Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại toạ đàm "Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay: Những vấn đề đặt ra", do trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 16/11.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, hiện ngành nông nghiệp nước ta đặt mục tiêu chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa đáp ứng vai trò cung cấp lương thực và thực phẩm của các tầng lớp dân cư với yêu cầu ngày càng tăng về số lượng, phong phú và cao về chất lượng. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra chậm, sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp vẫn mang nặng tính tự phát, phong trào, thụ động… nên cần mức độ mạnh và bài bản hơn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại toạ đàm. |
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, xu hướng tiêu dùng xanh sẽ dần dần chi phối thị trường nông sản và thương mại toàn cầu. “Trước người ta chỉ muốn ăn ngon, sau đó phải vừa ngon vừa sạch nhưng bây giờ xu hướng phải là nông nghiệp xanh, có trách nhiệm… Câu chuyện đó sẽ xoay trục tiêu dùng nông sản. Chúng ta không thể lủi thủi làm theo kiểu cũ được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phân tích thêm, Bộ trưởng NN&PTNT cho hay, nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, để làm được điều này, ông cho rằng cần phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đảm bảo hài hòa trên 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường.
Cũng đề cập đến xu hướng nông nghiệp xanh, PGS.TS. Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, dưới tác động của đại dịch, nhiều chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy từ việc mua bán con giống đến chế biến. Tình hình tiêu thụ nội địa vẫn suy giảm do vẫn bị cạnh tranh bởi một số hàng nhập khẩu. Tình hình xuất khẩu có phần khả quan hơn, nhiều đơn hàng từ thị trường mới được khơi thông. Tuy nhiên, hàng xuất khẩu lại bị rào cản về chi phí vận chuyển quốc tế tăng cao bất thường so với trước đại dịch nên gây cản trở rất lớn.
Từ thực trạng này, việc xanh hóa chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu sẽ giúp tăng cường xuất khẩu hàng hóa do dễ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm dịch động thực vật của nước nhập khẩu; giúp kiểm soát tốt hơn mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp; bảo vệ môi trường…
Lấy ví dụ về chuỗi cung ứng “tổ đánh bắt” ở Phú Yên, ông Lợi cho biết, địa phương này đã tạo thành mô hình liên kết giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ; từ đó tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu cá ngừ.
Nhưng để làm được vấn đề này hiệu quả hơn, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế cho rằng, các doanh nghiệp cần đổi mới tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng lực triển khai; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong nước trong việc sử dụng các sản phẩm nông sản xanh; xây dựng, công bố các tiêu chuẩn xanh và công nhận các nguyên liệu xanh cho các tổ chức sản xuất và kinh doanh; xây dựng các mô hình liên kết để phát triển và hình thành các sáng kiến xanh hóa chuỗi cung ứng nhằm cắt giảm chi phí xanh hóa...
Hơn nữa, theo các chuyên gia, phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn hoàn toàn khác với công nghiệp do chủ thể của nông nghiệp là các hộ nông dân, các chủ trang trại và cuối cùng mới là các chủ doanh nghiệp quy mô lớn. Vì vậy, cần có sự tương thích giữa trình độ quản lý của các chủ thể nông nghiệp này với trình độ của máy móc, công cụ và quy mô diện tích đất sử dụng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong phát triển kinh tế nông nghiệp, thị trường chính là doanh nhân, doanh nghiệp và đây cũng là người nắm rõ thị trường nhất. Doanh nhân phải nhạy bén với thị trường, còn bộ máy hành chính bao giờ cũng chậm hơn.
Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh đến tư duy chuyển từ theo đuổi giá trị gia tăng sang vừa tạo ra giá trị gia tăng, vừa giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí xã hội, chi phí môi trường... Cùng với đó là những giải pháp để chuyển sang nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững; chuyển từ “chuỗi liên kết cung ứng nông sản” sang “chuỗi liên kết giá trị ngành hàng”; chuyển từ “phát triển đơn ngành” sang mục tiêu “phát triển tích hợp liên ngành”.
Về các doanh nghiệp, theo Bộ trưởng, cần phải chuyển từ phát triển dựa vào doanh nghiệp dẫn đầu sang kết hợp doanh nghiệp dẫn đầu và hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, thậm chí là siêu nhỏ… hình thành hệ sinh thái kinh tế nông thôn.
Thanh Hoa