Vượt qua giai đoạn khó khăn kép khi sản xuất bị ngưng trệ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thách thức từ vụ Điều tra 301 của Hoa Kỳ, xuất khẩu gỗ đã đạt được những kết quả rất tích cực.
Phục hồi nhanh chóng sau đại dịch
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt khoảng 15,87 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ 14,72 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ đạt 1,15 tỷ USD), tăng 20% so với kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu gỗ tăng trưởng mạnh vẫn lo về bài toán nguyên liệu. |
Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đạt khoảng 2,93 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Xuất siêu ước cả năm đạt 12,94 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ.
Đến hết tháng 12/2021, giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông lâm thủy sản cả nước; đạt 4,7% kim ngạch xuất khẩu toàn quốc và là 1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Chiều 28/12, tại hội nghị tổng kết của Tổng cục Lâm nghiệp, ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp, đánh giá kết quả trên là sự phục hồi ngoạn mục của cộng đồng doanh nghiệp trong 3 tháng cuối năm, sau quãng thời gian chịu tác động chưa từng có bởi đại dịch.
Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Đông Nam Bộ là vùng chiếm khoảng 70% sản lượng chế biến của ngành gỗ, trong đó Bình Dương chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản.
"Cuối tháng 8, đầu tháng 9, khi chúng tôi họp giao ban với các Hiệp hội đều cảm thấy tình hình rất khó khăn, nhưng cũng thời điểm đó tôi nhìn thấy sự quyết tâm, chủ động của doanh nghiệp. Mặc dù dịch bệnh chưa được kiểm soát, nhưng họ đã xây dựng kế hoạch phục hồi", ông Doanh đánh giá cao.
Đặc biệt, vụ Điều tra 301 về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp của Hoa Kỳ khép lại không chỉ là tin vui với ngành gỗ mà phía Hoa Kỳ đã lấy Việt Nam làm mẫu hình về thỏa thuận thương mại bền vững trên toàn cầu.
Thứ trưởng Doanh cho biết, phía Hoa Kỳ sẽ gửi chuyên gia sang để hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch chuyển đổi ngành lâm nghiệp theo hướng phát triển bền vững, điều này sẽ tác động tích cực tới thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản trong thời gian tới.
Thành quả đạt được là rất lớn, song Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, ngành gỗ còn nhiều việc phải làm, nhất là khi mà dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến căng thẳng, trong khi thị trường muôn màu muôn vẻ. Vì vậy, ngành lâm nghiệp nói chung, doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản nói riêng không được chủ quan.
Cần chủ động nguyên liệu
Năm 2022, ngành lâm nghiệp phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu lâm sản 16 tỷ USD. Thu dịch vụ môi trường rừng: 3.000 tỷ đồng.
Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Tổ chức Forest Trends, trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. Ngành gỗ là một trong 5 ngành mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam. Tuy nhiên, ngành gỗ cũng đối mặt với thách thức không nhỏ từ nguồn cung nguyên liệu.
Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng liên tục trong thời gian gần đây. Giá gỗ nhập khẩu tăng (cùng với các loại chi phí đầu vào sản xuất khác) làm tăng giá thành sản xuất. Hiện, giá gỗ nhập khẩu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Khan hiếm về container làm chậm thời gian giao hàng.
"Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong ngành hiện đối mặt với khó khăn như thiếu hụt nguyên liệu nhập khẩu, giảm lợi nhuận, chậm thời gian giao hàng. Theo một số doanh nghiệp, có thể sẽ thiếu hụt một số loại gỗ nhập khẩu trong quý I/2022", ông Phúc cho biết.
Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 6 triệu m3 gỗ quy tròn. Lượng gỗ này được đưa vào chế biến làm hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Lượng gỗ ít rủi ro chiếm tỷ trọng khoảng 2/3 trong tổng lượng nhập khẩu, phần còn lại là gỗ rủi ro.
Con số gần 1,9 triệu m3 quy tròn là gỗ rủi ro nhập khẩu trong năm 2020 và 1,49 triệu m3 của 10 tháng đầu năm 2021 cho thấy, lượng gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam vẫn còn rất lớn. Quy mô nhập khẩu này cũng chỉ ra mức độ rủi ro của ngành gỗ Việt Nam có liên quan tới tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu vẫn rất cao.
Do vậy, ông Phúc cho rằng cần có các cơ chế chặt chẽ, đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc Nghị định 102/2020/NĐ-CP, đặc biệt trong khâu kiểm soát gỗ rủi ro nhập khẩu. Thực hiện nghiêm túc tinh thần của Nghị định này cũng như trực tiếp góp phần hiện thực hóa các cam kết về gỗ hợp pháp trong Hiệp định VPA/FLEGT cũng như trong Hiệp định mà Chính phủ Việt Nam vừa ký với Chính phủ Mỹ một cách hiệu quả. Điều này không những giúp ngành gỗ giảm được rủi ro trong khâu xuất khẩu mà còn góp phần mở rộng thị trường tại các thị trường lớn như Mỹ và các nước EU trong tương lai.
Hiện, nhiều công ty trong ngành đang mong muốn chủ động sản xuất gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước có chất lượng (gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC) để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, khối tư nhân hiện nay không tiếp cận được đối với nguồn đất trồng rừng, bởi các diện tích hiện tại đã được giao cho các hộ và đang được các công ty lâm nghiệp của Nhà nước nắm giữ.
Trước tình trạng trên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh cần phải nâng cao chất lượng rừng. Ví dụ như cây keo, trước đây chúng ta chỉ sử dụng gỗ keo làm ván dăm, giấy nhưng giờ nếu biết chăm sóc, nghiên cứu giống mới thì có thể chế biến thành các sản phẩm gỗ đạt giá trị cao hơn. Theo đó, Thứ trưởng cho biết tới đây sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển vùng nguyên liệu gỗ.
Bên cạnh đó, việc liên kết giữa chế biến và vùng nguyên liệu cũng cần đẩy mạnh hơn. Chưa kể, nếu so về năng lực chế biến thì rõ ràng doanh nghiệp Việt còn lép vế, nhỏ bé hơn khối ngoại. Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 47% giá trị xuất khẩu lâm sản.
"Mặc dù đã hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ, tuy nhiên, nhiều nhà máy của mình vẫn chưa xứng tầm. Tôi có đi thăm các nhà máy của Đài Loan thì hoành tráng, trong khi các nhà máy của Việt Nam còn nhỏ bé”, ông Lê Quốc Doanh cho biết thêm.
Lê Thúy