Nói về tác động của dịch COVID-19 vừa qua, bà Đào Thị Lương, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh rau củ quả an toàn - du lịch - làng nghề sinh thái Tâm Anh, chia sẻ đầu ra rất khó khăn, rau củ thì rớt giá. Trước tình cảnh trên, HTX Tâm Anh đã liên kết với 30 HTX khác để tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau, cùng phân phối sản phẩm ở các địa điểm như chợ, chung cư...
Cạnh tranh rất khốc liệt
Thực tế này không chỉ diễn ra với HTX Tâm Anh mà đang là khó khăn chung với nhiều HTX, doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam hiện nay.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam đặt câu hỏi, với các loại mặt hàng thực phẩm, chúng ta cực kỳ thành công ở thị trường xuất khẩu nhưng đã thành công ở thị trường nội địa chưa? Câu trả lời là chưa, có lẽ còn xa nữa chúng ta mới thành công được, một phần do tâm lý của doanh nghiệp Việt lâu nay là dốc sức dành cho xuất khẩu mà chưa chú trọng tới thị trường nội địa.
Mô hình thí điểm bán trái cây đặc sản Việt Nam ở bãi xe ô tô thu hút đông người tiêu dùng (Ảnh: TL) |
"Chúng ta kỳ vọng xuất khẩu sẽ giúp Việt Nam thu được nhiều ngoại tệ hơn. Điều này không sai nhưng với cách xuất thô, chưa có thương hiệu, giá trị gia tăng của thực phẩm, nông sản Việt rất hạn chế. Trong khi đó, thị trường trong nước còn bỏ ngõ, tạo cơ hội cho thực phẩm ngoại có cơ hội lấp đầy khoảng trống này", bà Loan chia sẻ.
Sức hấp dẫn của ngành hàng thực phẩm được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng rất cao. Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2020 (Vietnam Report) cho thấy, ngành thực phẩm - đồ uống có tốc độ tăng 68,69%. Hiện thực phẩm và đồ uống đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam đến 35%. Cũng vì vậy, không chỉ thực phẩm ngoại tràn vào mà các cửa hàng ăn uống nước ngoài cũng không ngừng được mở ra ở thị trường Việt Nam.
Bà Loan dẫn chứng riêng ở TP.Hà Nội có 300 nhà hàng ẩm thực Nhật Bản, chưa kể Hàn Quốc, Nga, Thái Lan... Thậm chí những nhà hàng tưởng như hiếm gặp như Ấn Độ, Mông Cổ cũng đã được mở.
Trong khi đó, các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP được xem là cú hích cho hàng xuất khẩu của Việt Nam nhưng đổi lại chúng ta cũng phải mở cửa cho hàng hóa của nhiều quốc gia. "Một ngày đẹp trời, hoa quả, trái cây, thịt, rau tươi, thực phẩm chế biến... của châu Âu, Australia hay nhiều nước khác sẽ vào Việt Nam với thuế suất bằng 0%. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thực phẩm Việt không tránh khỏi kết cục thua ngay trên sân nhà", bà Loan cảnh báo.
Đặc biệt, theo chuyên gia này, chúng ta không chỉ thua các đối thủ lớn mà thua ngay chính các nước trong khu vực ASEAN. Bà Loan cho biết, bà có cơ hội đi đến nhiều nước trong khu vực và thấy rằng họ đang có những bước đi mạnh mẽ trong việc phát triển nền công nghiệp thực phẩm. Đây sẽ là mối đe dọa đối với chính các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Trong khi đó, theo bà Loan, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là nhận thức kém, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không chủ động truyền thông, thiếu liên kết thông tin, mẫu mã, bao bì kém bắt mắt...
Bỏ tư duy mạnh ai nấy làm
Vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì?. Ông Nguyễn Đức Minh, Tổng Giám đốc công ty TNHH Dinh Dưỡng Nutricare - chuyên sản xuất các sản phẩm sữa, đồ ăn dinh dưỡng, chia sẻ doanh nghiệp Việt Nam nhỏ bé nên muốn nâng cao sức cạnh tranh thì cần phải liên kết lại.
Ông Minh nói: "Chúng ta thấy đấy, ngay cả các tập đoàn lớn như Apple - họ không hề sản xuất tất cả các thiết bị của một chiếc điện thoại nhưng họ thành công vì biết liên kết, thiết lập được chuỗi cung ứng của chính mình".
CEO Nutricare đặt vấn đề, tại sao các doanh nghiệp Việt Nam không biết hợp tác với nhau như trường hợp của HTX Tâm Anh ở phía trên, rõ ràng cho thấy hiệu quả trước mắt là bán được sản phẩm.
Ông Hoàng Sơn Công, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ (Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam), thẳng thắn chỉ ra điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là thiếu và yếu sự kết nối cộng đồng. Dẫn đến, nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ phải đi qua 4 - 5 khâu. Do vậy, cần đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với HTX, HTX với HTX, cá nhân với cá nhân.
Nói về hành vi tiêu dùng của người Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan dẫn ra một ví dụ với sản phẩm thịt lợn, hiện nay người tiêu dùng đã ưa chuộng sử dụng thịt mát, thịt đông lạnh điều mà 5 năm trước tưởng như không thể thay đổi. Điều đó có nghĩa, doanh nghiệp muốn bán được hàng phải đọc được tâm lý người dùng đang muốn gì, thích gì.
"Thị trường nội địa cần tư duy mới và chiến lược mới. Qua rồi thời kỳ hàng tốt dành cho xuất khẩu, doanh nghiệp phải cung cấp hàng hóa cho thị trường nội địa như thị trường nước ngoài" Bà Loan nhấn mạnh.
Theo ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở KH&ĐT Hà Nội), ngoài việc tính toán đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp thực phẩm phải tìm cách chiến thắng trên "sân nhà". Làm sao thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Làm sao để đừng thua trên chính sân nhà là câu hỏi mà doanh nghiệp lúc nào cũng phải đặt ra.
Lê Thúy