Trong quý I/2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, trong đó phụ tải tháng 3/2022 tiếp tục tăng và cao hơn trung bình khoảng 4,2 triệu kWh/ngày so với phương thức dự kiến.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4. |
Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 3/2022 đạt 23,45 tỷ kWh, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 3 tháng đạt 63,03 tỷ kWh, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, tỷ lệ huy động một số nguồn chính như sau: Thủy điện đạt 16,48 tỷ kWh, chiếm 26,1% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; Nhiệt điện than đạt 28,37 tỷ kWh, chiếm 45%; tua bin khí đạt 7,56 tỷ kWh, chiếm 12%; năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 10,01 tỷ kWh (điện mặt trời đạt 6,86 tỷ kWh, điện gió đạt 2,95tỷ kWh), chiếm 15,9%. Điện nhập khẩu đạt 451 triệu kWh, chiếm 0,7% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Trong quý I/2022, điện sản xuất của EVN và các tổng công ty phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 26,66 tỷ kWh, chiếm 42,29% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Sản lượng điện truyền tải tháng 3/2022 đạt 18,34 tỷ kWh. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, sản lượng điện truyền tải đạt 48,83 tỷ kWh, tăng 4,6% so cùng kỳ năm trước.
Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 3/2022 ước đạt 18,84 tỷ kWh, tăng 9,4% so với tháng 3/2021. Luỹ kế 3 tháng năm 2022 đạt 54,78 tỷ kWh, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy vậy, quý I/2022, EVN cho biết gặp một số khó khăn trong cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện với lượng than được cung cấp thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng. Do đó, đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát; các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch là 1,365 tỷ kWh.
Tháng 4/2022, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 779 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 42124 MW (tương ứng tăng trưởng khoảng 5,3% so với cùng kỳ năm 2021).
Nhận định trong thời gian tới, tình hình cung cấp than cho sản xuất điện có thể còn tiếp tục khó khăn, EVN kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Trước tình trạng trên, Bộ Công Thương cho biết đang tìm mọi giải pháp để đẩy nhanh nhập khẩu than trong thời gian tới.
Cụ thể, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu khoảng 18-25 triệu tấn than phục vụ cho hoạt động sản xuất điện và phân bón trong năm 2022.
Vì vậy, trong cuộc làm việc trực tuyến với bà Tania Constable, Tổng giám đốc Hội đồng Khoáng sản Úc và các doanh nghiệp xuất khẩu than, khoáng sản hàng đầu của Úc mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp xuất khẩu than của Úc, đặc biệt là các hội viên của Hội đồng Khoáng sản Úc tăng lượng cung ứng cho doanh nghiệp Việt Nam ngay từ tháng 4/2022. Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 5% tổng lượng than xuất khẩu ra thế giới của Úc.
Thy Lê