Sáng 20/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội dành nhiều thời gian để xem xét về các vấn đề kinh tế - xã hội, đặc biệt là bàn luận về những giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.
Tăng trưởng GDP đạt từ 3 - 3,5%
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ước thực hiện cả năm dự kiến đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đã được đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đạt trên 240 tỷ USD, cả năm ước tăng khoảng 10,7%...
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ tập trung bàn các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19. |
Tuy nhiên, dự kiến có 4/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 3 - 3,5% so với mục tiêu khoảng 6%; GDP bình quân đầu người ước đạt 3.660 - 3.680 USD, thấp hơn so với mục tiêu là khoảng 3.700 USD); tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước đạt khoảng 32%, thấp hơn so với mục tiêu là khoảng 44 - 47%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước giảm 0,5 - 1 điểm phần trăm, thấp hơn so với mục tiêu là 1 - 1,5 điểm phần trăm.
Thủ tướng đánh giá nguyên nhân khách quan cơ bản là do dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng và gây hậu quả nặng nề, khiến 23 địa phương phải thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội trong thời gian dài, trong đó có các trung tâm kinh tế lớn, vùng động lực tăng trưởng.
Song, Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra nguyên nhân chủ quan là do công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, chưa đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất; còn hạn chế, bất cập trong phân tích, dự báo tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Nhấn mạnh giải pháp từ nay đến cuối năm, Thủ tướng cho biết sẽ tập trung vào công tác phòng chống dịch, chuẩn bị vắc xin, thuốc điều trị, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc để tập trung khôi phục phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm. Rà soát tháo gỡ khó khăn vướng mắc thể chế, giảm thiểu chi phí; điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, thúc đẩy nhanh vốn đầu tư công, kiểm soát giá cả thị trường; khôi phục thị trường lao động, đảm bảo cung ứng và lưu thông hàng hóa thông suốt...
Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM cho biết, 1.500 nhà máy trong các khu công nghiệp đang phục hồi sản xuất. Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/10/2021 và bắt đầu có hiệu lực. Điều này khẳng định quan điểm của Chính phủ là không thể “Zero COVID-19”, bình thường mới phải trong trạng thái sống chung với dịch.
Tuy vậy, một trong những băn khoăn mà ông Bé đặt ra là tiêm mũi 2 vắc xin phòng dịch cho toàn thể công nhân đã được thực hiện nhưng việc xét nghiệm với mật độ cao là có vấn đề. Bộ Tiêu chí 10 điểm của TP.HCM quy định "thẻ xanh" vẫn phải xét nghiệm hàng tuần và "thẻ vàng", nhóm nguy cơ cao vẫn phải xét nghiệm 3 ngày 1 lần. Trong khi đó, Bộ Y tế đã có văn bản quy định chỉ xét nghiệm 20% và 2 tuần 1 lần. Chi phí xét nghiệm rất lớn, như vậy chưa hiệu quả.
Chống đứt gãy là nhiệm vụ phải làm được
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Thủ tướng Chính phủ cho hay mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%; CPI bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, vừa phòng chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa phù hợp, khả thi, linh hoạt.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM kiến nghị các bộ, ngành, cụ thể Bộ GTVT và Bộ Công an cần thống nhất cách kiểm soát thông thương liên tỉnh và Bắc - Nam bằng một hệ thống quốc gia. "400 khu công nghiệp và khu kinh tế của nước ta cần nhanh chóng được kết nối giao thương nhằm cung ứng hàng hóa, nguyên phụ liệu, hàng xuất nhập khẩu qua các địa phương và đến cảng", ông Bé nói.
Ngoài ra, cần thống nhất hộ chiếu vắc xin, kết nối đường bay nội địa và quốc tế. "1.500 nhà máy của chúng tôi bao gồm cả 500 nhà máy của doanh nghiệp FDI thường là các mắt xích trong chuỗi sản xuất kinh doanh toàn cầu. Đó là chưa kể nhu cầu đón các nhà đầu tư và chuyên gia từ nước ngoài vào và đưa đội ngũ kỹ thuật đi đào tạo tại các nước", ông Bé nói.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế nhìn vào 3 trụ cột đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, nối lại chuỗi sản xuất thì quan trọng nhất là lao động, còn không thì chẳng giải quyết được gì, thiếu một người lao động thì đứt cả chuỗi sản xuất.
Ông Thiên cũng cho rằng, muốn phục hồi kinh tế thì chúng ta phải bắt tay vào những việc gì khó nhất để làm chứ đừng bàn chung chung. Nhiệm vụ khó nhất làm được thì những việc dễ sau đó sẽ thông suốt.
Chuyên gia này cũng đặt vấn đề: trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhà đầu tư cũ chưa chắc đã chuyển đi, có chăng chỉ chuyển đơn hàng. Song vấn đề quan tâm hơn cả là nhà đầu tư mới có vào Việt Nam hay không, trong thời gian tới, chúng ta sẽ làm gì để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài chất lượng cao rót vốn.
"Điều này quay trở lại bài toán chống đứt gãy lao động. Nếu Việt Nam có một chiến lược tốt về nguồn nhân lực, giải quyết được bài toán đứt gãy lao động tại thời điểm này thì có nghĩa quá trình phục hồi kinh tế được thúc đẩy nhanh hơn", ông Thiên phân tích.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra 4 nhóm khuyến nghị để đưa Việt Nam vào trạng thái "bình thường mới", sống chung với COVID-19 đi kèm phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, tiêm chủng (đồng thời với xét nghiệm) có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát đại dịch, và cũng để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế; Vẫn cần có những hạn chế đi lại nhưng phải thông minh hơn; Tìm điểm cân bằng phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; Tăng cường trợ giúp xã hội để ngăn chặn tình trạng kiệt quệ tài chính ở các nhóm dễ bị tổn thương và hạn chế gia tăng bất bình đẳng.
WB nhấn mạnh thực thi hiệu quả, hiệu lực là chìa khóa thành công để thực hiện chiến lược trên. Đã đến lúc Việt Nam cần suy nghĩ và thực hiện những cải cách thể chế để nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách.
Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội Nền kinh tế toàn cầu hồi phục nhưng đang chậm lại và có sự phân hóa rõ rệt giữa các quốc gia, khu vực, sự đứt gãy của các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài hơn so với dự báo, sức ép lạm phát và rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng. Ở trong nước, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tuy không đạt so với kế hoạch đề ra, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định; nông nghiệp tăng trưởng khá và vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế và ổn định xã hội; xuất khẩu hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ... Chúng ta dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục nỗ lực hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước. TS. Cấn Văn Lực Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia Việt Nam cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40.000 tỷ đồng (0,62% GDP năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn. TS. Võ Trí Thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Để bắt kịp với đà phục hồi của thế giới, Việt Nam cần tăng tốc ngay từ quý I/2022. Quá trình này nên gắn liền với tái cơ cấu và cải cách nền kinh tế. Những giải pháp cần đi vào cụ thể, tránh rời rạc, nếu không quyết liệt thì chúng ta sẽ đi sau, khát vọng đưa đất nước phồn thịnh sẽ đổ vỡ. Đây là chương trình phục hồi kinh tế tổng thể với nhiều chương trình lớn, với nhiều lát cắt. Những vấn đề đầu tiên là cải cách thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất. |
Nhật Linh