Sáng ngày 30/11, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Diễn đàn "Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp". Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ quan điểm: "Nhiều khi chúng ta cân nhắc quá nhiều cái giá phải trả khi thay đổi mà không nghĩ rằng cái giá phải trả khi chúng ta không làm gì".
Quan ngại về dấu chân carbon
Bộ trưởng Hoan nhìn nhận trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo lương thực, thực phẩm, an sinh xã hội của đất nước. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt thách thức lớn từ nội tại tới khách quan như biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến đổi xu hướng tiêu dùng của thế giới.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. |
Mô hình tăng trưởng của nông nghiệp gần chạm ngưỡng, trong khi tăng trưởng chỉ dựa vào sản lượng và năng suất dễ dẫn tới tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội. Nhiều mặt hàng nông nghiệp chưa đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, khó mở rộng thị trường, sức cạnh tranh thấp.
Do đó, "để đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết", Tư lệnh ngành Nông nghiệp nhấn mạnh.
Theo đó, ngành nông nghiệp cần thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu; từ tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng; từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững. Cần hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cảnh báo thế giới đang ngày càng quan ngại đến dấu chân carbon (Carbon footprint - lượng khí nhà kính chủ yếu là carbon dioxide, được thải vào khí quyển bởi một hoạt động cụ thể của con người) từ các sản phẩm của quốc gia. Việt Nam có dấu chân carbon khá cao trong sản phẩm nông nghiệp và điều này gây ảnh hưởng đến thành tích mà Việt Nam đã đạt được trong vòng 30 năm qua.
Đại diện WB bày tỏ lo ngại: "Một số vùng ở Việt Nam như Đồng bằng Sông Cửu Long dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu như nước biển dâng, xâm nhập mặn, mưa bất thường, hạn hán… dự kiến sẽ làm giảm năng suất lúa gạo trong vòng 30 năm tới".
Vì vậy, bà Carolyn Turk cho rằng, Việt Nam cần duy trì trở thành một nước sản xuất nông nghiệp lớn mạnh trên thế giới. Chúng ta phải tìm ra nguồn tăng trưởng mới và hiệu quả hơn trong tương lai. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ dựa vào tri thức, xoay quanh giá trị tăng thêm, giảm thâm dụng tài nguyên, giảm đáng kể dấu chân carbon, nhạy bén hơn trước nhu cầu trên toàn cầu với sản phẩm thân thiện môi trường.
Chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Phạm S. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua địa phương này đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều loại cây trồng sử dụng 70-100% giống mới như bơ, sầu riêng, chuối, cà phê, chè, rau, hoa... Ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao tăng trưởng trên đơn vị diện tích, hiện đạt doanh thu trung bình 192 triệu đồng/ha, phấn đấu tới 2025 đạt 230 triệu đồng/ha.
Ngành nông nghiệp cần thức tỉnh
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng tiến hành đồng bộ các giải pháp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng nông nghiệp thông minh, ban hành đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh phát triển HTX nông nghiệp, hiện địa phương có 400 HTX nông nghiệp, trong đó có 200 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao...
Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, thời gian qua địa phương đã phối hợp và nhận được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, qua đó thuyết phục được người dân chuyển đổi sang hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh.
Theo TS. Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện nay nông nghiệp Việt Nam đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức mới đan xen. Cơ hội là tiềm lực trong nước lớn hơn để đầu tư phát triển nông nghiệp, hội nhập quốc tế cũng đem lại cơ hội về thị trường, mô hình quản trị mới nhưng cũng khiến cạnh tranh khốc liệt hơn ngay ở thị trường trong nước. Nền nông nghiệp có nhiệm vụ mới do vậy cũng cần phải có những chủ trương và chính sách mới.
Theo đó, ông Phát cho rằng rõ ràng để phát triển, nông nghiệp phải dựa vào khoa học công nghiệp, cũng như chủ động để tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để tận dụng cơ hội, không bị tụt hậu so với thế giới.
Đến năm 2030 và nhiều năm sau đó, ông Phát cho rằng nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các hộ nông dân nhỏ lẻ song những hộ này cần trở thành hộ sản xuất hàng hóa với quy mô lớn. Đồng thời, các nông hộ nhỏ cần liên kết với nhau dưới sự dẫn dắt của doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia gia đầu tư vào ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ông ấn tượng với câu nói của bà Carolyn Turk về việc "cái giá phải trả khi chúng ta không làm gì. Tôi cũng nghĩ đến việc chúng ta cứ cân nhắc về cái giá phải trả, mà không lo nghĩ đến việc chúng ta nên làm gì để không phải trả giá. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã nói không đánh đổi phát triển kinh tế bằng mọi giá. Chúng ta cần hành động ngay”, Bộ trưởng Hoan cho biết.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam cho rằng, vấn đề của chúng ta không phải là lựa chọn, mà là hành động. Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội, cần xác định tâm thế này để thay đổi. Đây còn là trách nhiệm với hàng chục triệu hộ nông dân.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nêu hình ảnh gót chân Asin: “Mẹ của Asin nhúng cả người mà quên nhúng gót chân. Đây là hình ảnh mà chúng ta cần thức tỉnh”.
"Với "tư duy đổi mới' và "cùng hành động", tôi tin rằng khát vọng của ngành Nông nghiệp sẽ trở thành hiện thực. Để không chỉ là "trụ đỡ" của nền kinh tế khi đất nước ở vào thời điểm khó khăn mà quyết hướng đến khát vọng vươn tầm, đủ sức trở thành thước đo mức độ bền vững của quốc gia", Tư lệnh Ngành NN&PTNT nhấn mạnh.
Lê Thúy