Cách đây 3 tháng, một trung tâm phân phối lạnh (DC) mới của Công ty cung cấp dịch vụ cung ứng lạnh ABA Cooltrans đã chính thức đi vào hoạt động tại khu chế xuất Linh Trung II (Tp.HCM) với sức chứa ước tính 8.000 tấn, tổng giá trị đầu tư khoảng 250 tỷ đồng.
Nhu cầu gia tăng mạnh
Theo chia sẻ của ông Lương Quang Thi, Tổng giám đốc ABA Cooltrans, trung tâm phân phối lạnh này được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu lưu trữ, phân phối, giao nhận... cho các mặt hàng thực phẩm ở Tp.HCM và miền Đông Nam Bộ.
Cần tăng đầu tư và chuyển đổi thông minh cho chuỗi cung ứng lạnh ngành hàng nông sản thực phẩm. |
Một số công ty nghiên cứu thị trường cho rằng, các nhà đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế đã nhắm đến mảng chuỗi lạnh từ lâu, và họ đang cần nhiều kho lạnh có vị trí gần khách hàng hơn để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cho ngành hàng nông sản thực phẩm.
Dự báo, quy mô chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam có thể đạt 1,8 tỷ USD vào năm 2021 trước nhu cầu ngày gia tăng từ thị trường thực phẩm. Trên toàn cầu, theo Prnewswire1, thị trường chuỗi lạnh dự kiến sẽ đạt mức 8,2 tỷ USD vào năm 2025. Lĩnh vực này có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình năm là 12,5% trong giai đoạn 2020-2025.
Với tình hình dịch bệnh Covid-19 bất ổn, ngày càng nhiều người tiêu dùng chọn cách đi chợ trực tuyến (online), thúc đẩy nhu cầu kho trữ lạnh cho thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác.
Đặc biệt khi thương mại điện tử phát triển mạnh trong ngành hàng nông sản thực phẩm sẽ là một động lực lớn cho thị trường chuỗi cung ứng lạnh.
Bên cạnh đó, nhu cầu trữ lạnh hàng thuỷ sản chế biến ở trong nước thời gian gần đây cũng tăng đột biến. Điều này thể hiện rõ trong đợt dịch Covid-19 hồi giữa năm 2020 dẫn đến quá tải, đã cho thấy tầm quan trọng của việc mở rộng hệ thống kho lạnh.
Đó là lý do mà Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) từng đề nghị các bộ ngành liên quan có cơ chế chính sách cụ thể cho việc đầu tư hệ thống kho lạnh trữ hàng của các doanh nghiệp (DN) thủy sản.
Vasep cho rằng, chuỗi cung ứng lạnh là vấn đề rất quan trọng mang tính cốt lõi đối với cả chuỗi sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện nay, không chỉ hỗ trợ DN vượt qua khó khăn trong dịch Covid-19 và còn cả tầm chiến lược cho ngành hàng này trong tương lai.
Theo bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao mảng thị trường của Công ty JLL Việt Nam, chuỗi cung ứng lạnh dành cho các sản phẩm nhạy nhiệt như thực phẩm sẽ đòi hỏi các nhà cung ứng dịch vụ hậu cần không ngừng đổi mới và cải tiến quy trình cũng như công nghệ để không để vuột mất cơ hội hưởng lợi từ các phân khúc tăng trưởng nhu cầu rất nhanh này.
Tăng đầu tư, chuyển đổi thông minh
Giới chuyên gia cho biết, tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng lạnh của Việt Nam được đánh giá xếp thứ 17 trên toàn thế giới. Gần đây, với một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết và có hiệu lực, một mục tiêu mới được đặt ra cho Việt Nam là chuyển đổi chuỗi cung ứng lạnh để có thể khai thác triệt để tiềm năng đó.
Tuy nhiên, với ngành hàng nông sản thực phẩm Việt, để tận dụng cơ hội từ các FTA thì việc hạn chế về chuỗi cung ứng lạnh vẫn là điều đáng lưu tâm.
Chẳng hạn như để nông sản thực phẩm tận dụng FTA Việt Nam - EU (EVFTA) với các điều kiện khắt khe của thị trường EU, những cơ sở hạ tầng logistics chuỗi cung ứng lạnh của Việt Nam cho ngành hàng này rất cần phải thay đổi.
Đặc biệt là vấn đề tổn thất trong quá trình thu hoạch, chế biến, lưu trữ và vận chuyển vẫn là nỗi lo lớn hiện nay. Một khảo sát chỉ rõ tỷ lệ tổn thất trung bình đối với các sản phẩm rau quả Việt Nam là khoảng 32% sản lượng, với sản phẩm thịt là 14%, thuỷ hải sản là 12%.
Việc quản lý chuỗi cung ứng lạnh kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân chính gây ra tổn thất này. Trên thực tế, chỉ có một phần rất nhỏ trái cây và rau quả, sản phẩm thịt, cá được phân phối bằng công nghệ logistics chuỗi lạnh.
Hơn thế nữa, các xe tải đông lạnh tại Việt Nam hiện chỉ chiếm số lượng rất nhỏ, chủ yếu một số DN lớn đầu tư nhằm phục vụ các DN có nhu cầu vận chuyển nông sản xuất khẩu.
Điểm đáng lo ngại ở thị trường bán lẻ thực phẩm tại Việt Nam là khi logistics chuỗi cung ứng lạnh bị đứt quãng, đặc biệt là ở kênh cung cấp hàng hoá truyền thống (General Trade - GT).
Theo đó, có 3 điểm hạn chế cơ bản trong chuỗi cung ứng lạnh ở trong nước. Thứ nhất là tỷ lệ hỏng và tổn thất hàng cao. Thứ hai là thiếu hụt phương tiện vận tải lạnh. Thứ ba là nguồn nhân lực cho chuỗi cung ứng lạnh không đủ tiêu chuẩn.
Những hạn chế này được chỉ rõ là bởi logistics của chuỗi cung ứng lạnh ở trong nước đang bị xé nhỏ với những nhà cung cấp dịch vụ vừa và nhỏ tại địa phương.
Để cải thiện vấn đề này, giới chuyên gia nhấn mạnh, ngoài việc tăng đầu tư vào chuỗi cung ứng lạnh thì cần chuyển đổi mang tính thông minh hơn nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng ở ngành hàng thực phẩm trong thời gian tới.
Thế Vinh