Nhiều trạm BOT có nguy cơ chậm tiến độ lắp đặt hệ thống ETC (Ảnh: TL) |
Theo Chỉ thị 39/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ ETC. Đồng thời tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các trạm phải hoàn thành hệ thống ETC trước 31/12/2020, nếu không trạm thu phí sẽ phải dừng hoạt động.
8/33 trạm còn vướng
Khảo sát trên các tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội – Lào Cai, Quốc lộ 18, Quốc lộ 5, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình… các trạm thu phí tại đây đều bố trí hệ thống ETC.
Anh Hoàng Tuấn Nguyên, lái xe dịch vụ du lịch tại Hà Nội, cho hay, kể từ khi xe Etag để đi qua hệ thống ETC cực kỳ thuận lợi, không cần dừng lấy vé, không cần dùng tiền mặt, tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm lưu lượng xe qua lại các trạm thu phí.
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), về vấn đề thu phí không dừng, Bộ đã phân chia hệ thống thành 2 giai đoạn phù hợp với lộ trình và điều kiện thực hiện. Giai đoạn 1 gồm các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số tuyến cao tốc. Giai đoạn này đến nay đã triển khai và vận hành hệ thống ETC (40/44 trạm), bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và tăng cường minh bạch trong hoạt động thu phí.
Giai đoạn 2 gồm các trạm thu phí còn lại trên các tuyến quốc lộ (tổng số 33 trạm).Trong đó, có 8/33 trạm có tính chất đặc thù được kiến nghị không thực hiện hoặc lùi thời gian thực hiện để đảm bảo hiệu quả gồm 2 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (cầu Mỹ Lợi và Thái Hà), 3 trạm chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách Nhà nước hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, Bờ Đậu - Quốc lộ 3, trạm T2-Quốc lộ 91) và 3 trạm Quốc lộ 51.
Cũng trong số 8/33 trạm nêu trên, có 3 trạm trên Quốc lộ 51 thời gian thu phí còn lại dưới 3 năm nên việc triên khai ETC không hiệu quả. 5 trạm hiện phương án tài chính ở tình trạng rất xấu, ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng. Ngoài ra, các dự án này nằm trên các tuyến có lưu lượng giao thông thấp, không ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hệ thống ETC trên toàn quốc.
Vẫn theo Bộ này, trong 8/33 trạm do 3 tỉnh là Thái Bình, TP. HCM và Đồng Nai quản lý hiện tiến độ triển khai hệ thống ETC rất chậm và đang đứng trước nguy cơ không kịp tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là 31/12/2020 phải hoàn thành.
Đóng cửa trạm BOT chưa triển khai
Liên quan đến các trạm có nguy cơ không kịp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khi chỉ còn 1 ngày nữa là kết thúc năm 2020, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, hiện trạm thu phí BOT Quốc lộ 39B của tỉnh Thái Bình lý giải chưa triển khai là doanh thu rất thấp không đủ chi phí quản lý (dưới 10% so với phương án tài chính).
Tại 2 trạm thu phí BOT trên đường Nguyễn Văn Linh, TP. HCM lý giải do việc thu phí chỉ đủ để thực hiện việc bảo trì duy tu vì vậy không ảnh hưởng bởi Quyết định 19/QĐ-TTg của Thủ tướng nên chưa triển khai. Hiện 2 trạm này đang thực hiện việc thẩm định để phê duyệt hạng mục thu phí lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng.
Còn đại diện của 4 trạm thu phí BOT trên Đường tỉnh 768 của tỉnh Đồng Nai cho rằng, chưa phê duyệt được hạng mục lắp đặt hệ thống và chưa lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng do chưa rõ thẩm quyền đơn vị thẩm định, phê duyệt hạng mục này.
Đánh giá về tiến độ triển khai hệ thống ETC, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận, về cơ bản tiến độ triển khai ETC đang được kiểm soát đúng yêu cầu đề ra. Đồng thời khẳng định, đến ngày 31/12/2020 cơ bản các trạm sẽ thực hiện thu phí tự động không dừng.
“Sau thời hạn trên nhà đầu tư BOT nào không lắp đặt thu phí không dừng, Tổng cục sẽ kiên quyết tạm dừng thu phí cho đến khi thực hiện xong theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Huyện nhấn mạnh.
Những tồn tại vướng mắc của dự án giai đoạn 2 cơ bản đã được tháo gỡ các trạm thu phí đủ điều kiện triển khai thu phí không dừng thuộc giai đoạn 2 (25 trạm) sẽ được triển khai hoàn thành đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ GTVT quyết định tạm dừng hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án có trạm BOT không chuyển sang thu ETC theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến việc gắn thẻ điện tử thu phí không dừng (Etag), đại diện Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, tính đến ngày 10/12/2020, cả nước có hơn 1,1 triệu xe đã dán thẻ Etag, trong đó hơn 50% xe đã thường xuyên nạp tiền sử dụng dịch vụ này.
Tuy nhiên, vị này cũng cho biết thêm, mới có 1,1/3,8 triệu xe dán thẻ (chiếm khoảng 25%), điều này cho thấy số lượng phương tiện tham gia dịch vụ chưa cao, chưa phát huy hết hiệu quả của hệ thống.
Hải Sơn