Tại cuộc họp thúc đẩy xuất khẩu nông sản bằng đường biển do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, tuy phía bạn đã mở lại một số cửa khẩu nhưng có thể đóng bất cứ lúc nào nếu phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2.
Hơn nữa, sắp đến Tết Nguyên đán, có cửa khẩu nghỉ 1 tuần, có cửa khẩu nghỉ 2 tuần, các doanh nghiệp cần cân nhắc, nếu dồn hàng hóa lên các cửa khẩu thì sẽ rất khó khăn. Ông Nam bày tỏ mong muốn sẽ tháo gỡ được những khó khăn, tạo cơ chế thuận lợi trong vận tải đường biển để xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.
Khó kiếm chỗ trống, rủi ro lại tăng lên
Qua rà soát thực tế, đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong quý I/2022, 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang có 226.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Trong đó, nhu cầu thanh long xuất khẩu là 101.216 tấn; tương ứng cần 5.087 container. Riêng tháng 1, sản lượng thanh long của Bình Thuận là 60.000 tấn, cần xuất khẩu 12.400 tấn, tương ứng cần 620 container.
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bằng đường biển cũng rất khó khăn. |
Trước nhu cầu cấp thiết trên, đại diện Cục Hàng hải (Bộ GTVT) cho biết, hiện có khoảng 30 hãng tàu có xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do đặc thù của container lạnh cần ổ cắm điện, mỗi tàu chỉ bố trí khoảng 20% công suất.
Theo Cục Hàng hải, hàng hóa đi đường biển yêu cầu bộ chứng từ phải đầy đủ. Để hàng hóa lên được tàu thì phải có chất lượng, mã số vùng trồng… Nếu hàng hóa không đảm bảo các yêu cầu thì khi sang Trung Quốc sẽ bị trả lại. Khi đó chủ hàng sẽ phải chịu toàn bộ chi phí.
Về vỏ container lạnh bị thiếu, đại diện Cục Hàng hải cho rằng do đặc điểm thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiện hàng xuất khẩu sử dụng container lạnh nhưng hàng nhập khẩu lại không sử dụng container lạnh. Các doanh nghiệp vận tải còn cho rằng, chi phí nhập khẩu vỏ container về rất cao; cùng với đó là tình trạng hạn chế về ổ cắm trên tàu nên khả năng đáp ứng container lạnh không cao.
Trong khi đó, ông Văn Nhật Tùng, đại diện hãng tàu CMA cho hay, hiện nay, nhiều khách hàng xuất khẩu thanh long muốn ký hợp đồng vận tải đường biển với hãng tàu nhưng thực tế chỗ trống, container lạnh không có nhiều, gây ra xung đột với các khách hàng xuất đi chuối, bưởi, sầu riêng đã ký kết hợp đồng với các hãng tàu.
Theo ông Tùng, trường hợp khách hàng thanh long muốn đi đường biển phải có tiến trình, xây dựng từ từ, cam kết để đội tàu tăng năng suất, đầu tư về chỗ, container lạnh. Đang đi đường tiểu ngạch chuyển sang đường biển, chắc chắn sẽ có những trục trặc về mặt giấy tờ, đặc biệt trong thời điểm nhạy cảm Trung Quốc siết chặt kiểm soát COVID-19.
"Nếu doanh nghiệp tự tin chất lượng hàng hóa có thể thông quan, chắc chắn không có vấn đề thì mới nên đi đường biển. Còn doanh nghiệp đang đi tiểu ngạch chuyển sang chính ngạch sẽ rất rủi ro, đặc biệt thanh long là hàng dễ hư hỏng, tốn thêm chi phí và những quy định kiểm dịch bao bì rất phức tạp", ông Tùng cho biết.
Đề xuất xây dựng cổng thông tin về giá vận tải biển
Đồng quan điểm của hãng tàu, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho hay thực tế thì hai phương tiện vận chuyển đường bộ và đường biển có nhiều điểm khác nhau như phương thức, chủ hàng và thủ tục hành chính. "Nguồn hàng đi đường bộ chiếm 70%, còn đường biển là 30%, phục vụ hai vùng tiêu thụ khác nhau của Trung Quốc. Theo thông tin của chúng tôi, thông quan đường bộ dễ hơn, rẻ hơn đường biển. Mặc dù có những chi phí ngoài luồng nhưng như vậy chủ hàng vẫn có lãi hơn", ông Sang cho biết.
Hơn nữa, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, chủ hàng muốn xuất khẩu nông sản qua đường biển phải "quen mối, quen lái". Đồng thời, trong việc chuyển đổi hình thức vận chuyển từ đường bộ sang đường biển thì phải xuất khẩu chính ngạch. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển có thể tăng cao đến mức không kiểm soát, bởi doanh nghiệp phải chịu thêm phí từ một lần chở container rỗng về Việt Nam.
"Tương tự như vận chuyển đường bộ, qua các cửa khẩu đường biển, Trung Quốc cũng duy trì chính sách “Zero COVID”, ông Sang nhấn mạnh, tốc độ thông quan bằng đường biển chưa chắc nhanh hơn đường bộ.
Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ GTVT cho biết đang quy hoạch xây dựng Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, Tp Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), tiếp nhận cỡ tàu 20.000 tấn, cách cửa khẩu Móng Cái 10km. Nếu cảng này đi vào hoạt động, việc xuất khẩu đường biển sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn.
Là doanh nghiệp đang xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chánh Thu, phàn nàn về việc giá cước vận tải biển cũng "nhảy múa theo sức nóng" đầu ra của nông sản. Hôm nay, hãng tàu báo giá cước 6.700 USD/container, nhưng hai ngày sau lại xuống 4.000 USD/container, lên xuống rất thất thường, làm khó doanh nghiệp.
Vì vậy, bà Vy đề xuất xây dựng cổng thông tin cập nhật chi phí, cước vận tải có sự giám sát của cơ quan nhà nước, minh bạch về cước vận chuyển, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp.
Lạng Sơn tạm dừng nhận phương tiện chở hoa quả từ ngày 17/1 UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố thông báo tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi Việt Nam đến cửa khẩu của tỉnh để xuất khẩu sang Trung Quốc từ ngày 17/1 cho đến hết Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Theo Sở Công thương Lạng Sơn, đến sáng 12/1, tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma còn tồn 1.548 xe hàng hóa, trong đó có 651 xe chở hoa quả. Trong khi trung bình một ngày số lượng xe xuất khẩu chỉ đạt 80 - 100 xe (trong đó có 50 - 60 xe hoa quả). Với tốc độ thông quan như trên, để giải phóng hết hàng hóa là hoa quả đang tồn ở các bến bãi cửa khẩu của tỉnh sẽ cần 13 - 15 ngày, chưa kể hàng hóa đang tiếp tục đưa lên chờ xuất khẩu. Trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo, khuyến cáo tạm dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu. Tuy nhiên, qua theo dõi thời gian gần đây, vẫn có phương tiện chở hàng hóa tiếp tục đưa lên các cửa khẩu của tỉnh để chờ xuất khẩu. Từ ngày 5 - 10/1 đã có thêm 680 xe mới đưa lên cửa khẩu, trung bình mỗi ngày 120 xe. |
Thy Lê