Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 12,9%, quý II tăng 8,4%), cao hơn mức tăng 7% của cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, nhiều ngành vẫn tiếp tục gặp khó khăn.
Than, điện...lo thiếu
Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng than sạch ước đạt 22,42 triệu tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt 19,37 triệu tấn, tăng 10,5%.
Thời tiết thuận lợi cho công tác khai thác, nên các chỉ tiêu sản xuất của ngành than đều có bước tăng trưởng so với cùng kỳ. Tiêu thụ cũng gặp nhiều thuận lợi, lượng tồn kho giảm nhiều so với đầu năm (đến 30/6, tồn kho của TKV là 6,55 triệu tấn, giảm 2,47 triệu tấn).
Tuy nhiên, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, chia sẻ: chu kỳ 10 năm ngành than lại rơi vào tình thế bế tắc đang hiện hữu. Hiện nay, mối lo nhất của ngành than là sản xuất không đáp ứng kịp tiêu thụ.
Cụ thể, cập nhật 6 tháng trở lại đây, có tháng trong nước tiêu thụ hơn 3,8 triệu tấn than nhưng ngành chỉ sản xuất được hơn 3 triệu tấn, trong khi đầu tư mỏ than nhanh phải mất 5 năm. Đặc biệt, tỷ lệ than hầm lò chiếm 70%, tỷ lệ than lộ thiên chỉ còn 30%.
"Đầu tư dự án than vướng nhất thủ tục xin giấy phép thăm dò, khai thác, kể cả thủ tục đầu tư. Giấy phép khai thác 3-4 năm không xin được, đôi khi được cấp lại rơi vào tình trạng "lửng lơ", đào mỏ đến giai đoạn nào đó lại phải xin tiếp", ông Chuẩn chia sẻ.
Đáng chú ý, giá thành sản xuất 1 tấn than là 1,493 triệu đồng, nhưng bán ra thị trường trong nước chỉ được 1,546 triệu đồng/ tấn, nghĩa là chỉ lãi có 53.000 đồng. Nguyên nhân là thuế, phí đánh vào than quá lớn, nếu cộng cả thuế giá trị gia tăng (VAT) chiếm tới 29% giá thành, đối với than xuất khẩu chiếm 35% giá thành.
"Các loại thuế, phí liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh than liên tục tăng trong những năm gần đây, dẫn đến giá thành sản xuất 1 tấn than tăng, làm giảm sức cạnh tranh của than sản xuất trong nước so với than nhập khẩu", ông Chuẩn chia sẻ.
Đối với ngành điện, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết ngành sản xuất và phân phối điện tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt ở mức 10,4%, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm trước (tăng 9%).
Năm 2018, EVN đảm bảo cung ứng đủ điện, nhưng từ năm 2019, nguồn điện sản xuất tăng thêm hàng năm trong giai đoạn vừa rồi không đáp ứng đủ nhu cầu. Nhu cầu điện mỗi năm tăng 10%, tương ứng nguồn điện tăng thêm cần 5.000MW, nhưng năm 2018 khả năng chỉ cung cấp gần 3.000MW. Đáng chú ý, giai đoạn từ 2016 trở lại đây không có dự án điện nào có thể đưa vào vận hành trong thời gian tới.
Trước thực trạng trên, EVN đưa ra một số giải pháp để đảm bảo nguồn cung điện cho năm 2019 – 2020, đặc biệt là đầu tư nhà máy điện mặt trời. Tháng 6/2019, các dự án đầu tư điện mặt trời có khả năng đáp ứng 2.000MW, tăng thêm 2-3 tỷ kWh trong năm 2019-2020, giảm đi gánh nặng về thiếu điện. Tuy nhiên, hiện nay, vướng mắc phát triển điện mặt trời là về cơ sở hạ tầng thiếu kết nối, thủ tục đầu tư rườm rà.
Hiện nay, mối lo nhất của ngành than là sản xuất không theo kịp tiêu thụ |
Hóa chất "ăn đong" nguyên liệu
Ngoài ra, EVN sẽ đẩy mạnh mua điện từ Trung Quốc với sản lượng cao hơn 1,2-1,5 tỷ kWh, thông qua các giải pháp liên kết lưới điện hai nước; đẩy mạnh mua điện từ các nước trong khu vực như mua điện của Lào.
Tuy nhiên, EVN cho biết việc đàm phán mua bán điện bên Lào hiện nay vẫn còn gặp vướng mắc do chủ đầu tư Lào đang chờ khung giá mà Bộ Công Thương ban hành.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đi vào kiến nghị cụ thể: Hiện giờ, thạch cao nhập khẩu được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, trong khi thạch cao trong nước phải chịu thuế VAT 10%.
Hay đối với sản phẩm lốp xe tải, tình trạng gian lận thương mại thông qua kê khai giá nhập khẩu đang xảy ra. Lốp ôtô sau khi được kê khai, tính ra chỉ hơn 1 triệu đồng/ chiếc, dẫn tới tình trạng lốp trong nước không thể cạnh tranh, các công ty trong nước như Cao su miền Nam, Đà Nẵng, Sao Vàng… lâm vào khó khăn.
Tương tự, nhập khẩu ắc quy qua đường mòn lối mở, khai thấp giá xuống rất phổ biến dẫn đến tình trạng hàng Việt không thể cạnh tranh.
Lãnh đạo Vinachem cũng than thở: Hiện nay, dường như chỉ quan tâm tới than cho điện, trong khi nguồn than cho sản xuất phân bón không được chú ý. Nhà máy phân bón thiếu hụt than lớn, luôn trong tình cảnh phải "ăn đong" than.
Đặc biệt, Vinachem cũng cho biết chi phí lãi vay của các dự án thua lỗ của Tập đoàn hiện nay rất "khủng khiếp". Như Đạm Hà Bắc, riêng chi phí tài chính gồm lãi các loại của 6 tháng đầu năm 2018 đã lên tới 850 tỷ đồng – tạo gánh nặng lớn đối với đơn vị này. Vinachem kiến nghị các ngân hàng cho phép được khoanh nợ hoặc giảm lãi suất.
Trước kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị lãnh đạo Vinachem cần quyết liệt trong công tác cán bộ. "Hiện nay, hàng loạt đơn vị thành viên của Vinachem đều có vướng mắc về cán bộ, không có một cục, một bộ nào đi làm thay cho các đồng chí, còn cơ chế chính sách thì bộ sẽ lắng nghe. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định nhóm sản phẩm nào là ngành công nghiệp chính của ngành mình mà xây dựng chiến lược phát triển", Bộ trưởng lưu ý.
Theo người đứng đầu ngành Công Thương, nếu 4 dự án thua lỗ của Vinachem có khả thi, hiệu quả dưới góc độ ngân hàng thì những giải pháp như cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, xóa nợ mới hiệu quả và được ngân hàng chấp nhận.
Về khó khăn mà phía EVN đưa ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết sẽ sớm có biểu giá mua điện từ Lào; xem xét giải quyết các vướng mắc về hạ tầng, thủ tục đầu tư các dự án điện sạch.
Đối với TKV, ngành than cần đánh giá đầy đủ năng lực cạnh tranh chứ không thể khai thác than bằng mọi giá, thường xuyên đánh giá thị trường than thế giới.
Liên quan tới câu chuyện thuế phí, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị lên Chính phủ nhưng phải tái cơ cấu lại TKV để đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững.
Lê Thúy
Ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV 6 tháng cuối năm 2018 là thời điểm bước vào mùa mưa lũ, hoạt động khai thác của ngành sẽ gặp khó khăn hơn. Điều kiện khai thác của các mỏ ngày càng khó khăn do ngày càng khai thác xuống sâu và đi xa hơn, làm tăng cung độ vận chuyển, hệ số bóc đất đá đối với các mỏ lộ thiên; gia tăng áp lực mỏ lớn, khí, nước… đối với các mỏ hầm lò nên đã làm tăng chi phí sản xuất than trong nước. Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Hiện nay, các dự án đầu tư của ngành điện đang gặp khó khăn ở một số thủ tục cấp phép đầu tư, ngành điện mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng. Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương Những thủ tục quản lý nhà nước liên quan tới xây dựng, đầu tư, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu ý kiến, chủ động báo cáo với Chính phủ điều chỉnh, xử lý kịp thời để đảm bảo bên cạnh sự phân công phân cấp giữa tập đoàn, tổng công ty, DN cũng như địa phương để đầu tư sản xuất, đảm bảo được hoạt động quản lý nhà nước, chống thất thoát, sai phạm trong quản lý. |