Mới đây, Bộ trưởng Bộ N N & P T N T Nguyễn Xuân Cường cho biết một con cá ngừ của Việt Nam nặng tới 337kg nhưng chỉ bán được 37 triệu đồng, trong khi một con cá ngừ của Nhật Bản nặng 270kg, nếu quy về tiền Việt thu được 70 tỷ đồng.
Tại sao giá lại có sự chênh lệch đến mức khủng khiến như vậy? Bộ trưởng Cường cho rằng đó là do đẳng cấp về tiêu chuẩn, quy chuẩn, cách thức của sản phẩm cá ngừ Nhật Bản tốt hơn Việt Nam.
Vì thế, lãnh đạo ngành nông nghiệp cho rằng nông sản Việt Nam sản xuất hiện nay phải nhận định là lượng quá nhiều nhưng tiền quá ít, kiểu “bán tấn thì rõ nhiều mà két thì rõ bé”.
Bị trả giá rẻ
Mới đây, báo cáo về thị trường nông lâm sản, phân tích về dung lượng thị trường nhập khẩu cà phê Việt Nam của Trung Quốc, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết giá nhập khẩu bình quân mặt hàng cà phê của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt mức 3.909 USD/tấn, giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân mặt hàng cà phê từ Việt Nam ở mức thấp nhất, đạt 1.611 USD/tấn, giảm 67,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng chung xu hướng giảm giá nhưng các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Brazil vẫn bán được 3.029 USD/ tấn, Colombia bán 3.502 USD/tấn, Malaysia bán 7.823 USD/tấn, thậm chí Italia bán được mức rất cao 12.400 USD/tấn.
Đây là điển hình cho thấy hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều về số lượng nhưng giá trị thu về rất thấp.
Theo ông Hong Sun, Tổng Thư ký Hiệp hội DN đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam, từ xưa đến nay, chất lượng nông sản Việt Nam rất tốt. Cà phê, quả bơ Tây Nguyên… được nhiều nước trên thế giới yêu thích.
Tuy nhiên, Việt Nam phải nhanh chóng đẩy mạnh khâu chế biến nông sản. “Như quả cà chua, quả nào đẹp có thể bán trực tiếp nhưng quả nào xấu mã một chút, các bạn có thể dùng máy móc chế biến thành nước xốt cà chua. Như vậy, giá trị gia tăng sẽ cao gấp nhiều lần, nông dân không phải bỏ đi bất kỳ sản phẩm nào”, ông Hong Sun chia sẻ.
Chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn đánh giá: “Hàm lượng chế biến của các sản phẩm nông sản Việt Nam rất khiêm tốn. Nếu chúng ta không nhanh chóng xây dựng nhà máy chế biến trên đất Việt Nam, các nước khác sẽ thay chúng ta làm điều này – xây dựng nhà máy, nhập sản phẩm thô của Việt Nam về chế biến, gắn nhãn mác, thương hiệu của họ và bán giá cao gấp nhiều lần. Điều đó dẫn tới phần giá trị gia tăng thay vì ở nước mình sẽ chuyển sang nước khác”.
EVFTA là thời cơ thu hút đầu tư vào chế biến nông lâm thủy sản |
Phải đầu tư vào chế biến
“Thay vì thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành xi măng, sắt thép sử dụng nhiều tài nguyên, không mang lại nhiều hiệu quả, tại sao chúng ta không đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tạo ra nhiều việc làm cho bà con nông dân?”, ông Sơn đặt vấn đề.
Ông Sơn cũng cho rằng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được xem là cơ hội để ngành nông nghiệp thu hút đầu tư vào chế biến sâu, với công nghệ hiện đại.
Để phục vụ cho việc đẩy mạnh chế biến, Nhà nước cần phối hợp địa phương hình thành vùng chuyên canh lớn, hình thành chuỗi giá trị toàn cầu, cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro. Ở đầu sản xuất phải có vùng chuyên canh, trung tâm dịch vụ hậu cần, viện nghiên cứu, trường đại học nghiên cứu công nghệ, có khu công nghiệp sản xuất vật tư, chế biến nông sản. Như vậy mới hình thành thế trận kết nối vào chuỗi giá trị, hàng hóa có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Bên cạnh đó, để gia tăng giá trị cho hàng nông sản, ông Hong Sun cũng cho rằng Việt Nam cần phải xây dựng thương hiệu cho từng loại. Muốn phát triển nông nghiệp phải làm ra nhiều thương hiệu mạnh, người nước ngoài sẽ không thể phân loại được quả xoài Cát Chu khác xoài bình thường như thế nào…
Vì thế, Việt Nam phải đơn giản hóa phân loại cho từng loại nông sản, làm sao để nhiều người tiêu dùng thế giới biết rằng sản phẩm đó có thương hiệu. Đây là vấn đề không phải ngay lập tức là làm được, mà phải đầu tư nhiều thời gian, công sức cũng như đẩy mạnh hoạt động quảng bá.
Vị chuyên gia người Hàn Quốc gợi ý ngành nông nghiệp Việt Nam có thể kết hợp với ngành du lịch bằng cách mời khách quốc tế đến Việt Nam tham quan những nông trường trái cây, rau quả…, sử dụng thử sản phẩm.
Ngoài ra, hiện nay, sản phẩm của Việt Nam đang thua kém các nước về bao bì, mẫu mã. Theo đánh giá của các chuyên gia, sản phẩm thô của Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh nhưng sản phẩm chế biến lại đối mặt khó khăn. Nguyên nhân là do bao bì chưa hấp dẫn so với của Thái Lan, Philipines. Hai sản phẩm giá tương tự nhau nhưng người tiêu dùng sẽ chọn loại nào có bao bì bắt mắt hơn.
Thy Lê