Nếu trước đây, đa phần các nhà đầu tư Hàn Quốc đều nhắm đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam để rót vốn – Samsung là một ví dụ điển hình. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đang có sự dịch chuyển đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp.
Vốn ngoại chuyển hướng
Theo ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, dòng đầu tư của các DN Hàn Quốc vào Việt Nam trung bình mỗi năm khoảng 60-70 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều. Lâu nay, đây được cho là lĩnh vực nhạy cảm do thường xuyên phải chịu tác động của biến đổi thời tiết, khí hậu. Thêm vào đó, sản lượng, giá mua, giá bán cũng khó đoán. Về phía nhà sản xuất, người nông dân được đánh giá cần cù, khéo léo nhưng họ vẫn chưa phát huy được tiềm năng của mình.
Thời gian gần đây, thấy rõ cơ hội của ngành nông nghiệp Việt Nam từ các FTA, một số tập đoàn, công ty lớn của Hàn đã bắt đầu chuyển hướng sang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Đơn cử như, tập đoàn CJ đã mua lại một số nhà máy chế biến nông sản của Việt Nam. Đồng thời, CJ cũng xây dựng vùng trồng như ớt ở Ninh Thuận, Bình Thuận, sau đó chế biến và XK sang Hàn Quốc để làm kim chi.
Với việc ký 2 hiệp định EVFTA và IPA, nông nghiệp Việt Nam cũng đang rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư EU. Để đón đầu, cuối năm 2018, 6 công ty của Đan Mạch (Skiold, Munters, Tornordic, Danbred, Vilomix, Haarslev) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với tập đoàn Tân Long, chính thức ứng dụng các giải pháp tiên tiến của Đan Mạch vào các dự án nông nghiệp tại Việt Nam.
Trước luồng vốn đầu tư từ EU, ông Đặng Kim Sơn, chuyên gia nông nghiệp, đánh giá đây là thời cơ ngàn năm có một để ngành nông nghiệp Việt Nam “lột xác”, gia tăng hàm lượng chế biến sâu, thay vì lâu nay chỉ XK sản phẩm thô. Các DN nước ngoài không chỉ đầu tư vào chế biến nông sản mà còn đầu tư vào các dịch vụ logistics đi kèm.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại cho chính DN Việt Nam khi vẫn phản ứng rất chậm với sự thay đổi. Hiện nay, việc xây dựng tập đoàn trong nước đủ mạnh, liên kết với nông dân thành chuỗi giá trị là điều không mới nhưng không phải DN nào cũng làm được.
“Chúng ta không loại bỏ DN FDI, ngành nông nghiệp cần họ nhưng phải đặt DN FDI đứng ở chuỗi giá trị toàn cầu, DN Việt Nam đủ mạnh để đứng ở chuỗi giá trị trong nước, theo đó DN FDI cùng liên kết với DN Việt để chia sẻ cả lợi nhuận và rủi ro”, ông Sơn chia sẻ.
Hay nói cách khác, muốn phát triển bền vững ngành nông nghiệp cần phải thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa các DN nhà nước, DN FDI và DN trong nước. Xây dựng chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất mà ở đó các DN lớn sẽ là hạt nhân để dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ chuỗi giá trị, trong đó việc chuyển giao công nghệ và đào tạo cho DN cần quan tâm đặc biệt.
Thực tế hiện nay, Việt Nam vẫn tồn tại khoảng cách giữa hàng triệu hộ nông dân và vài vạn DN nông nghiệp nhỏ lẻ là những đại lý, thương lái – làm ăn chụp giật chi phối. Hướng khắc phục thực trạng này được ông Sơn chỉ ra là hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn. Tuy nhiên, ông Sơn cũng lưu ý: “Để thúc đẩy việc hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn cần sự hỗ trợ rất mạnh của Nhà nước. Xây dựng hộ nông dân, HTX, DN mạnh hay không thì thể chế đóng vai trò rất quan trọng”.
Cần hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp lớn đủ sức liên kết với khối nội |
Sức mạnh DN nội
Thời gian qua, sự phát triển của DN trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển. Số DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số DN trên cả nước, trong đó số DN nông, lâm, thủy sản chiếm 1%. Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ quy mô rất nhỏ.
Ông Tăng Xuân Trường, Chủ tịch HĐQT công ty CP nông sản Hưng Việt, chia sẻ thực tiễn lập DN của ông từ một người nông dân nên gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn: “Bản thân DN rất muốn sản phẩm có thương hiệu nhưng chúng tôi không biết xoay sở nguồn vốn ở đâu để đầu tư máy móc, xây dựng nhà máy chế biến sâu. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho DN nông nghiệp vay vốn ưu đãi nhưng thực tế DN rất khó thụ hưởng”, ông Trường nói.
Tương tự, bà Vũ Thị Vân Phượng, Chủ tịch HĐQT công ty CP VietRAP đầu tư thương mại, nêu thực tế: Nghị định 55/2015/NĐ-CP và dự thảo sửa đổi Nghị định này về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được cho là sẽ mang lại nhiều thuận lợi, ưu đãi cho người dân, DN tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, việc tiếp cận được nguồn vốn chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư vào nông nghiệp theo Nghị định này còn quá nhiều rào cản.
Ví dụ, trong lĩnh vực trồng trọt công nghệ cao như đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới…, tính theo giá thành đầu tư hiện nay (công nghệ của Việt Nam) tối thiểu phải cần 200 – 250 triệu/1.000 m2; tương đương 1 ha khoảng 2,0 – 2,5 tỷ đồng, thậm chí còn cao hơn, trong đó chưa tính đến chi phí vận hành và chi phí đầu tư cho canh tác, DN không có tài sản gì để thế chấp ngoài diện tích đất dự định đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, thế chấp tài sản này (nhà màng, nhà lưới…) trên đất nông nghiệp không được ngân hàng chấp nhận chưa kể việc đất DN đang sản xuất chủ yếu là đất đi thuê, không phải sở hữu nên càng không thể thế chấp được. Do đó, DN vẫn phải tự chủ động nguồn vốn đầu tư. Đây chính là một thiệt thòi rất lớn cho các DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), quá trình hình thành và phát triển DN nông nghiệp giai đoạn vừa qua cho thấy đang có nhiều bất cập, khó khăn cần phải tiếp tục tháo gỡ để thu hút nhiều hơn nữa DN đầu tư vào nông nghiệp. Quá trình đầu tư, DN phải sử dụng nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó có 2 nguồn lực quan trọng là đất đai và nguồn vốn. Tuy nhiên, cả 2 nguồn lực này DN đều khó tiếp cận.
Mới đây nhằm tháo gỡ nút thắt trên, Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Nghị quyết đặt mục tiêu, đến năm 2030 sẽ có 80.000 – 100.000 DN có hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, trong đó khoảng 3.000 – 4.000 DN có quy mô lớn và 6.000 – 8.000 DN quy mô vừa. Theo đó, DN sẽ là trụ cột, đầu tàu trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng KHCN, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.
Để giúp DN nông nghiệp lớn mạnh, Chính phủ yêu cầu cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn DN đầu tư vào nông nghiệp; hoàn thiện chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp…
Lê Thúy
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Chúng ta phải chuyển từ sản xuất để ăn thành sản xuất để bán. Tuy nhiên, để bán cho thế giới với lượng dân số càng ngày càng tăng và thu nhập càng cao là khó. Khó nhưng chúng ta vẫn làm được. Do đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ, cùng đồng hành quyết liệt ở cả 3 trụ: Chính phủ, DN và người dân. Ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam Chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện cho DN chế biến nông sản ra nước ngoài, tham gia các hội chợ lớn để học hỏi công nghệ chế biến tiên tiến trên thế giới. Nếu DN chỉ quanh quẩn ở trong nước, họ sẽ không biết được thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng thế giới và mức độ đa dạng sản phẩm hiện nay ra sao. Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM Các bộ, ngành phải rà soát và hoàn thiện các cơ chế chính sách trong phạm vi của mình có liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, tăng cường hướng dẫn, tháo gỡ khi chính quyền các địa phương gặp khó khăn, vướng mắc. Với địa phương, cần có sự quy hoạch hình thành vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn để xây dựng hạ tầng, thu hút DN tích tụ và tập trung ruộng đất, bố trí tốt nguồn vốn thực hiện chính sách ưu đãi, lãnh đạo tỉnh tăng cường các cuộc đối thoại, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc khi DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. |