Ngay khi dịch COVID-19 xảy ra, HTX sản xuất kinh doanh rau củ quả an toàn du lịch - làng nghề sinh thái Tâm Anh (Hà Nội) đã "bắt tay" với khoảng 30 HTX khác để triển khai tiêu thụ sản phẩm. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận được dễ dàng hơn những sản phẩm an toàn, chất lượng mà các HTX cũng có được đầu ra cho nông sản trong bối cảnh khó khăn.
Tăng tốc phục vụ người dùng
Bà Đào Thị Lương, Giám đốc HTX Tâm Anh, chia sẻ bằng cách mở các điểm bán hàng ở tuyến phố lớn, khu chung cư... đã giúp nông sản Việt tiếp cận với nhiều người tiêu dùng hơn.
Đặc biệt, nhìn thấy vụ nhãn lồng Hưng Yên thu hoạch đúng vào thời điểm dịch bệnh quay trở lại, HTX Tâm Anh đã triển khai đưa các xe nhãn lồng từ Hưng Yên lên tiêu thụ tại Hà Nội, cũng như vào các tỉnh phía Nam như Quảng Bình, Nghệ An. Đồng thời, HTX cũng đang triển khai chương trình bán hàng gây quỹ ủng hộ Đà Nẵng chống dịch.
Nông sản tìm cách chinh phục người tiêu dùng . |
Bên cạnh việc đẩy mạnh bán hàng, HTX Tâm Anh cũng chú trọng xây dựng thương hiệu, đảm bảo tem nhãn chứng minh xuất xứ. Bao bì thay đổi từ túi nilon thành các loại bao bì thân thiện với môi trường như túi vải, rau bọc bằng giấy, lá.
"Sử dụng túi vải có in logo của HTX, khi khách hàng hết thực phẩm chắc chắn sẽ nhớ ngay đến chúng tôi", bà Lương chia sẻ.
Đồng thời, để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX này cũng đang đẩy mạnh chế biến, sơ chế các loại nông sản tươi thành hàng khô như cam sấy, củ cải khô... giúp nâng cao giá trị, cũng như kéo dài thời gian bảo quản.
Về phần doanh nghiệp chế biến thực phẩm, đại diện CTCP Ba Huân cho biết, ngay khi Đà Nẵng có ca nhiễm bệnh trở lại thì những hoạt động sản xuất của Công ty đã được huy động hết công suất.
"Nguồn hàng sản xuất của chúng tôi rất dồi dào, từ thực phẩm chế biến như xúc xích, lạp xưởng cho tới gia cầm và trứng. Các sản phẩm được bán rộng rãi tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chợ truyền thống, nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm không lo thiếu”, đại diện Công ty Ba Huân khẳng định.
Các doanh nghiệp thực phẩm khác như Vissan, Meizan, Miliket… cũng đang tăng công suất hoạt động để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Theo chia sẻ từ các doanh nghiệp, ngay từ cuối tháng 6 vừa qua, dự báo thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn tăng trưởng với mức khoảng 20% nên các hoạt động sản xuất được doanh nghiệp duy trì ổn định. Ngay khi tái bùng dịch, doanh nghiệp đã nhanh chóng kích hoạt lại chế độ sản xuất như thời điểm có dịch hồi đầu năm nay.
Trong khi đó, CTCP Visimex - doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sản phẩm nông sản như cà phê, điều, hồ tiêu tỏ rõ không thể "chậm chân" trong việc tìm cách thích nghi với dịch bệnh. Ông Thân Văn Hùng, Tổng giám đốc Visimex cho hay, sau quá trình tham gia thị trường quốc tế, ông nhận ra rằng doanh nghiệp phải tự lớn, tự hoàn thiện mình trên cơ sở chất lượng, khả năng nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng công nghệ.
Nhờ có việc chủ động phát triển vùng nguyên liệu nông sản hữu cơ, nên khi dịch COVID-19 xảy ra, Visimex không ở trong tình trạng thiếu đơn hàng, mà còn không đủ hàng để bán.
"Khi dịch xảy ra, các khách hàng lớn của chúng tôi đều có nhu cầu về sản phẩm chất lượng cao. Vì vậy, doanh nghiệp thậm chí còn không đủ sản phẩm để cung ứng ra thị trường", ông Hùng nói.
Vươn ra thị trường toàn cầu
Tuy nhiên, đại diện Visimex cũng thừa nhận, việc chỉ tập trung xuất khẩu nguyên liệu thô sẽ phụ thuộc vào sự "nóng lạnh" của thị trường thế giới. Do đó, sản phẩm thành phẩm qua chế biến sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.
Vì vậy, Visimex đang tập trung sản xuất hàng thực phẩm để cung ứng cho thị trường nội địa và thế giới. Theo ông Hùng, chất lượng sẽ là yếu tố quyết định đến thành công khi đưa sản phẩm nông sản Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Muốn có chất lượng thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tự nâng cấp nhiều về cơ sở vật chất, năng lực sản xuất, quy trình kiểm soát chất lượng, môi trường, an toàn lao động, trách nhiệm xã hội.
"Sản phẩm của doanh nghiệp nếu đáp ứng tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Hàn Quốc, giá trị sẽ tăng lên từ 200 - 300 USD/tấn, hàng hữu cơ tăng tối thiểu 30%", ông Hùng nói.
Đồng thời, ông Hùng kiến nghị: Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp về công nghệ chiếu xạ, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, doanh nghiệp miền Bắc phải đưa hàng hóa thực phẩm, nông sản vào miền Nam để chiếu xạ nên rất tốn kém chi phí. Đồng thời, các hiệp hội, ngành hàng cần phải chủ động hơn nữa trong việc liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh.
Ông Nguyễn Đắc Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Trung - chuyên sản xuất thực phẩm ăn liền, chế biến nông sản xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, còn được biết tới với danh xưng "ông chủ" cháo sen bát bảo Minh Trung, nhìn nhận trong bối cảnh dịch COVID-19, bản lĩnh của doanh nghiệp lại càng cần phải được chứng minh.
"Quyết tâm thôi chưa đủ, mà phải đi kèm sản xuất ra sản phẩm sáng tạo, chất lượng, uy tín. Nói ít nhưng phải làm nhiều. Hiện tại, để có nguyên liệu cho sản xuất, doanh nghiệp phải tạo mối liên kết với hàng nghìn hộ nông dân, xây dựng chuỗi liên kết cho chính doanh nghiệp để phát triển bền vững", ông Minh chia sẻ.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp thực phẩm trong mùa dịch, Bộ Công Thương cho biết sẽ phát động phong trào tiêu dùng hàng hoá, nông sản Việt qua thương mại điện tử trên “Gian hàng Việt”. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền, quảng bá hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam; quảng bá các sản phẩm thực phẩm an toàn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thông qua các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam ở thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ...
Lê Thúy