Theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, công suất điện dự phòng của hệ thống miền Bắc trong năm 2024 ở mức thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm (từ 13-16h, 19h-22h) trong ngày của các ngày nắng nóng, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420÷1.770MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6-7.
Thách thức về nguồn nhiên liệu
Vì vậy, Bộ Công Thương yêu cầu EVN, các Tổng công ty Phát điện, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than phối hợp TKV, Tổng công ty Đông Bắc phải chủ động thỏa thuận, thống nhất khối lượng than cung cấp và làm rõ trách nhiệm các bên trong việc cung cấp than để làm cơ sở ký kết hợp đồng mua bán than theo quy định.
Các nhà máy nhiệt điện than phải xây dựng lộ trình chuyển đổi sang nhiên liệu sinh khối, amoniac, nếu đủ 40 năm vận hành nhưng không chuyển đổi nhiên liệu sẽ phải dừng hoạt động. |
EVN, PVN, TKV, các Tổng công ty Phát điện, các chủ đầu tư, các nhà máy nhiệt điện than cần đảm bảo các điều kiện để có thể huy động phát theo nhu cầu của hệ thống; Đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố và đưa vào vận hành các tổ máy nhiệt điện bị sự cố dài ngày, khẩn trương khắc phục sự cố ngắn ngày.
Chủ đầu tư các nguồn nhiệt điện than chủ động thực hiện các giải pháp để đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, khắc phục tình trạng suy giảm công suất khi nhiệt độ môi trường tăng cao.
Thực tế, thời điểm thiếu điện cục bộ vào tháng 5, tháng 6/2023, một số tổ máy của nhà máy nhiệt điện than đã gặp sự cố kéo dài. Theo kết quả thanh tra của Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2023, các nguồn nhiệt điện than miền Bắc đã xảy ra 88 sự cố tổ máy, ảnh hưởng lớn đến công suất khả dụng của toàn hệ thống điện miền Bắc.
Cụ thể, kết luận thanh tra cho biết tổng số sự cố tổ máy các nhà máy điện thuộc quản lý của EVN và các tổng công ty phát điện (GENCO) chiếm tỷ lệ 51,1% (45/88), trong đó tại khu vực miền Bắc, số tổ máy của EVN và các GENCO gặp sự cố là 26/50, chiếm tỷ lệ 52% tổng số tổ máy khu vực miền Bắc.
"Việc xử lý sự cố, khôi phục vận hành lại các tổ máy chậm gây thiếu hụt nguồn cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là khu vực miền Bắc trong giai đoạn cao điểm như thời gian vừa qua", kết luận thanh tra chỉ ra. Trong đó, sự cố tổ máy S6 (300MW) Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2 kéo dài từ ngày 16/3/2021, đến thời điểm thanh tra vẫn chưa hoàn thành công tác sửa chữa để đưa vào vận hành…
Tại kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và điều hành cung cấp điện của EVN và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện, Đoàn thanh tra của Bộ Công Thương cũng chỉ ra, năm 2023, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện cơ bản đáp ứng đủ than cho phát điện. Tuy nhiên, có một số nhà máy nhiệt điện không nhận đủ khối lượng than Theo hợp đồng đã ký với TKV và Tổng công ty Đông Bắc (Quảng Ninh, Mông Dương 1, Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2…).
Năm 2023, vẫn xuất hiện tình trạng thiếu than cục bộ ở một số nhà máy nhiệt điện tại thời điểm đầu năm và kéo dài đến tháng 5, điều này thể hiện qua việc dự phòng nhiên liệu của các nhà máy ở mức thấp so với nhu cầu phát triển.
Kết quả thống kê than tồn kho theo tháng cũng cho thấy, than tồn kho năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 của nhiều nhà máy nhiệt điện than thấp hơn so với định mức, đặc biệt là một số nhà máy nhiệt điện duy trì mức tồn kho thấp.
Không dễ chuyển sang nhiên liệu sinh khối
Bên cạnh đó, theo quy định, hiện các chủ nhà máy nhiệt điện than sẽ không còn cơ chế bảo lãnh Chính phủ cho các dự án điện vay vốn nên việc tiếp cận vốn vay từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn.
Một chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than chia sẻ, dù đã đàm phán được khoản vay thương mại với ngân hàng của Trung Quốc nhưng dự án không thể triển khai do Trung Quốc thay đổi chính sách, không cho vay các dự án điện than. Do vậy, doanh nghiệp phải tìm nguồn vốn huy động trong nước, tính toán cả lộ trình chuyển đổi nhiên liệu từ nhiệt điện than sang điện sinh khối theo yêu cầu của Quy hoạch điện VIII.
TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nhìn nhận, việc Chính phủ không thực hiện bảo lãnh cho các dự án điện than là chủ trương đúng, các nước cũng như vậy, không có Chính phủ nào cam kết về việc của doanh nghiệp. Nhưng có thể nghiên cứu chuyển từ bảo lãnh Chính phủ sang doanh nghiệp bảo lãnh hoặc tín chấp, thế chấp thế nào cho hiệu quả.
Chưa kể, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Việt Nam sẽ không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030. Đồng thời, các nhà máy nhiệt điện than phải xây dựng lộ trình chuyển đổi sang nhiên liệu sinh khối, amoniac, nếu đủ 40 năm vận hành nhưng không chuyển đổi nhiên liệu sẽ phải dừng hoạt động.
Tuy vậy, việc chuyển đổi nhiên liệu cũng không hề dễ. Tại cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Công Thương diễn ra hồi tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN nói rằng, khó khăn chính là công nghệ đốt trộn amoniac hiện nay trên thế giới chưa hoàn thiện, mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm, chưa có nhà máy nào ở Việt Nam cải tiến, thử nghiệm đồng đốt amoniac và có đánh giá về tính kinh tế, kỹ thuật cũng như các ảnh hưởng tác động đến con người, môi trường và thiết bị.
Thêm vào đó, ý kiến từ các chủ đầu tư khác như TKV, Tổng công ty phát điện 1, 2, 3 cùng các chủ đầu tư khác đều băn khoăn về giá biomass trên thị trường cao hơn giá than, chưa có cơ chế chính sách về hỗ trợ giá chuyển đổi cho các nhà máy thực hiện đồng sinh khối, amoniac để các nhà máy mở rộng thử nghiệm, tìm kiếm đối tác cung cấp nguyên liệu lâu dài và chất lượng.
Theo ông Ngô Trí Thịnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TKV, để có thể chuyển đổi thành công nhiên liệu than sang sinh khối và amoniac, Chính phủ, Bộ Công Thương, các cơ quan cần sớm có lộ trình, cơ chế, chính sách về quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ tài chính, giá bán điện… làm cơ sở để nhà máy nhiệt điện triển khai.
Thy Lê