng, thay đổi cổ đông, liên doanh hoặc năng lực kỹ thuật, tài chính yếu kém.
Với các dự án nguồn điện quốc gia, ông Tuấn cho rằng cần thiết có chế độ giám sát nghiêm ngặt từ Chính phủ, Bộ Công Thương, không để xảy ra tình trạng dự án chậm nhiều năm. Với chuỗi khí điện Lô B Ô Môn và Cá Voi Xanh, các cấp thẩm quyền cần vào cuộc để chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc nhằm tránh chậm trễ thêm.
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng Chính phủ cần có lộ trình phê duyệt rõ ràng đối với bất kỳ dự án điện mới nào, đặc biệt là dự án dùng nhiên liệu hóa thạch. Nếu các dự án này thường xuyên phát sinh chi phí cao hơn năng lượng gió hoặc mặt trời, thì những rủi ro này cần được nhìn nhận và đưa vào tính toán tài chính. Nó có nghĩa là công suất huy động sẽ thấp thông qua đấu thầu giá điện.
“Trong những trường hợp này, hợp đồng bao tiêu là không phù hợp, đặc biệt khi chi phí lưu trữ điện giảm đi. Nếu năng lượng tái tạo được đầu tư mạnh trong thập kỷ này, thì sẽ không cần phát triển thêm các dự án điện hóa thạch do nguồn điện này hiện đang dư công suất”, ông Thành nêu quan điểm.
Tuy nhiên, ngành điện cũng cần dự trù khả năng tiếp tục xảy ra hạn hán dẫn đến giảm sản lượng thủy điện. Tất cả hệ thống điện quốc gia đều cần hỗn hợp phát điện từ nhiều nguồn khác nhau.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương nhìn nhận, cần tạo lập thị trường cạnh tranh, hệ thống chính sách ổn định, hấp dẫn để huy động nguồn lực tư nhân vào đầu tư phát triển ngành điện. Làm sao để nhà đầu tư tư nhân thấy rằng, thiếu hụt điện là cơ hội kinh doanh vào ngành điện.
Đối với các dự án nguồn và lưới điện, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần rà soát, đánh giá tính khả thi của các dự án nguồn và lưới điện dự kiến thu hút đầu tư hoặc được cam kết đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2023-2030; hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, đầu tư, quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án nguồn, lưới điện theo Quy hoạch điện VIII.
“Khắc phục triệt để những hư hỏng, sự cố các nhà máy, tổ máy (nhiệt điện, thủy điện) trong phạm vi quản lý của các doanh nghiệp Nhà nước, bảo đảm các nhà máy đủ khả năng hoạt động tối đa công suất. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng, hoàn thành các công trình, dự án về nguồn điện, lưới điện”, Đoàn Giám sát của Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu.
Nhật Linh