Từ cuối năm ngoái, đã có đề xuất cho cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (nằm trong Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Tp.HCM) được đầu tư mở rộng diện tích kho ngoại quan tại cảng thành 5000m2 nhằm thu hút thêm nguồn hàng, phục vụ cho nhu cầu thuê kho ngoại quan của khách hàng gần xa.
Tăng đầu tư kho vận, logistics
Như nhận định từ cảng Sài Gòn - Hiệp Phước thì thị trường hiện nay tăng mạnh về nhu cầu thuê kho bãi ngoại quan phục vụ cho việc kinh doanh của khách hàng, nhất là khi cảng đón những lô hàng chiếm diện tích kho ngoại quan lớn. Chính vì vậy, cảng này có nhu cầu mở rộng kho ngoại quan.
Điểm sáng của khối nội là tăng đầu tư và kho vận và logistics ở Tp.HCM. |
Không chỉ với cảng nêu trên, theo đánh giá, từ đầu năm đến nay, đã có khá nhiều doanh nghiệp (DN) nội địa đã tăng đầu tư vào kho vận và logistics.
Tại cuộc họp báo ngày 5/11, đại diện của Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Tp.HCM (Hepza) đã cho biết như vậy.
Theo đó, trong 10 tháng đầu năm 2020, phần lớn các dự án đầu tư mới của một số công ty nội địa rót vốn vào Tp.HCM là vào kho vận, logistics, nhà xưởng cao tầng, nhà xưởng 1 tầng, các hạng mục dịch vụ phục vụ thương mại điện tử (TMĐT)...
Bên cạnh đó là các dự án nhận chuyển nhượng quyền thuê đất, nhà xưởng từ các DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Số liệu thống kê cho thấy các dự án đầu tư trong nước vào Tp.HCM trong 10 tháng qua đã tăng đến 47,6%, đạt 321,27 triệu USD. Trong đó, chỉ tính riêng dự án cấp mới (tương đương 250,94 triệu USD) có đến 46 dự án, tăng 29,71% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào thành phố này được ghi nhận đã giảm khoảng 28% tổng vốn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng về cấp mới có 719 dự án với 407,4 triệu USD (giảm 23,6% về số dự án và giảm 57,1% về vốn so với cùng kỳ năm 2019).
Và điển hình nhất trong những dự án FDI ở Tp.HCM vẫn là dự án về logistics của CTCP Logistics (thuộc Tập đoàn BW, Hà Lan) được cấp phép trong tháng 9/2020 có vốn đầu tư đăng ký hơn 80 triệu USD, diện tích đất sử dụng hơn 20 ha.
Đây là dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhất được cấp phép từ đầu năm đến nay ở các khu công nghiệp tại Tp.HCM tính đến thời điểm này. Chỉ riêng dự án của SG Logistics đã chiếm gần 1/5 tổng vốn FDI mà Tp.HCM thu hút từ đầu năm đến nay.
Lý giải về việc các dự án đầu tư của khối nội tăng mạnh trong thời điểm có dịch Covid-19, ông Hứa Quốc Hưng, trưởng ban Hepza, cho rằng các dự án này đa phần là của các DN lớn có sự chuẩn bị chủ động định hướng đầu tư từ trước, theo đúng kế hoạch thì họ triển khai.
Rót vốn vào các hạng mục dịch vụ thương mại điện tử
Số vốn đăng ký mới gia tăng từ các DN nội địa ở Tp.HCM cũng là điểm đáng khích lệ trước những khó khăn của Covid-19. Theo báo cáo của UBND Tp.HCM, trong 10 tháng qua thành phố có hơn 33.400 DN thành lập mới. Con số này mặc dù giảm so với cùng kỳ nhưng số vốn đăng ký lại tăng 41,6% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong việc thuê kho vận, nhà xưởng trong khu công nghiệp, giới phân tích cho biết tính đến hồi quý II/2020 tổng diện tích đất cho thuê ở khu vực miền Nam đã đạt mức 25.045ha.
Một vài quỹ đất cho thuê còn lại ở một số khu công nghiệp hiện hữu tại Tp.HCM hồi giữa năm nay đã từng bị đình trệ do khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và do tác động của Covid-19.
Mặc dù Covid-19 gây ra những khó khăn tạm thời cho các kế hoạch sắp tới của DN, tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định với chiến lược đầu tư dài hạn, bất động sản công nghiệp ở Tp.HCM và các tỉnh phía Nam vẫn rất thu hút các nhà đầu tư trong nước.
Mặt khác, việc DN đầu tư vào các hạng mục dịch vụ TMĐT cũng là điều đáng quan tâm. Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL, cho biết: Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng đã làm tăng cả nhu cầu ngắn hạn và dài hạn đối với bất động sản công nghiệp, cho phép các công ty giao đơn hàng nhanh hơn bằng cách đặt trụ sở gần hơn với khách hàng.
“Sự phát triển theo cấp số nhân của TMĐT đã thúc đẩy nhu cầu về bất động sản công nghiệp trong 10 năm qua và sự gia tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch lại càng làm rõ hơn tiềm năng và sự linh hoạt của TMĐT”, bà Trang Bùi nói.
Theo giới phân tích, các DN nội địa đang nhắm đến việc đầu tư vào các trung tâm phân phối gần hơn với các bến xe và cảng là những cách giúp đảm bảo giảm thiểu gián đoạn xảy ra nếu có thêm những biến động lớn như dịch Covid-19.
Hơn nữa, làn sóng nhu cầu bất ngờ buộc các nhà sản xuất hàng thiết yếu ở trong nước phải chật vật tìm diện tích kho đáp ứng và xem xét lại mọi mặt của chuỗi cung ứng. Và sự phát triển của TMĐT chính là lý cho việc việc rót vốn đầu tư vào kho vận và các dịch vụ có liên quan của họ.
Thế Vinh