Đến nay, hệ thống trạm thu phí không dừng (ETC) đã được lắp đặt, vận hành từ 2 - 6 làn tại 39 trạm, nhưng sau nhiều năm triển khai, tỷ lệ người dùng dịch vụ vẫn còn rất thấp.
Thói quen chưa dễ bỏ
Theo ghi nhận của phóng viên tại trạm thu phí tuyến Pháp Vân - Ninh Bình, tuy đã triển khai thu phí không dừng nhưng rất nhiều chủ xe vẫn dùng tiền mặt để trả phí khi qua trạm. Vào những ngày thường, trạm thu phí ít xảy ra ùn ứ, nhưng vào những ngày lễ tết cao điểm, việc không sử dụng ETC là một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc kéo dài.
Tương tự, trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang cũng rất ít chủ xe đi qua làn ETC. Theo tìm hiểu được biết, nguyên nhân chính là do thói quen dùng tiền mặt của người dân nên chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng thẻ.
Theo một báo cáo của Bộ GTVT, Dự án ETC được đầu tư theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh). Hiện nay trên toàn quốc có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc, trong đó Bộ GTVT quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 19 trạm.
Đến nay đã lắp đặt, vận hành từ 2 - 6 làn ETC tại 39 trạm. Riêng 5 tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý chỉ có 1 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình ngày 10/6/2020 đã chính thức thực hiện thu phí ETC, 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai được do vướng mắc về về nguồn vốn.
Mục đích chính của các trạm ETC nhằm để minh bạch các khoản thu. Nhưng đến thời điểm này vẫn còn nhiều trạm thu phí BOT vẫn chưa thể thực hiện thu phí ETC.
Theo ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc CTCP Xây dựng công trình giao thông Phương Thành, Công ty đã đầu tư ETC trên 44 làn của tuyến cao tốc, nhưng thời điểm này, tại mỗi trạm thu phí mới chỉ mở 2 làn ETC (1 làn ra, 1 làn vào) các phương tiện chưa sử dụng thẻ ETC vẫn chiếm số lượng lớn, nếu mở nhiều làn thu phí ETC dễ dẫn tới ùn tắc cho các làn khác.
Còn theo đại diện VEC, trên đoạn tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã đầu tư lắp đặt xong 15 làn thu phí ETC, 25 làn còn lại, Công ty đang xin cơ chế và thu xếp vốn để đầu tư. Hiện, lưu lượng xe vào khoảng 6 vạn chiếc/ngày đêm, nhưng tỷ lệ phương tiện sử dụng thẻ ETC chỉ chiếm khoảng 5%, một con số rất nhỏ.
![]() |
Rất ít xe ô tô đi qua làn thu phí tự động không dừng (Ảnh: Internet) |
Khó hoàn thành tiến độ
Việc người dân ít sử dụng làn ETC, theo đại diện Bộ GTVT, có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do hình thức thu phí tự động không dừng rất mới với Việt Nam. Mới về cả công nghệ, mô hình quản lý và hình thức triển khai. Đến khi đưa vào triển khai có một số vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến bất cập đòi hỏi phải tháo gỡ.
Thứ hai, do các đối tượng thụ hưởng tham gia ít vì thói quen dùng tiền mặt của người dân và sự liên kết, liên thông giữa các trạm ETC còn hạn chế, vì vậy việc triển khai thu phí tự động không dừng chưa cao.
Thứ ba, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc hoàn thành ETC trong năm 2020 chính là việc triển khai ở VEC. Đơn vị này sở hữu 34 trạm với 242 làn, chiếm 30% tổng số làn phải triển khai thu phí tự động không dừng nhưng hiện VEC mới triển khai lắp đặt được 15 làn.
Cũng theo Bộ GTVT, đến nay cả nước đã lắp đặt, vận hành từ 2 - 6 làn ETC tại 39 trạm. Riêng 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý mới có 1 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đi vào hoạt động, 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện do vướng mắc về về nguồn vốn (Hiệp định vay vốn các dự án của VEC đã hết hạn) và chỉ đạo thực hiện (do VEC chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước) nên không thể hoàn thành trong năm 2019 theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.
Giai đoạn tới đây, Bộ GTVT sẽ triển khai 33 trạm, do vướng mắc thành lập doanh nghiệp dự án nên chưa thể triển khai thực hiện. Với các trạm do địa phương quản lý thì có 6/19 trạm địa phương đã đầu tư và kết nối vào dự án giai đoạn trước; 7/19 trạm còn lại, địa phương tự tổ chức thực hiện vẫn chưa hoàn thành.
GS. TS Từ Sỹ Sùa, Giảng viên Trường Đại học GTVT, cho rằng triển khai thu phí tự động không dừng là giải pháp tối ưu nhằm minh bạch hóa thu phí hoàn vốn BOT. Nhưng một khi các biện pháp này không nhận được sự chung tay hưởng ứng của các chủ xe, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đơn độc thì khó đạt được mục tiêu.
Một số chuyên gia tính toán, việc áp dụng thu phí không dừng giúp giảm thời gian thu phí, giảm tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện nhờ duy trì tốc độ trên đường với mức quy đổi nếu áp dụng trên toàn quốc vào khoảng hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Trước đó, Bộ GTVT đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai hệ thống thu phí ETC. Theo đó, số lượng xe dán thẻ mới có khoảng 800 – 900.000 xe, dẫn đến chưa phát huy được hiệu quả của hệ thống thu phí tự động không dừng đã lắp đặt.
Trước việc để xảy ra chậm tiến độ hệ thống ETC, Thường trực Chính phủ đã tổ chức 2 buổi họp để đôn đốc triển khai và kiểm điểm trách nhiệm các cơ quan đơn vị liên quan đến việc chậm tiến độ dự án. Đồng thời, chỉ đạo Bộ GTVT “nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để chậm tiến độ triển khai hệ thống ETC trong thời gian qua”.
Phạm Minh