Cũng nên nhắc một số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) từ cách đây 3 năm đã từng lưu ý các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải chịu mức thuế hữu hiệu - tính bằng tổng mức thuế và phí DN phải gách chịu trên mức lợi nhuận, cao hơn so với mức trung bình của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Dư luận phản ứng
Cụ thể, mức thuế hữu hiệu ở Việt Nam là 39,4%, trong khi trung bình của châu Á – Thái Bình Dương là 34,6%. Mức này tương đương với các DN ở những nước có thu nhập trung bình cao phải chịu (39,6%) và cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp (38,7%).
So với các nước trong khu vực, mức thuế này tại Việt Nam thấp hơn một chút so với Malaysia nhưng cao hơn nhiều so với Indonesia (29,7%), Singapore (18,4%) và Thái Lan (27,5%).
Còn theo một tính toán mới đây từ giới chuyên gia, thuế đã chiếm đến 32% GDP. Trong khi với một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, lẽ ra chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP. Hơn nữa, ảnh hưởng của mức thuế hữu hiệu mà DN phải chịu ở mức 39,4% đối với tăng trưởng là không thực sự rõ ràng.
Trở lại với Dự luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính mới soạn thảo đang gây nhiều phản ứng trong dư luận, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho rằng hiện nay, việc đánh thuế tài sản mới chỉ áp dụng với đất, nguồn lực này chỉ đóng góp 0,036% GDP, cho nên cần bổ sung thu thuế đối với nhà và các tài sản khác.
Trong khi đó, chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), bày tỏ quan ngại Luật Thuế tài sản nếu được ban hành tại thời điểm hiện nay sẽ có tác động rất lớn đối với thị trường bất động sản và người tiêu dùng.
Theo ông Châu, điều lo lắng là sẽ xảy ra tình trạng “thuế chồng thuế”. Bởi lẽ, người tiêu dùng (người mua nhà) vừa phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, vừa phải nộp thuế tài sản. Mặt khác, nó sẽ tác động đến mặt bằng giá cả nói chung mà trực tiếp là tác động làm tăng giá nhà.
Ngoài ra, một hệ lụy khác là sẽ tác động trực tiếp đến lợi ích của người dân do mức thuế suất cao hơn 13 lần so với hiện nay (dự thảo Luật đề xuất thuế suất 0,4%, so với thuế suất 0,03% hiện nay đối với đất ở trong hạn mức) dẫn tới khả năng có thể có những hộ gia đình sẽ gặp khó khăn trong việc nộp thuế.
Ông Châu nhấn mạnh Bộ Tài chính công bố đề án Luật Thuế tài sản tại thời điểm hiện nay là không phù hợp, gây ra phản ứng bất bình trong công luận. Nên biết rằng “tiền sử dụng đất” hiện nay không phải là một sắc thuế vì đang được quy định bởi Luật Đất đai và là một nguồn thu quan trọng của ngân sách.
“Tiền sử dụng đất” đang là “ẩn số”, là “gánh nặng”, cách tính tiền sử dụng đất đang tạo ra cơ chế “xin-cho”, nhũng nhiễu và DN phải mất rất nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục hành chính này.
“Tiền sử dụng đất” đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành nhà ở, như chiếm khoảng trên dưới 10% trong giá thành căn hộ chung cư, chiếm khoảng trên dưới 30% trong giá thành nhà phố và chiếm khoảng trên dưới 50% trong giá thành biệt thự |
Làm tăng giá hàng hóa
Trên thực tế, chủ đầu tư dự án đang phải nộp “tiền sử dụng đất” rất lớn, bằng khoảng trên dưới 70% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, nên có thể nói DN gần như phải mua lại quyền sử dụng đất lần thứ hai và gánh nặng này cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu.
“Tiền sử dụng đất” đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành nhà ở, như chiếm khoảng trên dưới 10% trong giá thành căn hộ chung cư, chiếm khoảng trên dưới 30% trong giá thành nhà phố và chiếm khoảng trên dưới 50% trong giá thành biệt thự.
Ngoài dự luật gây phản ứng nêu trên, nên nhắc thêm hồi tháng 2/2018, Bộ Tài chính có đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng thuế Bảo vệ môi trường (BVMT).
Dự thảo có nêu: đối với xăng, tỷ lệ tăng thuế BVMT trong giá bán khoảng 4,9%; đối với dầu diesel khoảng 3,2%; đối với dầu mazut khoảng 8,9%; đối với dầu nhờn khoảng 0,6% và đối với mỡ nhờn khoảng 2,3%.
Trước dự thảo này, nhiều chuyên gia, DN và người dân không đồng tình, vì các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, nước… có biến động cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến đời sống hàng ngày.
Hoặc ngay như hồi đầu năm nay, phương án mới mà Bộ Tài chính khi sửa luật thuế là từ 1/1/2019 chỉ tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% lên 11% thay vì 12% như đề xuất trước đó. Có ý kiến cho rằng Bộ này chịu “lùi một bước” từ nhiều ý kiến góp ý.
Nhưng phương án tăng mức thuế GTGT lên 11% được cho là vẫn chưa thật sự thỏa đáng vì chưa khuyến khích tiêu dùng, làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ, không phù hợp với thu nhập của đa số người dân Việt Nam trong tình hình kinh tế hiện nay. Việc này chỉ dẫn đến tình trạng “thuế chồng thuế”.
Theo giới chuyên gia, những ảnh hưởng của việc tăng thuế đối tới tăng trưởng cần phải xem xét đến cả cách thức sử dụng nguồn thu từ thuế của Nhà nước có hiệu quả hay không. Thực ra, nếu Nhà nước sử dụng nguồn thu từ thuế hiệu quả thì việc tăng thuế hợp lý có thể mang lại hiệu ứng tích cực cho đầu tư tư nhân và ngược lại.
Còn như hiện nay, trong khi còn nhiều vấn đề về độ hiệu quả trong việc sử dụng nguồn thu từ thuế, thì những đề xuất tăng thuế được Bộ Tài chính đưa ra, với nỗi lo “thuế chồng thuế”, cộng với gánh nặng thuế gia tăng là điều mà nhiều DN quan ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình về lâu dài.
Thế Vinh