Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có Công thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc và Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan và xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam.
Trái cây 'tắc đường' vì quy định mới
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ, ông lấy làm tiếc khi nhận được thông tin Sở Thương mại Vân Nam thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn từ tháng 7/2021 do lo ngại tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam. Đến trung tuần tháng 8/2021, thanh long nói riêng và nhiều loại trái cây, nông sản khác của Việt Nam nói chung cơ bản không thể xuất khẩu đi Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới với tỉnh Vân Nam.
Việc phía Trung Quốc đưa ra nhiều quy định khắt khe trong quá trình nhập khẩu đang khiến trái thanh long Việt Nam gặp khó. |
Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu rau củ, nông sản từ Vân Nam qua các địa phương biên giới Việt Nam vẫn đang diễn ra thuận lợi với trung bình khoảng 400 xe mỗi ngày.
Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, Việt Nam hiểu và chia sẻ mối quan tâm về công tác phòng chống dịch bệnh của phía Trung Quốc, nhưng theo Bộ trưởng, chỉ cần cơ quan chức năng cửa khẩu và doanh nghiệp hai bên tiếp tục tuân thủ nghiêm quy trình thông quan hàng hóa đã được khẳng định hiệu quả trong hơn 1 năm qua, thì công tác phòng chống dịch bệnh sẽ được đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc quan tâm, chỉ đạo tỉnh Vân Nam khẩn trương dỡ bỏ biện pháp hạn chế nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Việt Nam. Đồng thời phối hợp với các địa phương biên giới Việt Nam tiếp tục thực hiện vừa phòng chống dịch, vừa duy trì ổn định lưu thông hàng hóa.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, việc Trung Quốc thay đổi quy trình giao nhận hàng hóa ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) mới đây đã làm đội thêm chi phí rất nhiều. Cụ thể, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho hay việc Trung Quốc không cho lái và chủ hàng người Việt Nam đưa xe hàng sang bên nước bạn khiến DN có thể chịu rất nhiều rủi ro. Trái cây cần được bảo quản kỹ lưỡng, khi giao hàng cho khách, tài xế phải đảm bảo và chịu trách nhiệm kiểm tra nhiệt độ, chất lượng hàng hóa trên container. Nếu chất lượng không đảm bảo, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá bán.
Trong khi đó, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay thời gian thông quan của xe hàng lên cửa khẩu Tân Thanh kéo dài do quy định mới mà Trung Quốc đưa ra khiến DN phải chịu thêm chi phí tới cả chục triệu đồng như: phí lưu kho bãi, xét nghiệm cho tài xế, chi phí thuê tài xế Trung Quốc...
Thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc dẫn đầu đạt 1,3 tỷ USD, chiếm gần 60% giá trị xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Do vậy, nếu không khơi thông những điểm nghẽn trên, rõ ràng ngành trái cây nói riêng cũng như xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Cần linh hoạt phương án
Trung Quốc vẫn đang là thị trường rất lớn của Việt Nam, nhập khẩu trái cây của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục là 10,26 tỷ USD vào năm 2020, đây là lần đầu tiên trong lịch sử vượt 10 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2021, trị giá nhập khẩu trái cây của Trung Quốc đã bằng 75% tổng trị giá nhập khẩu trái cây của năm 2020, dự kiến năm 2021 nhập khẩu trái cây của Trung Quốc sẽ đạt kỷ lục mới.
Với tình hình trên, Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị phối hợp, chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai các biện pháp cấp bách tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển, thông quan hàng hóa qua cửa khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Lạng Sơn tiếp tục rà soát để hoàn thiện hơn nữa quy trình giao nhận, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh nhưng không gây trở ngại, gián đoạn quá mức cần thiết cho hoạt động xuất nhập khẩu.
"Tỉnh Lạng Sơn cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong giao thiệp với cơ quan chức năng phía Trung Quốc và trong công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình cửa khẩu. Nguyên tắc là tôn trọng quan ngại chính đáng của các bên khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp; ghi nhận, đánh giá đúng những nỗ lực của cả hai Bên trong việc duy trì thông quan ngay cả khi dịch bệnh bùng phát; nhưng kiên quyết làm rõ và thuyết phục phía Trung Quốc thay đổi các biện pháp chặt chẽ quá mức cần thiết, gây trở ngại không đáng có cho thương mại song phương. Nếu có thể, đề nghị họ cùng ta phân loại quy trình giao nhận, thông quan phòng dịch theo các cấp độ khác nhau (thí dụ như xanh, vàng, da cam và đỏ) để áp dụng cho các tình huống dịch bệnh khác nhau, qua đó tạo được sự chủ động và thuận lợi hơn cho việc thông quan hàng hóa", Bộ Công Thương đề nghị.
Riêng với cửa khẩu phụ Tân Thanh, để giảm bớt tình trạng ùn tắc, tồn đọng phương tiện do quy trình giao nhận mới, Bộ Công Thương đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn cân nhắc: tổ chức phân loại phương tiện ngay tại các bãi tập trung; chỉ cho lên cửa khẩu những xe đã có khách tiêu thụ rõ ràng để không tồn đọng quá lâu bên phía Trung Quốc. Yêu cầu lái xe chuyên trách tuyệt đối không nhận ủy quyền “trông nom” và “bán hộ hàng” bên kia biên giới.
Về lâu dài, doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản nói chung, cũng như trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), hiện nay trái cây của Việt Nam được xuất khẩu đi nhiều nước nhưng thị trường chính vẫn là Trung Quốc. Thời gian gần đây, nước này siết chặt kiểm dịch hàng hóa, gây khó khăn cho xuất khẩu trái cây.
"Thị trường này ngày càng có những đòi hỏi khắt khe, nếu các DN, địa phương không chú ý đáp ứng yêu cầu thì rất có thể sẽ phải gặp những cảnh báo tương tự như với Thái Lan - nước này vừa bị cấm xuất khẩu nhãn sang Trung Quốc do phát hiện rệp sáp", ông Hoàng Trung cho hay.
Do vậy, các địa phương, ngành nông nghiệp, DN, người sản xuất phải tuyệt đối thực hiện nghiêm các yêu cầu phía bạn đưa ra. Cần nghiêm túc thực hiện tốt việc kiểm soát các đối tượng dịch hại, loại bỏ các sinh vật gây hại ngay từ gốc. Đặc biệt là đối với nhãn, thanh long không để bị nhiễm các đối tượng dịch hại, nhất là đối với rệp sáp. Việc này nhằm duy trì hoạt động xuất khẩu trái cây của Việt Nam một cách thông suốt sang thị trường Trung Quốc.
Đối với các vùng trồng đã được cấp mã số có nguy cơ cao về nhiễm dịch hại, cần chủ động tạm dừng việc xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý vùng trồng, giám sát vùng trồng, nhất là các vùng trồng cây ăn quả đã được cấp mã số để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Lê Thúy