"Sau một thời gian dài giãn cách xã hội, đến nay gần như chuỗi sản xuất của ngành tôm đã bị đứt gãy", đó là chia sẻ của "vua tôm" - ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg khu vực Nam Bộ do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức.
Không có nguyên liệu để sản xuất
Cụ thể, ông Phú cho biết, giờ đã là giữa tháng 9, nếu bà con có kịp thả nuôi thì cũng chỉ đáp ứng cung nguyên liệu cho xuất khẩu (XK) phục vụ các thị trường gần ở châu Á. Còn với thị trường xa như châu Âu, châu Mỹ thì không kịp nữa. "Giờ thả nuôi tôm thì đến tháng 10, 11 cũng không kịp để cung cấp nguyên liệu, trả đơn hàng XK cho khách hàng phục vụ mùa lễ Noel, năm mới ở thị trường Mỹ hay châu Âu", lãnh đạo Tập đoàn Minh Phú cho biết.
Dịch COVID-19 khiến ngành tôm đang bị đứt gãy chuỗi sản xuất, nguy cơ thiếu nguyên liệu. |
Điều này dẫn tới tình trạng, khi công nhân đi làm lại thì nhà máy không có nguyên liệu chế biến. Theo đó, những tháng cuối năm, không thể nào doanh nghiệp (DN) tăng công suất sản xuất lên được 70%, mà tối đa chỉ duy trì được 50% vì không có nguyên liệu.
Đại diện Minh Phú đề xuất thực hiện phương án 7 xanh, sống chung với dịch, chẳng hạn như: nhà máy xanh, công nhân xanh, y tế xanh trong DN... Đồng thời, Chính phủ cần có giải pháp khuyến khích bà con thả nuôi tôm, phục hồi sản xuất, nếu không sản xuất thì công nhân không có công ăn việc làm.
Cũng lấy dẫn chứng từ ngành tôm, ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, cho hay từ thực tế của DN trên địa bàn cho thấy, công suất sản xuất đang giảm nhưng chi phí sản xuất thì lại tăng. Trong thời gian giãn cách, nguyên liệu sản xuất dồi dào nhưng thu mua được ít. Đến nay, khi dịch bệnh dần được khống chế, thị trường XK tăng đơn đặt hàng thì lại không có nguyên liệu để chế biến, không thể XK. "Chúng ta đều cố gắng, nhưng việc đứt gãy chuỗi sản xuất đã hiện hữu. Bối cảnh mà DN, nông dân đang gặp phải rất báo động", ông Sử đánh giá.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, không chỉ chuỗi tôm, mà nhiều chuỗi sản xuất nông sản cũng đã bị đứt gãy như cá tra, rau quả... Nhu cầu thị trường thế giới lớn nhưng đứt gãy nhiều khúc.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay phân tích xu hướng phát triển của kim ngạch XK rau quả trong 8 tháng năm 2021 thì thấy rằng, kim ngạch XK tăng trong 4 tháng đầu năm nhưng từ tháng 5 kim ngạch đã đi xuống, đến tháng 8 là tháng thứ 4 liên tiếp giảm, đây là do tác động nghiêm trọng của dịch bệnh buộc chúng ta phải áp dụng các biện pháp phòng chống mạnh mẽ nhất làm cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy.
Tuy vậy, nhận định về thị trường XK trong quý IV năm nay, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết có thể khả quan khi kinh tế của các nước là những thị trường lớn của rau quả Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu sẽ hồi phục, nhu cầu tăng trở lại.
Vì vậy, Hiệp hội này kiến nghị: Tổ chức sản xuất nguyên liệu theo quy hoạch, điều tiết quy mô, tốc độ tăng trưởng phù hợp. Sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải phù hợp với quy định của từng thị trường cụ thể. Chất lượng sản phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe nhất của người tiêu dùng.
Đồng thời, đưa ra các chính sách để thu hút lao động cho các vùng sản xuất nguyên liệu, khu công nghiệp, khu chế xuất... để kéo lao động trở lại khôi phục sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.
'Nước xa không cứu được lửa gần'
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam cho biết, trong thời gian 2 tháng vừa qua (tính từ giữa tháng 7/2021), khi mà TP.HCM, 18 tỉnh phía Nam và các tỉnh Nam Trung bộ đổ vào (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận…) đã thực hiện giãn cách xã hội theo các mức độ khác nhau để phòng chống dịch COVID-19. Chỉ có khoảng 30% các nhà máy chế biến thủy sản tại khu vực kể trên là duy trì được sản xuất cầm chừng theo điều kiện đảm bảo được “3 tại chỗ”.
Với các DN sản xuất “3 tại chỗ”, giá thành trên đơn vị sản phẩm đã tăng 10-25% tùy theo loại sản phẩm (tôm, cá tra, cá ngừ, hải sản...) và quy mô công suất chế biến được. Theo tính toán sơ bộ, một DN trung bình sẽ lỗ khoảng 30%/tháng nếu duy trì sản xuất “3 tại chỗ” với chỉ 1/3 công suất, và sẽ thiệt hại 50-55%/tháng nếu ngưng sản xuất.
Về khả năng phục hồi của DN, theo kết quả khảo sát của VASEP, chỉ có 30 – 40% các DN có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số DN còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất (Trung bình để khôi phục được 50% công suất: 3-6 tháng; Khôi phục 70% công suất sản xuất: 9 tháng - 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất: khoảng 1,5-2 năm).
Trước thực tế trên, VASEP kiến nghị: Bộ NN&PTNT hỗ trợ giúp DN xây dựng phương án và cùng DN làm việc với địa phương khi trình phương án tổ chức sản xuất trong thời gian mở giãn cách từng phần nhằm khôi phục sản xuất để địa phương phê duyệt nhanh nhất vì thời gian của năm không còn nhiều. Làm sao để nhà máy sản xuất được, càng tối đa công suất càng tốt.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ ra Nghị quyết riêng cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông-thủy sản để các địa phương dành đủ quan tâm hỗ trợ cho DN và ngành hàng trong bối cảnh mới.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị: Bộ trưởng NN&PTNT chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình trong sản xuất nông, lâm, thủy sản thích ứng điều kiện dịch COVID-19, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản nông sản để đảm bảo năng suất, chất lượng và đáp ứng yêu cầu thị trường.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần phải tư duy lại, thay đổi cách làm việc thì mới xoay chuyển được tình thế trong bối cảnh bất thường. DN nông nghiệp, chuỗi ngành hàng nông nghiệp với đặc thù khác với hàng công nghiệp như dệt may, da giày do có sự phối hợp đan xen giữa nhiều đối tượng, như các mạch máu. 1 tấn cá tra ở Long An cung cấp tới 7 tỉnh hay 1 DN có thể mua lúa từ rất nhiều địa phương. Chỉ 1 xe tải hàng ở Cần Thơ dừng lại thì cũng tác động đến công tác sản xuất ở nhà máy.
Do đó, "lãnh đạo địa phương cần tư duy ở điều này, xem 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long là thực thể kinh tế chứ không phải là mảnh ghép của 13 tỉnh. Do đó, việc phục hồi kinh tế chỉ tư duy cho 1 tỉnh thì sẽ không thành công", Bộ trưởng NN&PTNT lưu ý.
Người đứng đầu ngành NN&PTNT cho rằng: Các DN, Hiệp hội DN, địa phương cần thay đổi tư duy. 2 bên cùng ngồi lại kiến tạo không gian vừa an toàn phòng chống dịch và vừa sản xuất
"Nước xa không cứu được lửa gần. Do đó, vấn đề quan trọng ở đây vẫn chính là vai trò của các địa phương. Việc sản xuất của ngành nông nghiệp không mang lại con số cao như công nghiệp nhưng nó là sinh kế của hàng triệu dân", ông Hoan chia sẻ.
Lê Thúy
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |