Theo Sở Công Thương Lạng Sơn, tính đến ngày 11/2/2022, tổng số xe chờ xuất khẩu tại 3 khu vực cửa khẩu đường bộ: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 1.646 xe. So với 1.514 xe tại thời điểm sáng ngày 10/2/2022, lượng xe chờ xuất khẩu đã tăng 132 xe.
Nghìn xe nông sản vẫn chờ ở cửa khẩu
Với tốc độ thông quan như trên, hoa quả tươi (chiếm khoảng 90% tổng số xe chờ xuất khẩu) cần chờ khoảng 10 - 15 ngày mới có thể xuất khẩu, không chỉ phát sinh chi phí bến bãi và các chi phí khác gây thiệt hại kinh tế cho người dân, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng công tác phòng chống dịch, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu vực cửa khẩu.
Hàng nghìn xe nông sản vẫn xếp hàng, nằm chờ xuất khẩu sang Trung Quốc. |
Trước tình hình trên, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn thông báo tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời gian thực hiện từ ngày 16/2 cho đến hết ngày 25/2.
Theo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, hiện trên địa bàn tỉnh có 4 cửa khẩu gồm: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu quốc tế Ga đường sắt Đồng Đăng, Cửa khẩu Quốc gia Chi Ma và Cửa khẩu phụ Tân Thanh đang tích cực hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, do các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 nghiêm ngặt của phía Trung Quốc nên hiệu suất thông quan vẫn rất thấp, trung bình chỉ giải phóng được khoảng 70-90 xe/ngày.
Trước đó, Sở Công Thương Lào Cai cũng phát cảnh báo về việc từ đầu năm 2022 đến nay, phía huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc thông báo đã tiến hành xét nghiệm trên phương tiện và hàng hóa nông sản (thanh long, tinh bột sắn,...) phát hiện các trường hợp dương tính với virus Sars-Cov-2.
Phía Trung Quốc thông báo nếu còn phát hiện trường hợp dương tính với virus Sars Cov-2 thì sẽ áp dụng biện pháp quản lý khống chế tạm thời đối với hàng hóa thực phẩm đông lạnh và trái cây, nhất là quả thanh long.
Vì vậy, Sở Công thương tỉnh Lào Cai đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố thông báo, khuyến cáo các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu nông sản của tỉnh tăng cường công tác phòng chống dịch, kiểm soát tốt các khâu từ thu hoạch, bốc xếp, đóng gói hàng hóa; chủ động thực hiện kiểm soát, phun khử khuẩn phương tiện, hàng hoá ngay từ khâu đóng gói, xếp hàng lên phương tiện để đảm bảo kiểm soát dịch bệnh.
Ngay đầu năm mới, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết vừa gửi thư tới Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để phản ánh những khó khăn về việc đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm sang Trung Quốc đáp ứng quy định Lệnh 248, Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Đến ngày 08/02/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 1.528 mã sản phẩm nông sản thực phẩm cho các doanh nghiệp của Việt Nam.
Tuy nhiên, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được kiến nghị của một số doanh nghiệp còn gặp vướng mắc như doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký với Cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/11/2021 theo hướng dẫn tại Công hàm số 353 ngày 27/9/2021 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc; đã có đơn hàng, đã thông quan tại cảng xuất khẩu của Việt Nam, đã có tờ khai Hải quan trước ngày 01/01/2022, hiện các lô hàng đang tại cảng của Việt Nam nhưng chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã.
Và bài học 'không bỏ trứng vào một giỏ'
Có thể thấy, tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang rất cấp bách, nhất là khi sản lượng thu hoạch trong quý I lên tới hàng triệu tấn. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), sản lượng rau của Việt Nam dự kiến khoảng 10 triệu tấn/năm. Trong đó, sản lượng quý I tập trung vào tháng 1, chiếm hơn 60% tổng sản lượng. Nếu mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 10kg rau/tháng, sản lượng rau thừa trong quý I/2022 khoảng 2,5 triệu tấn.
Về cây ăn quả, thanh long cho sản lượng cao nhất 1,4 triệu tấn/năm. Sau đó là chuối hơn 1 triệu tấn, xoài hơn 800.000 tấn, sầu riêng khoảng 600.000 tấn. Vì vậy, 3 tháng đầu năm, thanh long, mít, bưởi, chuối, xoài cần tiêu thụ lớn. Rõ ràng việc tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông sản đang rất cấp bách.
Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc công ty Vinamit, cho biết Trung Quốc đang là bạn hàng quen, chiếm 40-50% lượng hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp vẫn xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thuận lợi do có sự chuẩn bị về vùng trồng, khu sơ chế, đóng gói, chế biến... nhưng đồng thời đang đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường châu Âu, Mỹ.
Tuy nhiên, ông Viên khuyến nghị trong kinh doanh không nên "bỏ trứng vào một giỏ". "Xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của châu Âu, Mỹ được dự báo tăng 30%. Đây sẽ là cơ hội để chúng tôi đẩy mạnh tiến sâu vào thị trường này", ông Viên nhìn nhận.
Trong khi đó, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đặt ra bài toán chi phí trong sản xuất nông nghiệp. Ông Hoan dẫn chứng, vì sao cũng loại nông sản đó nhưng giá thành sản xuất của Thái Lan rẻ hơn Việt Nam. Hay ngay cả Trung Quốc, họ trồng quýt, đưa sang Việt Nam bán mà giá của họ còn rẻ hơn chúng ta trồng ở Việt Nam.
Theo đó, ông Hoan cho rằng tư duy kinh tế nông nghiệp là ở chỗ đó. Làm sao giá thành sản xuất thấp nhất, trong khi giá trị sản phẩm phải được nâng lên, thay vì tập trung vào sản lượng.
Đặc biệt, quay trở lại với thị trường Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, mặc dù tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc từ Việt Nam giảm nhưng đây vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam.
Nhiều thị trường cung cấp hàng rau quả như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Hoa Kỳ... đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, vì vậy hàng rau quả Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh gay gắt. Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản và nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu được thực thi. "Những yêu cầu này đòi hỏi các doanh nghiệp cần lưu ý, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhập khẩu của Trung Quốc để tránh bị gián đoạn hoạt động xuất khẩu", Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị.
Nhật Linh