Từ thành công của vụ vải thiều 2022 cũng đặt ra rất nhiều bài học, bí quyết thành công và cả những điểm còn hạn chế cần khắc phục để đưa trái vải thiều cũng như nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đi xa hơn.
Chất lượng là yêu cầu tiên quyết
Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero COVID", ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, chia sẻ về những bài học kinh nghiệm về thành công của tỉnh trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm vải thiều.
Đó là nhấn quán và xuyên suốt lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có của vải thiều Bắc Giang làm tiêu chí sản xuất, tiêu thụ bền vững; tạo thế mạnh, chỗ đứng vững chắc trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước.
Công tác dự báo thị trường đã được đánh giá, nghiên cứu sớm cùng với việc linh hoạt kịch bản tiêu thụ vải thiều; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, kênh phân phối...
Vải thiều Việt Nam được phân phối tại hệ thống siêu thị ở Thái Lan. |
Kết quả, số liệu từ Sở Công Thương Bắc Giang cho thấy tổng sản lượng vải thiều đạt hơn 199,5 nghìn tấn, giảm hơn 16,2 nghìn tấn so với năm 2021 nhưng cao hơn dự kiến gần 20 nghìn tấn. Trong đó, sản lượng vải thiều xuất khẩu đạt khoảng 80 nghìn tấn (chiếm 38,07% tổng sản lượng).
Giá vải thiều bình quân bình quân chung cả vụ ở Bắc Giang đạt 22.100 đồng/kg. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt hơn 6,78 nghìn tỷ đồng, tương đương năm 2021. Trong đó, riêng doanh thu từ vải thiều đạt hơn 4,41 nghìn tỷ đồng, còn lại là doanh thu từ dịch vụ phụ trợ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 115,9 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX Sản xuất, tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa (huyện Tân Yên, Bắc Giang) cho hay, Phúc Hòa được quy hoạch là vùng trồng vải chín sớm, với tổng diện tích vải sản xuất theo quy trình VietGAP là hơn 20ha. Những năm gần đây, bà con đã quen với việc chăm sóc vải đắt tiền, chỉ làm hàng xuất khẩu nên vải cho chất lượng rất cao. Năm nay, giá bán vải thiều VietGAP tại vườn là 20.000 - 25.000 đồng/kg; giá vải GlobalGAP là 30.000 - 35.000 đồng/kg. Giá vải vụ này cao hơn năm ngoái từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Ông Thiết chia sẻ tin vui khi người trồng vải năm nay có lợi nhuận khá, sau khi hạch toán, trừ các chi phí tính ra mỗi kg vải thiều lãi hơn 10.000 đồng.
Là đơn vị bao tiêu đầu ra cho vải thiều Bắc Giang và Thanh Hà (Hải Dương), bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam chia sẻ với VnBusiness, đến thời điểm này, Công ty đã kết thúc vụ vải thiều năm 2022. Dự kiến mức tăng trưởng xuất khẩu vải thiều năm nay của doanh nghiệp đạt khoảng 30%. Ngoài thị trường quen thuộc như Nhật Bản, Ameii đã xuất khẩu sang các thị trường của châu Âu, Trung Đông và được đông đảo người tiêu dùng nước ngoài đón nhận.
Nhìn rộng ra ngành nông sản
Điều này cho thấy, việc dự báo trước những kịch bản tiêu thụ đã giúp quả vải thiều đảm bảo được thị trường đầu ra, giá cả ổn định. Nhiều lần nhắc tới bài toán kết nối cung - cầu từ khi tới vụ thu hoạch, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã lưu ý tới việc ngành nông nghiệp "cần thoát khỏi tư duy mùa vụ, tức là đừng nghĩ ngắn quá để rồi luôn trong trạng thái thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi, dẫn đến khi gặp phải vấn đề lại trách thị trường khó tính, để ùn ứ".
Theo đó, Bộ NN&PTNT đang có chương trình khuyến khích tăng cường mã định danh vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở chế biến. "Trước đây khi phát triển thị trường thì chúng ta mới xây dựng vùng trồng, vùng nuôi. Giờ chúng ta chủ động làm trước ngay cả ở thị trường nội địa", Bộ trưởng Hoan chia sẻ.
Mặt khác, tuy thành công nhưng để nhìn nhận thắng thắn, vụ vải thiều 2022 vẫn còn không ít những trăn trở như xu hướng người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm chế biến sâu nhưng vải thiều Việt Nam vẫn chủ yếu cung cấp dạng tươi.... Do vậy, lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Giang cho rằng để đón mùa vải ngọt tiếp theo, việc nâng cao chất lượng sản phẩm cần được chú trọng, coi đây là yếu tố sống còn trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều. Các sở, ngành chuyên môn cần phối hợp, tiếp tục lựa chọn đưa công nghệ, tiến bộ phù hợp theo hướng tăng giá trị chế biến sâu.
Lãnh đạo Ameii - bà Thu Hồng nêu ra rất nhiều vấn đề cần lưu ý từ vụ vải thiều năm nay. Đơn cử với thị trường Nhật Bản, do thực hiện các chính sách siết về vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn tới nhiều lô vải thiều Việt Nam bị kiểm tra nghiêm ngặt, thời gian lưu kho lâu hơn. Năm nay, doanh nghiệp gặp khó khăn khá lớn trong việc xuất khẩu vải tươi sang thị trường Nhật Bản. Điều này đòi hỏi vải thiều cần được sản xuất gắn với tiêu chuẩn khắt khe về kiểm soát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Bên cạnh đó, do chi phí logistics của nông sản nói chung cũng như xuất khẩu vải thiều nói riêng còn khá cao, nên giá thành vải thiều Việt Nam khó cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. "Bình thường, vải thiều đi bằng đường hàng không thì chỉ hôm sau là tới, nhưng giờ mất cả tuần. Thời gian bị lưu kho khiến chất lượng, giá thành của quả vải bị đội lên cao", bà Hồng cho biết.
Thêm vào đó, một trong những điểm cần cải thiện của quả vải thiều Việt Nam cũng như nông sản là cần đẩy mạnh chế biến sâu. Theo đó, bà Hồng cho rằng do không có nhiều công nghệ chế biến vải thiều nên việc tiêu thụ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, giá xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc vào phía đối tác. Vì vậy, một trong những việc làm quan trọng trong thời gian tới là đẩy mạnh chế biến sâu.
Thực tế nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm chế biến quả vải thiều là rất lớn, ông Ngô Ngọc Trung, Chủ tịch Công ty CP Nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng cho hay, vựa vải thiều lớn nhất cả nước là Lục Ngạn - Bắc Giang đã nhận đơn hàng 7.000 tấn vải thiều qua chế biến từ thị trường Đài Loan.
Một khi giải quyết được những vấn đề trên, người nông dân sẽ có lợi nhuận cao, không phải thấp thỏm lo sản phẩm đến kỳ thu hoạch sẽ bán cho ai. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: "Cơ hội chỉ thật sự mở ra, khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. Phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất. Phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc. Phải có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng".
Ông Nguyễn Quốc Toản Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Trong những năm qua, việc ưu tiên tập trung vào mũi nhọn rau, quả đang được quan tâm. Rau quả là sản phẩm đặc thù của nền nông nghiệp nhiệt đới, có tính mùa vụ, bảo quản khó khăn. Do vậy, khi sản xuất hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu vào các thị trường xa, yêu cầu cao như EU, Mỹ... hơn lúc nào hết thì rau quả Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa ở khâu chế biến. Hiện, Việt Nam đang có 153 cơ sở chế biến rau, củ, quả trong khi phải giải quyết 28 triệu tấn sản phẩm rau củ quả/năm, đây là điều không hề đơn giản. Ông Nguyễn Đình Tùng Tổng giám đốc Công ty XNK Vina T&T Group Năm nay, lần đầu tiên, Công ty đưa vải thiều Bắc Giang xuất khẩu chính ngạch sang Thái Lan. Được nếm trái vải thiều, nhiều người tiêu dùng Thái ngạc nhiên, không nghĩ lại có quả ngon như vậy. Vì vậy, sản phẩm vải thiều đưa vào kệ trong siêu thị tại Thái Lan bán hết ngay trong ngày đầu. Với thành công này, năm tới, doanh nghiệp tiếp tục liên kết, đưa vải sang thị trường Thái Lan. Tuy nhiên, khi quảng bá trái cây Việt Nam ra thị trường quốc tế, chúng ta cần phải xóa bỏ suy nghĩ sản phẩm của địa phương này hay địa phương kia, HTX và doanh nghiệp này hay HTX, doanh nghiệp khác. Mà theo đó, tất cả các sản phẩm trái cây là thương hiệu Việt Nam. Ông Đặng Phúc Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chính sách "Zero COVID", chưa biết chính xác về thời gian dỡ bỏ, các mặt hàng rau quả của Việt Nam buộc phải cải thiện, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này qua con đường chính ngạch, thay vì phụ thuộc tiểu ngạch. Mặt khác, ngành hàng rau quả cần đẩy mạnh hơn nữa và đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, đồng thời đẩy mạnh chế biến sâu để đưa sản phẩm tiếp cận đúng với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng thế giới. |
Lê Thúy