Lợi thế về kênh phân phối và có thương hiệu lớn luôn giúp các doanh nghiệp (DN) ngoại chiếm thế thượng phong trong việc quảng bá và thâu tóm thị phần ngành hàng F&B tại Việt Nam hiện nay.
"Bàn tay" khối ngoại ngày càng lớn
Riêng với mảng đồ uống, khoảng một nửa thị phần đang rơi vào "bàn tay" của khối ngoại do thế mạnh về kênh phân phối. Điển hình là khi ra mắt sản phẩm bia cao cấp mới tại Tp.HCM vừa qua, ông Alexander Koch – Giám đốc Thương mại cấp cao của hãng bia Heineken tại Việt Nam, tự tin nói rằng sản phẩm mới sẽ có mặt ở tất cả các kênh phân phối trên toàn quốc và trên các kênh thương mại điện tử.
Thực phẩm và đồ uống hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu). Trong đó, điển hình là bia và đồ uống không cồn cùng với thực phẩm đang góp phần lớn vào sức tăng trưởng cho ngành F&B của khối ngoại.
Với bề dày tư vấn giải pháp cho các thương hiệu lớn ngành ẩm thực, dịch vụ ăn uống, bà Châu Tiểu Ngọc, Giám đốc công ty TNHH Thương mại và đầu tư trang thiết bị Ánh Dương, đánh giá đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu trong ngành F&B tại Việt Nam.
Bà Ngọc cho rằng thị trường trong nước đang có nhiều lợi thế phát triển ngành F&B khi kinh tế phát triển mạnh, mức sống ngày càng cao, nhu cầu thưởng thức ẩm thực lớn.
"Với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam là điểm đến rất tiềm năng để rót vốn kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống. Còn đối với các DN Việt, thị trường này đang mở, có cơ hội cho họ thử sức", bà Ngọc chia sẻ.
Theo nhận định của ông BT Tee, Tổng Giám đốc công ty UBM VES, tại buổi họp báo ở Tp.HCM ngày 28/3 giới thiệu Triển lãm quốc tế Food & Hotel 2019 (diễn ra từ 24 đến 26/4), những con số thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng của ngành F&B tại Việt Nam luôn rất ấn tượng.
Mức tăng trưởng cao của ngành du lịch dẫn đến nhu cầu cao về ẩm thực, nhà hàng, khách sạn; xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gia tăng đi kèm với các dịch vụ tiện ích khác…, giúp DN ngành F&B tăng trưởng tốt tại nhiều địa phương với tốc độ tăng ở mức hai con số.
Thị trường F&B tại Việt Nam luôn "béo bở" với khối ngoại |
Cuộc chiến trên sân nhà
Theo dự báo của giới chuyên gia, ngành F&B ở Việt Nam sẽ tăng trưởng bình quân 18%/ năm trong tương lai gần. Hai năm tới, kênh nhượng quyền thương mại (franchise) trong ngành F&B tại Việt Nam ở mảng ẩm thực vẫn sẽ là concept (ý tưởng chủ đạo) món ăn Việt Nam thuần tuý, sau đó là "fusion" (vẫn là đồ ăn Việt nhưng có hơi hướng châu Âu, Nhật Bản và các nước lân cận) và phong cách ẩm thực Nhật Bản.
Tính hấp dẫn của thị trường F&B thể hiện rõ qua việc khối ngoại đang đẩy nhanh các hoạt động rót vốn đầu tư, mua bán và sáp nhập (M&A), hợp tác chiến lược với các DN nội để thâu tóm thị trường. Điều này làm gia tăng áp lực cạnh tranh lên khối nội trong cuộc chiến trên sân nhà.
Vấn đề được bà Châu Tiểu Ngọc đặt ra là: Ở thị trường F&B trong nước, các DN nội nên làm gì để có đủ sức cạnh tranh với những tên tuổi lớn từ nước ngoài?
Theo bà Ngọc, ngay trong chiến lược của công ty mình vẫn mong muốn dành 80% thời gian để hỗ trợ các DN Việt phát triển thị trường F&B trong nước, 20% thời gian còn lại vẫn phải hợp tác với các thương hiệu lớn của nước ngoài.
Bà Ngọc nhấn mạnh điểm hạn chế của các DN Việt trong ngành hàng F&B là kinh doanh tự phát, thích là bắt tay vào làm nhưng không có quy trình bài bản, đến khi làm thì gặp những lỗ hổng cơ bản. Lẽ ra, bước đầu tiên các DN phải làm là nghiên cứu và phân tích thị trường.
Chẳng hạn trong mảng dịch vụ nhà hàng, 7 năm trước, DN Việt mở một nhà hàng với suy nghĩ chỉ cần một cái bếp nấu đồ ăn chín là xong, thậm chí bê nguyên xi bếp ăn từ nhà riêng vào nhà hàng, nhưng từ năm 2017 đến nay, nhiều chủ DN thực sự tâm huyết với ngành này bắt đầu suy nghĩ khác.
Đơn cử như vấn đề cũng một không gian bếp chỉ tầm 30 m2 nhưng với cách bố trí bài bản chuyên nghiệp và đúng với "đường đi nước bước" thì phục vụ đồ ăn uống cho khách nhanh hơn thay vì phải kéo dài thời gian đến hơn 15 phút. Nếu tổ chức thông minh, khoa học hơn thì thời gian phục vụ có thể được kéo xuống chỉ còn 7 phút. Đó là cũng điểm mà các DN nội địa đang hướng tới để tăng sức cạnh tranh trên thị trường F&B.
Mặt khác, nhiều chủ nhà hàng, khách sạn lớn chia sẻ, nguồn nhân lực cũng là một điểm yếu với các DN Việt trong ngành F&B khi việc đào tạo vẫn chưa được coi trọng.
Thế Vinh