Tại tọa đàm "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ" diễn ra chiều 4/3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan một lần nữa gợi lại câu chuyện cách đây mấy năm, từng có một đợt ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu. Thời điểm đó, chúng ta cũng đặt ra những câu hỏi tại sao lại lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, tại sao không phát triển mạnh thị trường nội địa, không đầu tư chế biến sâu, không chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch...?
Ùn ứ nông sản có nguy cơ gia tăng
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoan nhìn nhận sau đó chúng ta lại hay "quên", không giải quyết đến cùng, kiên trì theo đuổi những mục tiêu đặt ra trước đó. "Mỗi đợt ùn ứ, dường như chúng ta vẫn giải quyết phần ngọn. Nông nghiệp còn mù mờ thông tin, buôn bán theo chuyến hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu", ông nhìn nhận.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bên phải) trao đổi với ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). |
Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết trước tình hình ùn tắc nông sản ở cửa khẩu biên giới đường bộ ở thời điểm cuối năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Công Thương, NN&PTNT, Tổng cục Hải quan, các cơ quan trung ương và địa phương đã vào cuộc hết sức tích cực.
Với sự tích cực vào cuộc của các cơ quan trung ương, địa phương và sự trao đổi tích cực với phía Trung Quốc, cơ bản hàng hóa nông sản của chúng ta bị ùn ứ tại các cửa khẩu đã được giải quyết trước Tết. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, đến nay, việc ùn ứ trở lại, xuất hiện ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Đến sáng ngày 4/3, tại Lạng Sơn, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản. Trong khoảng thời gian này, Lạng Sơn đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn đến thời điểm 15/3.
Tuy nhiên, bà Hà dự kiến từ 15/3 đến 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu có 500 xe lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu Lạng Sơn. Lượng xe vẫn có tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ.
"Đến thời điểm hiện nay, có 13/78 cửa khẩu hoạt động. Tuy nhiên từ 26/2 đến nay, hàng nông sản chỉ xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn. Các cửa khẩu ở địa phương khác đã tạm dừng. Với lượng nông sản đang vào chính vụ như vậy mà tiêu thụ nội địa chưa được nhiều, cơ bản vẫn chuyển lên cửa khẩu, cho nên hiện tượng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu vẫn tiếp diễn", bà Hà cho biết.
Bên cạnh đó về việc thiết lập "vùng xanh" để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Lạng Sơn đã thiết lập và triển khai ở khu biên giới. Tuy nhiên, tiêu chí, điều kiện về y tế với người cũng như phương tiện hàng hóa của chúng ta và phía bạn còn quy định khác nhau, chưa thống nhất, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu suất thông quan.
Cùng với các biện pháp Lạng Sơn triển khai tích cực, trong đó cả việc tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi lên cửa khẩu. Tuy nhiên, hàng ngày xe chở hàng vẫn lên Lạng Sơn bằng nhiều hình thức khác nhau.
"Chúng tôi mong các Bộ Công Thương, NN&PTNT, các cơ quan, các địa phương thúc đẩy các kênh tiêu thụ nội địa đặc biệt trong thời gian hiện nay, đẩy mạnh chế biến cũng như mở lại, khôi phục lại một số hoạt động xuất khẩu nông sản để giảm tải áp lực xuất khẩu tại các cửa khẩu Lạng Sơn hiện nay, tránh thiệt hại kinh tế cho người dân, doanh nghiệp", bà Hà chia sẻ.
Cần bắt đầu con đường chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch
"Tôi mong muốn một ngày không xa, những thông tin về dự báo giá cả, sản lượng, thời điểm thu hoạch sẽ được cập nhật mỗi sáng, thường xuyên như dự báo thời tiết. Sáng nào cũng có con số này để dẫn dắt, phán đoán rủi ro thị trường, thay vì hoa quả chất lên xe rồi thì mới loay hoay tìm thị trường"
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan
Trước những khó khăn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã chỉ ra những "nút thắt" như việc phát triển sản phẩm chưa phù hợp với yêu cầu. Ông đặt vấn đề: Tại sao Thái Lan - người ta xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc, trong đó có một số lượng lớn nông sản xuất khẩu qua Trung Quốc thông qua cửa khẩu của Việt Nam nhưng không gặp phải tình trạng ùn ứ?
"Nguyên nhân là do họ đáp ứng được các yêu cầu mà thị trường này đưa ra", ông Chinh nói.
Ông Chinh nhìn nhận, chúng ta dường như vẫn xem thị trường Trung Quốc như chợ huyện, cứ thu hoạch đem lên là bán được, tiếp cận một cách thụ động.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chia sẻ thực tế nhiều doanh nghiệp hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch hơn chính ngạch. Với quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính, khi thị trường này thay đổi là doanh nghiệp trở tay không kịp.
"Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa, người ta thay đổi lâu rồi, các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã thay đổi nhiều", ông Bình kể trước đây, có công ty xuất khẩu tinh bột hoa sang Trung Quốc, việc xuất khẩu này mười mấy năm vẫn diễn ra bình thường. Đến năm 2010-2012, Chính phủ Trung Quốc đưa ra tiêu chuẩn mới, bạn hàng cũng yêu cầu doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ mới có thể đáp ứng xuất khẩu được.
Vào tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu". Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Tuy nhiên, đến nay Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng không rõ đã có bao nhiêu doanh nghiệp đăng ký được theo hai lệnh này, nếu không kịp đăng ký thì sau này mất nhiều thời gian.
Dự báo số lượng xe nông sản ùn tắc ở các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ còn gia tăng trong những ngày tới. |
Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, nếu không giải quyết được tận gốc vấn đề thì rõ ràng không ùn tắc ở cửa khẩu thì sẽ ùn tắc ở vườn nông sản. Do vậy cần phải phát triển tư duy kinh tế nông nghiệp. Bộ trưởng Hoan thấy rằng lâu nay chúng ta vẫn say sưa với thành tích xuất khẩu, qua các con số mà không hiểu rằng rủi ro luôn hiện hữu trước mắt. Vì vậy, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để giải quyết vấn đề từ việc tạo ra sản phẩm chất lượng, cung cấp thông tin về thị trường.
"Chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại ngành hàng, trong đó có vai trò của hiệp hội ngành hàng, tiếp đó tổ chức lại thị trường. Chúng ta phải chấp nhận ngồi lại từ đầu để phát triển hệ sinh thái.
Ông Hoan chia sẻ: "bẫy" của ngành nông nghiệp nằm ở ba chỗ: "Nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, Chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Thành ra, cứ thấp thỏm từng mùa vụ, giống với chuyện đánh bài trông chờ may rủi".
Theo đó, ngay tuần sau, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết sẽ chủ trì ngồi họp bàn với các cơ quan chức năng liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng để bắt đầu con đường chuyển từ xuất khẩu nông sản tiểu ngạch sang chính ngạch.
Ông Hoan nhấn mạnh: Mọi thay đổi cần lộ trình nhưng nếu không khởi hành thì không kết thúc được vấn đề. Mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì sẽ khó khăn hơn.
Lê Thúy