Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) chia sẻ, đại dịch COVID-19 và gần đây là xung đột Nga - Ukraine khiến cho cước vận chuyển tăng phi mã, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2022, giá gỗ thông tròn nhập khẩu đã tăng 52%, gỗ thông xẻ tăng 38%, gỗ sồi xẻ tăng 36%. Bên cạnh đó, thời gian nhập khẩu kéo dài dẫn đến các doanh nghiệp phải chậm các hoạt động sản xuất. Các yếu tố này đang trực tiếp làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành.
Giá nhập đắt đỏ, rủi ro cao
"Bài toán cần thiết hơn bao giờ hết đặt ra cho ngành hiện nay là làm thế nào Việt Nam cần chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, tiến tới thay thế nguồn gỗ nhập khẩu hiện đang ở con số 5-6 triệu m3 mỗi năm như hiện nay? Làm thế nào để Việt Nam có thể phát triển được nguồn gỗ nguyên liệu trong nước là gỗ lớn, có chất lượng, đa dạng về chủng loại loài và bền vững? Đây là những câu hỏi hết sức cấp thiết mà ngành cần phải giải quyết trong thời gian tới nếu chúng ta muốn giữ vững lợi thế cạnh tranh của ngành", Chủ tịch Viforest nhấn mạnh.
Giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng chóng mặt khiến các doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn. |
Báo cáo của Viforest cũng dẫn lại số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt 2,9 tỷ USD vào năm 2021, trong đó nhập khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ (được gọi là gỗ nguyên liệu) chiếm 56%. Hàng năm, lượng gỗ nhập khẩu vào Việt Nam rất lớn, từ cả vùng địa lý tích cực và vùng rủi ro.
Trong đó, Viforest cho biết vẫn còn gần 1,8 triệu m3 quy tròn nhập khẩu từ các vùng địa lý không tích cực, tức là gỗ rủi ro trong năm 2021 và hơn 0,3 triệu m3 chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022 cho thấy lượng gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam vẫn còn rất lớn. Quy mô nhập khẩu này cũng chỉ ra mức độ rủi ro của ngành gỗ Việt Nam có liên quan tới tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu vẫn rất cao.
Trong khi đó, con số thống kê của Nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ và Forest Trends cho biết tính đến hết tháng 3/2022, tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất có chứng chỉ FSC của Việt Nam đạt gần 180.000 ha, tương đương khoảng 5% trong tổng số diện tích rừng sản xuất của Việt Nam. Nếu tính cả diện tích rừng đạt chứng chỉ VFCS/PEFC (khoảng 50.000 ha cho tới nay) thì tổng diện tích rừng có chứng chỉ bền vững mới chỉ đạt dưới 7% tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất.
Là một doanh nghiệp xuất khẩu, bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, cho biết mặt hàng sản xuất chủ lực xuất khẩu của doanh nghiệp là các sản phẩm gỗ chế biến nội ngoại thất, ngoài ra còn sản xuất các sản phẩm ván công nghiệp... xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản. Nhu cầu nguyên liệu gỗ tròn cho sản xuất của Woodsland từ 150.000 - 200.000m3 gỗ tròn/năm (trong đó nhu cầu gỗ nguyên liệu từ rừng chứng chỉ FSC/FM trên 90%).
"Việc xây dựng vùng trồng rừng gỗ lớn (trước mắt trong phạm vi chứng chỉ rừng được cấp) là mục tiêu và chiến lược của Woodsland", bà Tuyết cho biết. Hiện tại, doanh nghiệp đã cùng phối hợp với các chủ chứng chỉ gồm các công ty lâm nghiệp và nhóm hộ gia đình để xây dựng phương án quản lý rừng tối thiểu 7 năm trong kế hoạch quản lý rừng để có thể tạo vùng nguyên liệu gỗ đáp ứng nhu cầu chế biến.
Giải "bài toán" nguyên liệu
Tuy nhiên, bà Tuyết cũng cho rằng việc duy trì cũng như phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn với chu kỳ rừng trồng 7 năm trở xuống còn gặp rất nhiều thách thức. Nguyên nhân chủ yếu là vốn đầu tư giữ lại rừng hiện đang rất khó khăn đối với cả các công ty lâm nghiệp và hộ gia đình (không được ngân hàng cho vay vốn).
Thêm vào đó, phát triển rừng gỗ lớn chưa được người dân chú trọng bởi chu kỳ rừng trồng dài hơi, rủi do lớn do phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ, điều kiện kinh tế của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, không đủ điều kiện tài chính để theo chu kỳ khai thác dài, cho gỗ lớn. Nhu cầu xuất khẩu thô dăm mảnh với giá trị thấp đang phát triển mạnh, chỉ cần nhu cầu gỗ nhỏ có chu kỳ 5 năm trở xuống, không có nhu cầu gỗ lớn.
Trước thực tế trên, bà Tuyết kiến nghị Chính phủ cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho người trồng rừng, có cơ chế cho vay vốn cho các công ty lâm nghiệp và hộ gia đình để trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xem xét và quản lý về việc xuất khẩu dăm mảnh thô chưa qua chế biến sang các thị trường quốc tế với giá trị rất thấp, hạn chế tình trạng "gặt lúa non" của các chủ rừng, để các chủ rừng có thu nhập lớn hơn khi giữ rừng đúng tuổi khai thác.
Đại diện cho các doanh nghiệp, Viforest kiến nghị Chính phủ cần có các cơ chế chặt chẽ, đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc các quy định và cam kết đặc biệt trong khâu kiểm soát gỗ rủi ro nhập khẩu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh xung đột địa chính trị và tác động của đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung gỗ nhập khẩu như hiện nay, việc đẩy mạnh phát triển các vùng trồng rừng trong nước quy mô lớn, cung cấp gỗ nguyên liệu chất lượng cao sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro về thiếu hụt nguồn cung gỗ nguyên liệu, cũng như đảm bảo tốt hơn tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu đưa vào chế biến.
Để phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ xuất khẩu, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định, nhận định việc trồng rừng cây gỗ lớn rất khó khăn, phát triển rừng gỗ cần thời gian dài từ 10 năm đến 15 năm. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để có thể phát triển cả chuỗi từ trồng rừng, thu mua, chế biến và xuất khẩu.
Một khi giải quyết được bài toán nguyên liệu, ngành gỗ mới tự tin chinh phục mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025 theo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 27/QĐ-TTg ngày 10/3/2022.
Lê Thúy