Theo đó, những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu như: Vinamit, Phúc Sinh Group, Vinanutrifood... đã chọn thêm kênh thị trường nội địa trong kế hoạch kinh doanh của mình.
"Gái có công, chồng không phụ"
Được biết đến là "vua" xuất khẩu hồ tiêu, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh chia sẻ về quyết định quay trở lại thị trường nội địa dù phải tốn kém đầu tư một khoản chi phí không nhỏ.
![]() |
Các doanh nghiệp xuất khẩu chinh phục người Việt thông qua mở hệ thống bán lẻ, kênh thương mại điện tử hay cửa hàng cà phê. |
Ông cho hay: Nhiều người sẽ không tin nhưng hai năm COVID-19 là thời gian mà Phúc Sinh thành công nhất với mảng tiêu dùng nội địa, khách hàng biết đến nhiều hơn, doanh thu cũng đạt kỷ lục từ khi thành lập.
"Sở dĩ, Phúc Sinh không nghỉ ngày nào, ngay cả trong thời gian giãn cách xã hội vì chúng tôi cho rằng mình là doanh nghiệp cung cấp thực phẩm thiết yếu như: thịt, rau, trứng, sữa… Trong lúc người tiêu dùng cần mình nhất mà đóng cửa thì còn nghĩa lý gì nữa", ông Thông cho biết.
Do đó, "Phúc Sinh tận dụng thời cơ, đưa các sản phẩm lên trang thương mại điện tử KPhucSinh và được khách hàng đón nhận nồng nhiệt, nhân viên chốt đơn, giao hàng từ sáng sớm đến tối muộn", ông Sinh cho biết đến khi dịch COVID-19 lắng xuống, người dân vẫn giữ thói quen đi chợ online, giúp Phúc Sinh xây dựng được tập khách hàng thân thiết.
Trong năm 2022, lãnh đạo Phúc Sinh cho biết sẽ mở rộng diện tích và tăng công suất gấp đôi để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn của người dân. Đồng thời, sẽ mở 20 cửa hàng, quán cà phê ở nhiều tỉnh, thành.
"5 – 10 năm nữa, tôi muốn biến Phúc Sinh thành đại siêu thị khổng lồ với đầy đủ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cả trong và ngoài nước, mọi người có thể mua bất cứ thứ gì ở Phúc Sinh", ông Thông đặt tham vọng.
Tương tự, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho hay khó khăn hoạt động xuất khẩu giảm mạnh nhưng mảng thị trường nội địa Vinamit phát triển khá tốt, tăng trưởng 8-10 lần so với bình thường.
Năm 2021, mảng xuất khẩu của Vinamit chịu ảnh hưởng nhiều vì giãn cách xã hội, lưu thông trong khu vực và quốc tế "tắc cứng", chi phí logistics phi mã, cùng với tình trạng thiếu công nhân sản xuất… Nhưng đổi lại, mảng thị trường nội địa Vinamit phát triển khá tốt.
"Nhu cầu tiêu thụ rau củ quả tươi và chế biến của người dân tăng đột biến, chỉ số thương mại điện tử của Vinamit "dựng đứng", các kênh website, facebook, fanpage ngập đơn hàng", ông Viên cho hay.
Tham vọng lớn ở kênh tiêu dùng, bán lẻ
Cũng được biết đến là "tân binh" trên thị trường sân nhà, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) cho hay, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2021, chuỗi hệ thống Nutri Mart của doanh nghiệp đã hoàn thành mục tiêu 1.000 điểm bán trên toàn quốc. "Dù dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động phát triển hệ thống. Chúng tôi đã đạt được kết quả bước đầu là xây dựng chuỗi bán lẻ tốc độ nhất về điểm bán", bà nói.
Theo bà Hằng, quay lại thị trường nội địa là đúng thời điểm vì sau thời gian "chinh chiến" ở thị trường nước ngoài, kinh nghiệm của doanh nghiệp đã dày dặn hơn. Và đặc biệt người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới hàng đạt chất lượng, xuất xứ rõ ràng. Dịch COVID-19 ập tới là nguy nan toàn cầu nhưng là cơ hội để người Việt Nam nhìn nhận về hàng Việt Nam.
Tất nhiên, sự trở lại sân nhà của nhiều "ông lớn" không hề dễ dàng mà cần có sự đầu tư, hay nói cách khác là "thuyền to thì sóng lớn". Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho biết, phải thành lập riêng một công ty cho thị trường nội địa để duy trì hoạt động chuyên bán lẻ.
"Vinamit thành lập trung tâm trải nghiệm, showroom để khách hàng hiểu sâu hơn về giá trị của sản phẩm, người tiêu dùng không chỉ được phục vụ, hưởng lợi từ chất lượng sản phẩm tốt nhất mà còn giá cả sẽ hấp dẫn hơn", ông Viên cho hay.
Có thể thấy "sân nhà" đang trở thành "miền đất hứa" với nhiều doanh nghiệp trong năm 2022. Trong đó, Phúc Sinh Group dự định thu 120 tỷ đồng trong hoạt động kinh doanh ở thị trường nội địa.
Nhìn thấy tiềm năng này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá tiềm năng còn rất lớn của thị trường nội địa với dân số đang tiến tới 100 triệu người, đặt ra yêu cầu cấp thiết về tính hệ thống, chính quy, chuyên nghiệp cho ngành nông nghiệp, công thương.
Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh, chúng ta phải xác định đúng vai trò của Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp trong dẫn dắt thị trường và tạo dựng chuỗi giá trị trong từng chuỗi ngành hàng. Đồng thời, phải chuẩn hoá vùng nguyên liệu, tổ chức lại chuỗi cung ứng từ hợp tác xã đến doanh nghiệp, thông suốt liên kết tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nông sản.
Về kế hoạch trong năm 2022, Bộ Công Thương nhìn nhận cần đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả khu vực thị trường gần 100 triệu dân với sự gia tăng cao của tầng lớp trung lưu. Phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, thực hiện nhất quán quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước bằng các quy định, tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm...
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng khẳng định đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ cả xu hướng số hóa nền kinh tế, tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Nhật Linh