Những ngày gần đây, dư luận tiếp tục quan tâm tới việc một số lô hàng mì ăn liền, phở Việt Nam bị thị trường châu Âu (EU) trả về, cảnh báo vượt ngưỡng Ethylene oxide (EO). Đáng nói, trước đó, một số lô hàng của các doanh nghiệp như Acecook Việt Nam, Công ty CP thực phẩm Thiên Hương... từng bị EU cảnh báo về dư lượng trên.
Sau cảnh báo là siết chặt kiểm tra
Những lo ngại trên tiếp tục làm nóng Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước do Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 29/7. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia), chia sẻ những khó khăn ở thị trường EU.
Theo đó, từ đầu năm 2022, EU ra quy định mới nhằm kiểm soát tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm. Lô hàng phải kiểm tra sẽ được chọn ngẫu nhiên, trước mắt là các nhóm sản phẩm rau, củ quả, trứng, sữa. Hai tháng qua, thị trường EU đã tiến hành kiểm tra hậu kiểm ngẫu nhiên các sản phẩm trên.
Một số lô gạo bị trả về vì tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng lớn tới thương hiệu gạo Việt Nam. |
Đáng chú ý, liên quan tới việc một số lô hàng mì ăn liền Việt Nam bị thu hồi vì vượt ngưỡng EO, bà Thúy cho hay các lô hàng trên không phải mới nhập mà chủ yếu là sản phẩm cũ nhưng do chưa tiêu thụ hết nên đến nay tiếp tục bị phát hiện và cảnh báo. Không chỉ mì ăn liền mà mới đây 3 lô hàng gạo Việt Nam cũng vừa bị thị trường EU cảnh báo về vượt ngưỡng an toàn thuốc bảo vệ thực vật.
"Việc những lô hàng của Việt Nam bị thị trường EU cảnh báo, trả về và bị đăng trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước đã ảnh hưởng rất lớn tới thực phẩm, nông sản có xuất xứ từ Việt Nam", bà Thúy chia sẻ mặt hàng gạo Việt Nam có nguy cơ bị tăng cường kiểm tra ngay tại cửa khẩu và không chỉ gạo mà còn nhiều mặt hàng khác.
Do vậy, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển khuyến nghị các địa phương, hiệp hội thông tin cảnh báo để doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được thông tin và tránh tình trạng trên.
Thực tế từ phía địa phương, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho hay tỉnh này đang có khoảng 60 doanh nghiệp gạo, thủy sản... chuyên xuất khẩu tới hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Song 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh các rào cản phi thuế quan ngày càng nghiêm ngặt. Thị trường Trung Quốc vốn được biết đến là dễ tính nhưng gần đây đã đưa ra nhiều rào cản, siết chặt kiểm soát an toàn thực phẩm.
Theo đại diện tỉnh An Giang, 80% sản lượng gạo nếp, 60% sản lượng xoài và 40% sản lượng cá tra xuất khẩu của địa phương này phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Dẫn tới khi thị trường Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt đã ảnh hưởng rất lớn tới việc xuất khẩu những sản phẩm trên.
Trước thực tế trên, ông Thư kiến nghị cơ quan chức năng và các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp về các hàng rào kỹ thuật, an toàn thực phẩm. "Chúng ta cần có sự hướng dẫn từ nông dân, trang trại, HTX, tránh tình trạng khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng tới nơi thì phát hiện có chất cấm mà các nước nhập khẩu đang quy định, ảnh hưởng rất lớn tới thương hiệu nông sản Việt Nam".
'Chung tay' tháo gỡ rào cản phi thuế quan
Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc thông tin thời gian gần đây, Trung Quốc đã mở cửa nhập khẩu một số loại trái cây của Việt Nam như sầu riêng, chanh leo... Song thị trường này cũng quản lý chặt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, điều này đồng nghĩa nếu sản phẩm của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu từ phía thị trường Trung Quốc thì sẽ bị tạm dừng nhập khẩu.
Đồng thời, ông Lai khuyến cáo với doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản tươi sống vào Trung Quốc cần tiếp tục thực hiện biện pháp phòng chống dịch, hạn chế khả năng hàng hóa bị phát hiện dương tính virus SARS-CoV-2 trên bao bì. Trong trường hợp bị phát hiện nhiễm virus trên bao bì, các doanh nghiệp cần điều tra nguyên nhân, có biện pháp khắc phục.
Với các loại trái cây mới được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Lai đề nghị doanh nghiệp sản xuất, đóng gói nắm vững yêu cầu vùng trồng, cơ sở đóng gói, đảm bảo chuẩn hóa từ lô hàng xuất khẩu đầu tiên. Quả chanh leo mới được nhập khẩu thí điểm, vì vậy doanh nghiệp cần lưu ý đặc biệt về an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, Bộ Công Thương thông tin hiện nay, dịch COVID-19 cùng một số dịch bệnh khác vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Tình hình xung đột Nga – Ukraine đang gây thêm tác động kép cho kinh tế thế giới. Trước bối cảnh đó, hàng loạt hệ luỵ đã xảy ra như đứt gãy chuỗi cung ứng, các nguồn cung năng lượng bị gián đoạn, hiệu ứng domino diễn ra trên nhiều lĩnh vực, lan tới cả những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế các nước là lương thực, thực phẩm. Việc nối lại, duy trì và phát triển thị trường nước ngoài, chuỗi cung ứng đã rất tích cực nhưng vẫn chưa trở lại bình thường, ảnh hưởng đến tốc độ tăng xuất nhập khẩu chung của cả nước.
Trong bối cảnh khó khăn trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, điều này đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất để các bên có thể cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến xuất khẩu, đồng hành, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại, kịp thời tham mưu cho Bộ về các vấn đề mang tính chất chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Vụ Chính sách thương mại đa biên và các Vụ Thị trường ngoài nước tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu chính sách, kịp thời đề xuất, khuyến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản kỹ thuật, phi thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu.
Đồng thời, với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu cần sản xuất sản phẩm bảo đảm truy xuất nguồn gốc và các điều kiện của thị trường ngoài nước và cam kết của các FTA mà nước ta đã ký kết.
Nhật Linh