Tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội, sáng 26/10, đại biểu Lê Minh Chuẩn (đoàn Quảng Ninh), cho biết trên thế giới hiện nay, nguồn điện sản xuất từ than đang chiếm 40%. Đối với Việt Nam, theo quy hoạch là 34%. Dự báo năm 2040, tỷ lệ nguồn điện sản xuất từ than tăng lên gần 50%.
Nguy cơ thiếu than đang hiện hữu (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ điện sản xuất từ than đã chiếm 41%, dự báo năng lượng tái tạo tăng từ 3-10%, nguồn điện từ khí giảm từ 44% xuống 26%, nguồn điện thuỷ điện giảm 14% xuống 12%. Điều này cho thấy, than chiếm vai trò quan trọng trong phát triển điện, trong ngắn hạn từ nay đến 20 năm tới.
Tuy nhiên, nguy cơ thiếu nguồn than cho nhà máy nhiệt điện là thực tế, điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Phân tích cụ thể, đại biểu Chuẩn cho hay, giai đoạn 2017-2020, nhu cầu than cho nhà máy nhiệt điện là 40 triệu tấn, năm 2021 sẽ tăng lên 55 triệu tấn. Hiện nay, Việt Nam chỉ có 2 DN sản xuất than gồm: Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông bắc - Bộ Quốc phòng, với năng lực sản xuất khoảng 41 triệu tấn than.
"Trong thời gian ngắn hạn, tăng 10-15 triệu tấn than phục vụ nhà máy nhiệt điện là không khả thi, nguy cơ thiếu than là hiện hữu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh năng lượng quốc gia", đại biểu Chuẩn nhận định.
Mặt khác, theo kế hoạch từ năm 2017-2030, Việt Nam phải nhập 70 triệu tấn than nhiệt năng bitum và á bitum. Việc này không còn thuần tuý là nhập khẩu mà phải có nguồn đầu tư ổn định ở nước ngoài.
Ông Chuẩn đánh giá, có thể nói đến năm 2030, Việt Nam không còn độc lập nguồn năng lượng và phụ thuộc nguồn năng lượng nước ngoài. Đây là thách thức lớn, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia (nguồn điện), ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội.
Vì vậy, đại biểu này cho rằng Việt Nam phải đổi mới tư duy về chiến lược an ninh năng lượng quốc gia đến 2030 và sau 2030.
Nguyên nhân và thách thức mà ngành than đang phải đối mặt là: tài nguyên than ngày càng hạn hẹp; điều kiện khai thác mỏ ngày càng sâu và xa, chi phí lớn; cấp phép đầu tư và cơ chế chính sách cho ngành than hạn chế, tái đầu tư mỏ than gặp khó khăn; nguồn lao động chính là thợ lò suy giảm nhanh trong khi đó thiếu công nghệ hỗ trợ cho sản xuất.
Từ đó, ông Chuẩn đề xuất 4 giải pháp: cần đổi mới chính sách quản lý tài nguyên khoáng sản theo nguyên tắc thị trường, hội nhập ngay từ việc cấp giấy phép để DN mỏ và khí chủ động phát triển tài nguyên; bổ sung hoàn thiện cơ sở pháp lý, văn bản dưới luật phân cấp cho DN than, khí có môi trường đầu tư thuận lợi trong nước và quốc tế; cơ chế chính sách bình đẳng giữa than nhập khẩu và trong nước theo thông lệ và giá quốc tế; chính sách hỗ trợ đối với công nhân hầm lò về tiền lương, bảo hiểm.
Nhật Linh