Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), cho biết trong tháng 9 và tháng 10/2021, nơi này liên tiếp nhận được thông báo cảnh báo từ thị trường EU vì nông sản, thực phẩm Việt Nam vi phạm quy định về chất lượng.
Cảnh báo về tần suất bị tuýt còi
Cụ thể, một lô sản phẩm gạo thơm có mức dư lượng thuốc tricyclazole là 0,017 mg/kg (quy định của EU mức dư lượng tối đa cho phép là 0,01 mg/kg). Hà Lan phát hiện hóa chất chlorpyrifos ethyl trong một lô hàng mướp đắng (khổ qua) nhập từ Việt Nam. Tây Ban Nha phát hiện chất cấm Profenofos (ngoài chất chlorpyrifos ethyl). Hay Na Uy và Pháp cũng phát hiện các chất nitrofurans (furazolidone) trong lô hàng đùi ếch đông lạnh và chất propargite, fenobucarb trong lô hàng bưởi nhập từ Việt Nam...
Ngoài tiêu chuẩn kỹ thuật, nông sản Việt Nam cần phải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội. |
Mới đây, EU cũng thông báo tần suất kiểm tra thực tế với một số mặt hàng rau quả Việt Nam được nhập khẩu vào EU. Theo đó, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với các loại rau thơm và hoa quả như: Rau mùi: 72%; Húng quế: 20%; Bạc Hà: 30%; Đậu bắp: 20 - 30%; Hạt tiêu: 20%; Thanh long: 10%. Quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 15/11/2021.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho biết thị trường EU chấp nhận cho tất cả rau quả Việt Nam vào mà không phải đàm phán như Mỹ, Úc... Phía EU cũng không có đại diện kiểm dịch tại Việt Nam để kiểm tra lô hàng trước khi xuất.
Ông cho hay: Chúng ta nghe thì thuận lợi nhưng khi xuất đến EU thì hàng rào kỹ thuật rất nghiêm khắc, kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm... Có thể nói những khó khăn này là rất lớn, gần như doanh nghiệp (DN) Việt Nam nào khi xuất khẩu vào thị trường EU lần đầu cũng gặp phải các cảnh báo trên, thậm chí phải trả giá đắt, hủy hàng...
Chia sẻ thêm, ông Tùng nói, muốn đưa được nông sản vào thị trường EU thì phải bước qua được các yêu cầu khó khăn với nhiều chứng nhận cần có: vùng trồng đạt Global Gap, nhà máy phải đạt Tiêu chuẩn HACCP, ISO và đảm bảo thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường. DN có được các tiêu chuẩn trên thì mới ngồi đàm bàn phán về giá cả, hình thức giao hàng.
Dù đã có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu, song ông Tùng cho biết để đạt được các chứng nhận này ở Việt Nam là rất khó, vì vùng trồng của chúng ta nhỏ lẻ. Ví dụ, muốn đủ số lượng xuất khẩu, DN phải gom quả bưởi ở 3 vùng trồng là Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Long. Ba vùng trồng, đồng nghĩa với việc cần 3 giấy chứng nhận Global Gap. Điều này rất tốn kém cho DN, mỗi giấy chứng nhận có thời hạn một năm tiêu tốn của DN 8.000 - 9.000 USD.
"Với những DN mới, riêng chuyện đi xin, đi làm chứng nhận mất tới cả năm mà vẫn chưa thể xuất khẩu", đại diện Vina T&T chia sẻ từng mặt hàng đều có các quy định riêng về chất lượng, trách nhiệm xã hội và môi trường.
Liên quan tới thị trường EU, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan - ông Phạm Việt Anh, cho hay muốn thâm nhập vào sâu thị trường Hà Lan nói riêng cũng như EU nói chung, Việt Nam cần nguồn hàng bền vững, bằng cách tăng vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn EU, đầu tư khoa học kỹ thuật nhiều hơn, đảm bảo nguồn hàng quanh năm. Người Hà Lan ngoài tiêu chuẩn kỹ thuật, họ còn quan tâm tới tiêu chuẩn xã hội. DN, trang trại sản xuất nông sản của Việt Nam phải giải quyết công ăn việc làm, sản xuất bảo vệ môi trường.
Gỡ vướng về xây dựng vùng nguyên liệu
Đặc biệt về bảo vệ môi trường, tính bền vững của ngành nông nghiệp, Đại sứ Việt Anh dẫn ví dụ như trồng hồ tiêu tuyệt đối không sử dụng cọc bằng gỗ. Điều đó liên quan tới nạn phá rừng, sẽ bị các thị trường quay lưng.
Không chỉ thị trường EU, mà thời gian gần đây, Trung Quốc, Mỹ cũng đưa thêm nhiều quy định mới, nếu không cập nhật, nắm bắt, doanh nghiệp nông sản của Việt Nam sẽ phải trả giá đắt
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoa Việt, chia sẻ: Vừa qua, bà mới biết nếu trong cơ sở kinh doanh có nuôi chó thì vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của Trung Quốc. Trong khi ở Việt Nam, bà nhận thấy nhiều nhà máy vẫn nuôi chó với nhiệm vụ bảo vệ, trông coi nhà xưởng.
Trước thực tế trên, các DN mong muốn cơ quan chức năng sớm thành lập một trung tâm chuyên trách thông tin những thị trường lớn là cần thiết và cần làm sớm để hỗ trợ DN. Chủ tịch Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng kiến nghị xây dựng vùng trồng lớn để DN thuận tiện làm chứng nhận, gom được hàng số lượng lớn.
Về phía địa phương, ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, cho biết hiện nay sản lượng chế biến của rau quả của địa phương còn thấp, thất thoát sau thu hoạch cao. Địa phương đang đặt mục tiêu củng cố, xây dựng các hợp tác xã đủ mạnh, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành 100% diện tích được xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với DN, đáp ứng các điều kiện kỹ thuật khắt khe nhất.
Trong khi đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thừa nhận thời gian qua thông tin về quy định an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu còn hạn chế, quy hoạch vùng trồng để xuất khẩu theo thị trường chưa được chú trọng. Vùng trồng để xuất khẩu hiện chủ yếu theo hợp đồng bao tiêu của DN, chưa đủ khả năng đáp ứng các điều kiện sản xuất để cung cấp cho thị trường lớn.
Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tăng cường giải pháp hỗ trợ các địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, tạo điều kiện về đào tạo nguồn nhân lực và quản trị cho các hợp tác xã tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu; hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng, giá trị của các sản phẩm...
Ông Lê Minh Hoan Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với ba chữ biến: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới (bây giờ là tiêu dùng xanh). Do đó, các địa phương, DN cần chú ý tới điều này, quảng bá nông sản không chỉ ngon, sạch, tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật mà còn đảm bảo trách nhiệm xã hội, môi trường, tiêu dùng xanh. Chúng ta cần gửi đến người tiêu dùng thế giới thông điệp về một nền nông nghiệp xanh của Việt Nam. Ông Hoàng Trọng Thủy Chuyên gia Nông nghiệp Tư duy của cơ quan quản lý, người sản xuất khi hội nhập thì phải chấp nhận cuộc chơi của thế giới, của khách hàng. Quyền quyết định, quy định về chất lượng là của đơn vị đặt hàng, người ta có quyền đặt ra tiêu chuẩn. Vì vậy, chúng ta không thể coi đó là cái khó mà đã là luật chơi thì cần cố gắng. Để chủ động thì phải minh bạch trong khâu tài chính, truy xuất nguồn gốc. Rào cản kỹ thuật chủ yếu là truy xuất mã vùng, mã thửa. Hiện nay, chúng ta quá yếu về vấn đề này. Điều này cần phải được nhanh chóng giải quyết. Ông Phan Minh Thông Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh Muốn vượt qua được rào cản thương mại thì DN cần phải chủ động. Phúc Sinh xuất khẩu hạt tiêu sang nhiều nước EU, lô hàng đến sẽ yêu cầu bên giám định thứ 3 chủ động test - đây là giấy thông hành trước khi nói chuyện miễn thuế với khách hàng. Do vậy, hạt tiêu của chúng tôi được nhiều khách hàng tin tưởng, giá bán cao hơn. Tuân thủ nghiêm ngặt thị trường khó tính thì mới bền vững. |
Lê Thúy