Theo báo cáo từ Tổ công tác 970 về tình hình tiêu thụ nông sản, đến ngày 20/8, giá lúa tươi ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có xu hướng tăng trở lại sau khi giảm sâu ở thời điểm cuối tháng 7.
Giá cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức thấp, khiến người chăn nuôi gặp khó. |
Tình hình tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long có khá hơn do các tỉnh tích cực tháo gỡ để doanh nghiệp, thương lái đẩy mạnh công tác thu mua. Các địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho việc bố trí nhân công cũng như phương tiện trong việc thu hoạch lúa như áp dụng phân vùng xanh, vàng, đỏ cho mức độ nguy cơ dịch bệnh COVID-19, phối hợp trong việc điều phối máy gặt đập liên hợp giữa các tỉnh do diện tích lúa đến thời điểm thu hoạch; có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp, những người tham gia khâu lưu thông hàng hóa được tiêm vắc xin, tạo điều kiện kết nối thương lái, doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân.
Đối với cây ăn quả, việc thu mua và tiêu thụ vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến giá bán trái cây thấp.
Với sản phẩm chăn nuôi, giá thị trường sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đang giảm. Cụ thể, thịt lợn hơi 50.000 - 54.000 đồng/kg (giảm 15,2-15,9% so với tháng trước), thịt gà siêu thịt công nghiệp phổ biến thấp dưới 10.000 đồng/kg, thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng 25.000 - 28.000 đồng/kg (giảm 19,1-19,2%).
"Với việc giảm mạnh cầu do giãn cách xã hội, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn cho các sản phẩm chăn nuôi lợn và gia cầm trong 1-2 tháng tới. Có thể thấy chỉ khi các địa phương, đặc biệt là thành phố lớn kiểm soát được dịch COVID-19, việc thông thương thuận lợi hơn thì giá gia cầm mới hồi phục trở lại", báo cáo của Tổ công tác 970 nhận định..
Cùng với đó, Tổ công tác 970 cho biết, giá tôm xuống thấp trong tuần trước, hiện bắt đầu tăng trở lại, tuy thấp hơn những tháng trước nhưng không khác biệt so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá cá tra đang ở mức rất thấp khiến người nuôi khó khăn.
Trước tình hình trên, Tổ công tác 970 đã có cuộc họp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Y tế để tháo gỡ vướng mắc ở khâu thu mua, vận chuyển nông sản.
Tại cuộc họp này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, kết quả giấy xét nghiệm test nhanh hay PCR COVID-19 đều giá trị như nhau và đều có hiệu lực 72 giờ. Đây là quy định tại văn bản 5886 ngày 22/7/2021 của Bộ Y tế và văn bản 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Theo ông Hùng, vừa qua, có một số địa phương yêu cầu bắt buộc phải có kết quả PCR, không chấp nhận chỉ có giấy test nhanh COVID-19 đối với tài xế khi qua chốt là vượt quá quy định. Ngoài ra, có địa phương chỉ công nhận thời gian giấy xét nghiệm COVID chỉ 24 giờ hay 48 giờ đều không đúng quy định (72 giờ), gây khó khăn trong lưu thông hàng hóa.
Ông Hùng nhấn mạnh, nếu xe chở hàng hóa có mã QR Code, quét bằng điện thoại thông minh, có đầy đủ thông tin về khai báo y tế thì các trạm kiểm soát phải cho lưu thông ngay, chỉ dừng kiểm tra những xe chưa có thông tin khai báo đầy đủ.
Trong khi đó, đại diện Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an cho biết các xe chở nông sản từ Tây Nam bộ ra các tỉnh biên giới để xuất khẩu, thời gian vận chuyển dài, trên đường họ không tiếp xúc ai vì nhiều tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, nên có sự nới thời hạn hiệu lực giấy xét nghiệm COVID-19 cho lái xe đường dài, áp dụng "một cung đường hai điểm đến", cần có các điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 trên các tuyến quốc lộ huyết mạch trên cả nước.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổ trưởng Tổ công tác 970 - ông Trần Thanh Nam: Tinh thần là khó đến đâu tháo gỡ đến đó, các Sở GTVT, Sở NN&PTNT, Sở Y tế từng địa phương phối hợp thực hiện, nếu còn vướng mắc thì đề xuất với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh tháo gỡ. Các vấn đề liên quan đến liên vùng cả nước thì kiến nghị tới các Tổ công tác của các Bộ để có giải pháp phù hợp, tránh phải báo cáo nhiều đến Thủ tướng Chính phủ.
Thy Lê