Bộ KH&ĐT vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý về dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Bộ KH&ĐT đặc biệt lưu ý năng lực của chủ đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh khi dự án nhiều năm không triển khai. |
Theo Bộ KH&ĐT, việc phát triển điện lực luôn phải đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân. “Dự báo nhu cầu điện được lập cho từng năm nhưng việc lập kế hoạch phát triển nguồn điện, lưới điện lại theo giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030”, Bộ KH&ĐT nêu.
Do vậy, cơ quan này cho rằng, nếu không xây dựng mục tiêu phát triển các nguồn điện và lưới điện theo từng năm, đề nghị Bộ Công Thương làm rõ cơ sở xác định cân bằng cung cầu điện, đảm bảo đáp ứng đủ điện hàng năm, quản lý tiến độ của các cơ quan nhà nước, xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Về kế hoạch huy động vốn, theo Bộ KH&ĐT, nhu cầu vốn đầu tư cho thực hiện Quy hoạch điện VIII là rất lớn, cần có sự tham gia của mọi thành phần kinh tế và đa dạng hóa các nguồn vốn, trong đó có sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Tuy nhiên, Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương chưa đề xuất được các cơ chế, chính sách để thu hút huy động các nguồn vốn đầu tư, trong đó có nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính nước ngoài nhằm thúc đẩy việc xây dựng, thực hiện các dự án điện sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh…
Đáng lo ngại, quá trình triển khai quy hoạch điện giai đoạn trước còn xảy ra nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài ngay ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhưng chưa có phương án xử lý, có tình trạng được giao dự án nhưng không triển khai, chậm triển khai, không có khả năng triển khai nhưng không bị thu hồi. Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu bổ sung nội dung trên vào phần giải pháp và tổ chức thực hiện trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII để giải quyết tình hình trên.
Cụ thể, danh mục các dự án điện than chậm tiến độ, theo yêu cầu tại Quy hoạch điện VIII kèm theo Quyết định số 500 của Thủ tướng Chính phủ: “Bộ Công Thương làm việc với các nhà đầu tư, cho phép kéo dài đến tháng 6/2024 mà không triển khai thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật”. Bộ KH&ĐT cho rằng nên thực hiện nghiêm túc yêu cầu chỉ đạo này.
Tuy nhiên, đối với Dự án nhiệt điện Công Thanh, Bộ Công Thương có ghi chú “Xem xét cho phép chuyển đổi nghiên liệu sang sử dụng LNG”. Trong quá trình góp ý hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, Bộ KH&ĐT đã đề nghị lưu ý năng lực của chủ đầu tư Dự án nhiệt điện Công Thanh vì chủ đầu tư khởi công dự án từ ngày 5/3/2011 nhưng không có tiến triển.
Ngoài ra, việc chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng LNG cùng với việc nâng công suất từ 600MW lên 1.500MW (nếu được chấp thuận) đối với dự án đã có nhà đầu tư cần phải xem xét đến năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, "tránh trường hợp nhà đầu tư không thực hiện được dự án có quy mô nhỏ hơn mà không bị xem xét chấm dứt lại tiếp tục được thực hiện dự án có quy mô lớn hơn", Bộ KH&ĐT nêu quan điểm.
Được biết, dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh nằm trên địa bàn xã Hải Yến, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa, có tổng mức đầu tư 21.691 tỷ đồng, nhưng sau hơn 10 năm từ ngày khởi công, nơi đây vẫn đang là một khu đất rộng lớn bỏ không, tiến độ triển khai dự án vẫn mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng phần tường rào và cổng chính.
Thy Lê