Những dự báo mới đây cho thấy, tình hình thị trường trong quý III/2022 sẽ không khả quan và có phần ảm đạm cho các doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) hạt điều. Các DN lo ngại tồn kho trong giai đoạn tới sẽ khiến giá đầu ra của sản phẩm sẽ giảm khi mà cán cân “cung - cầu” nghiêng về phần cung.
Vẫn “ám ảnh” chi phí tăng, khó kiếm lợi nhuận
Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe (chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ hạt điều ở tỉnh Bình Phước), cho biết tỷ lệ lạm phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia khiến cho mặt hàng không phải thiết yếu như sản phẩm hạt điều sẽ khó tiêu thụ hơn.
Áp lực chi phí sản xuất, chi phí logistics vẫn còn tăng cao đang là mối lo thường trực của nhiều DN chế biến và XK nông sản trong quý III/2022. |
Theo ông Đạt, đây là giai đoạn cầm cự ngặt nghèo cho các nhà XK hạt điều thuộc dạng vừa và nhỏ, nhất là khi DN phải chịu ảnh hưởng từ chi phí logistics cho đến nguồn nguyên liệu, áp lực giá thành sản xuất tăng và đầu ra chật vật.
“Đầu ra của ngành điều hiện tại đang rất chậm. Việc tìm kiếm lợi nhuận của DN vào các tháng tới là điều xa xỉ, chúng tôi chỉ mong ổn định được sản xuất, khi XK gặp khó thì phải cố gắng xoay chuyển để phát triển ở thị trường nội địa”, Giám đốc Vinahe chia sẻ.
Còn với XK gạo, dù được cho là có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng các DN trong ngành hàng này vẫn đang lường trước nhiều khó khăn trong quý III.
Đơn cử như hiện nay, thị trường châu Phi đã chuyển sang mua gạo của Ấn Độ do giá tốt và chi phí vận chuyển rẻ hơn nhiều so với Việt Nam. Chi phí sản xuất cùng với giá cước vận tải ở mức cao (chẳng hạn giá cước đi các cảng chính tại EU vẫn ở mức 9.000 - 10.000 USD/container 20 feet, trong khi tình trạng thiếu container rỗng vẫn xảy ra) khiến cho gạo Việt bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường.
Áp lực chi phí logistics sẽ còn ở mức cao trong các tháng tới cũng làm cho các nhà XK gạo của Việt Nam lo ngại lợi nhuận sụt giảm mạnh. Giám đốc một DN xuất khẩu gạo ở Tp. Cần Thơ cho biết, điều mà DN lo lắng là giá gạo XK sẽ đứng yên trong khi chi phí sản xuất kinh doanh của DN lại tăng vọt, rất khó để có được lợi nhuận.
Hay như với XK rau quả. Một số DN chuyên XK trái cây tươi nói rằng, lợi nhuận của họ bị ảnh hưởng lớn vì nhiều chi phí khác không ngừng tăng cao, giá cước vận chuyển cũng tăng như vũ bão. Với áp lực chi phí quá lớn như hiện nay, công sức của DN bỏ ra rất nhiều nhưng lời lãi là rất ít, thậm chí phải chịu lỗ.
Mức lợi nhuận bình quân của các DN trong lĩnh vực XK trái cây tươi chỉ khoảng 7%, do họ phải ký hợp đồng XK với giá không đổi trong cả năm, trong khi giá nguyên liệu mua của nông dân thì thay đổi theo mùa.
Không chỉ vậy, để đưa trái cây tươi XK vào các thị trường khó tính, các DN cũng khó tránh chuyện đội giá thành vì chi phí rất cao, bao gồm chi phí đóng gói, vận chuyển (nhất là đường hàng không), chi phí chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng, chi phí bảo quản…
Lo thiếu nguyên liệu, băn khoăn về hỗ trợ lãi suất
Riêng với XK thuỷ sản, cụ thể là XK tôm, Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN), có chia sẻ rằng mọi năm, đầu quý III là cao điểm mùa tôm chính trong năm, các DN chế biến tôm luôn ở trạng thái đủ nguyên liệu cho chế biến, đáp ứng các đơn hàng đã ký kết. Còn hiện nay, mức phổ biến đáp ứng nguyên liệu ở các DN tôm chỉ là 2/3, thậm chí có ngày còn 1/2. Và tôm cỡ lớn cũng giảm so với năm trước. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho các DN tôm trả nợ đơn hàng.
Bên cạnh đó, theo ông Lực, bức tranh XK tôm 6 tháng cuối năm có vẻ không khởi sắc bằng đầu năm, đòi hỏi các DN cần có sách lược thị trường uyển chuyển, phù hợp nhằm vượt qua khó khăn.
Chẳng hạn như tại thị trường Mỹ, giá có xu thế giảm vì tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador thâm nhập mạnh mẽ, lại thêm tôm không thuế chống bán phá giá từ Indonesia khiến tôm của Việt Nam thêm khó cạnh tranh.
Ngoài nỗi lo của XK tôm, điều mong mỏi của nhiều DN XK thuỷ sản là chính sách về hỗ trợ vốn vay cần hợp lý hơn giữa bối cảnh vừa “khát vốn” vừa lo cầm cự trong khi lợi nhuận chưa thật sự khả quan ở giai đoạn phục hồi này.
Theo một chuyên gia thuộc Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (Vasep), hiện các DN ngành thuỷ sản là những đối tượng được hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022 của Chính phủ. Tuy nhiên, có một thực tế là các DN thủy sản XK trong thời gian qua vẫn chủ yếu vay vốn bằng tiền USD với lãi suất trung bình 3-4%, trong khi phạm vi của Nghị định 31 là hỗ trợ lãi suất dành cho các khoản vay bằng tiền VND. Cho nên, nhiều DN hiện tại khi nghe thông tin thì rất quan tâm nhưng lại e ngại rằng “thủy sản XK không được hưởng lãi suất hỗ trợ đó, vì các DN sản xuất thủy sản XK chủ yếu vay bằng USD”.
Hơn thế nữa, các DN XK thuỷ sản cũng bày tỏ băn khoăn về mức lãi suất hiện tại của các ngân hàng, nhằm đưa ra lựa chọn chuyển sang vay VND hay vẫn vay USD. Vì vậy, với gói hỗ trợ lớn nêu trên, các DN rất mong được hướng dẫn chi tiết để họ hiểu rõ và tận dụng được ưu đãi này.
Thế Vinh