Ngày 28/3/2022, trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam”.
![]() |
Đổi mới cách thức quản lý từ hậu kiểm sang quản lý rủi ro để các chủ thể kinh tế phát triển. |
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, hơn 35 năm đổi mới nền kinh tế Việt Nam theo hướng thị trường đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Môi trường kinh doanh được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh và làm giàu chính đáng.
Quy mô nền kinh tế được mở rộng, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Việt Nam từ một nước nghèo, kém phát triển đã trở thành nước đang phát triển và tham gia nhóm nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008; từ nước nhập siêu đã trở thành nước xuất siêu...
Tuy nhiên, Viện trưởng CIEM cũng đánh giá vẫn còn khá nhiều hạn chế, thách thức trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam, từ xác định cụ thể, rõ ràng nội hàm nền kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới đến giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, vấn đề sở hữu và quyền tài sản, phát triển các thị trường nền tảng, nhất là thị trường đất đai, cải cách doanh nghiệp Nhà nước và phát triển các khu vực ngoài nhà nước và các vấn đề xã hội, môi trường và sinh thái.
Từ nghiên cứu thực tế, TS. Nguyễn Thị Luyến, Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM đánh giá quá trình chuyển đổi nền kinh tế ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp, tương tác giữa Nhà nước, thị trường và xã hội còn bất cập, đặc biệt giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước còn làm thay nhiều việc của thị trường, trong khi chưa thực hiện tốt chức năng của mình, đặc biệt chức năng tạo lập và thực thi hiệu quả khung pháp luật.
Hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước cải thiện nhưng không đáng kể, chưa đáp ứng yêu cầu, cải thiện môi trường kinh doanh có xu hướng chững lại và thiếu đồng bộ. Các loại thị trường đã hình thành nhưng chậm phát triển, đặc biệt thị trường đất đai.
Các chủ thể thị trường, đặc biệt kinh tế tư nhân phát triển nhưng thiên về số lượng, chất lượng phát triển còn hạn chế. Tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm và có xu hướng phụ thuộc ngày càng lớn vào khu vực FDI. Các vấn đề xã hội, môi trường phát sinh ngày càng nhiều.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), cải cách kinh tế Việt Nam luôn gắn liền với tháo gỡ rào cản, trao quyền, thúc đẩy tư nhân phát triển.
Ông Tuấn dẫn ra những ví dụ quy định pháp luật đánh dấu về cải cách kinh tế như Khoán 10 trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp, Luật Doanh nghiệp 1999 và quyền tự do kinh doanh, Luật đầu tư 2005 và hướng dẫn sự bùng nổ đầu tư; Các chương trình cải cách về điều kiện kinh doanh năm 2016 và 2018 nhằm nâng cấp môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng đặt ra vấn đề rằng: Nhà nước can thiệp thị trường ở mức nào là phù hợp? “Qua đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi nhận thấy cơ quan Nhà nước thường đưa ra giấy phép này, hạn chế kia để đảm bảo mục tiêu quản lý nhưng đây là cách hiểu sai lầm quản lý”, ông Tuấn nhìn nhận quản lý là phương tiện chứ không phải mục tiêu.
"Việc tuân thủ quy định quản lý rất đắt đỏ sẽ tạo ra chi phí trực tiếp và gián tiếp. Đơn cử với hàng xuất khẩu nếu thủ tục thông quan của Việt Nam kéo dài vài ngày, trong khi ở nhiều nước tính theo giờ thì hàng hóa Việt Nam sẽ kém sức cạnh tranh", ông Tuấn dẫn chứng.
Theo đó, để phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; Tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng, nhũng nhiễu; Đổi mới cách thức quản lý từ hậu kiểm sang quản lý rủi ro.
Lê Thúy