Những năm gần đây, Việt Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6 - 6,5% và thông thường chỉ số này dễ dàng vượt qua. Thậm chí, tăng trưởng GDP 2019 đã lên tới 7,02% và Việt Nam lọt vào Top đầu của thế giới về tốc độ tăng trưởng.
Nhưng dịch COVID-19 bùng phát đã chặn đà tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam, năm 2020 đạt mức tăng 2,91%. Năm 2021, dự báo Việt Nam tăng trưởng 3- 3,5%.
Lĩnh vực xuất khẩu dự báo sẽ duy trì đà tăng tích cực góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2022 có thể lên đến 7,5%. |
Trong năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 đạt khoảng 6 - 6,5%. Đây là một con số rất cao so với thời điểm dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và tác động mạnh lên nền kinh tế.
Tuy nhiên, mới đây một số tổ chức quốc tế, cũng như các chuyên gia đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2022 có thể đạt cao hơn con số mà Chính phủ đặt ra. Vậy cơ sở nào để các chuyên gia đặt mục tiêu rất cao như vậy?
Theo ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, mục tiêu đưa tăng trưởng GDP của Việt Nam về mức 6-6,5% là hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam đáp ứng được hai điều kiện đó là: kiểm soát tốt đại dịch và cải thiện cán cân cung - cầu.
Chuyên gia này cho rằng, dịch bệnh vẫn là yếu tố rủi ro với nền kinh tế Việt Nam khi vẫn còn diễn biến phức tạp và sự xuất hiện biến chủng mới Omicron. Trong khi đó, Việt Nam là một nền kinh tế mở, do đó nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tình hình của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Lĩnh vực xuất khẩu đã trở thành đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm qua và sự trầm lắng của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của Việt Nam.
Ngoài ra, năm 2022 Việt Nam cũng phải đối mặt với vấn đề lạm phát có dấu hiệu gia tăng. Vì vậy, chuyên gia WB cho rằng: Việt Nam phải thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong giai đoạn tới nhưng vẫn kiềm chế được lạm phát, có như vậy tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trong năm 2022.
Trong báo cáo vừa phát hành, các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán VNDirect đưa ra dự báo lạc quan cho tăng trưởng GDP năm 2022 có thể lên đến 7,5% nhờ 4 “bệ đỡ” quan trọng: Cầu nội địa phục hồi; xuất khẩu; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Các chuyên gia phân tích, ngành dịch vụ sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ không thiết yếu như: du lịch, vận tải và vui chơi giải trí có thể được phép hoạt động hết công suất kể từ quý II/2022 sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số. Khi đó, tiêu dùng sẽ tăng trở lại với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2022.
Với lĩnh vực xuất khẩu dự báo sẽ duy trì đà tăng tích cực nhờ thương mại toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 4,7% vào năm 2022 nhờ Chi phí vận tải, hạ nhiệt, tình trạng thiếu hụt container được giảm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022. Đặc biệt là sang thị trường Mỹ và châu Âu.
Cùng với đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2022 sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác vào năm 2022. Hiệp định bao gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đã ký hiệp định FTA với ASEAN bao gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc và New Zealand.
Ngoài ra, các chuyên gia VNDirect dự báo năm 2022 vốn đầu tư FDI sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ Việt Nam có kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ đầu năm 2022, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và chuyên gia quay trở lại Việt Nam và thúc đẩy đầu tư trong năm tới.
Hơn nữa, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) rất tiến bộ với các đối tác lớn trên thế giới như CPTPP, EVFTA, RCEP ... Do đó, các nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi lớn về thuế khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước đã có FTA với Việt Nam.
Cùng với đó, kinh tế Việt Nam dự báo sẽ “tươi sáng” nhờ các gói hỗ trợ tài khóa sắp tới, Chính phủ có kế hoạch tăng cường đầu tư công vào năm 2022 để bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác.
Thanh Hoa