Tính toán cho thấy, trải qua 4 lần điều chỉnh giảm trong hơn một tháng qua, giá xăng E5RON92 đã giảm 6.291đồng/lít, xăng RON 95 giảm 7.169 đồng/lít, dầu diesel giảm 5.715 đồng/lít. Tuy nhiên, mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường vẫn chưa có nhiều chuyển động theo diễn biến của giá xăng dầu.
Giá nguyên liệu chưa có dấu hiệu giảm
Phân trần về điều này, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) cho rằng, để giá thực phẩm nói riêng và hàng hóa giảm cần nhiều yếu tố và luôn có độ trễ nhất định. Cụ thể, giá cả “leo thang” thời gian qua do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có giá xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, yếu tố quyết định chính giá thành sản phẩm không phải chỉ là giá xăng dầu tăng cao mà còn là giá nguyên liệu sản xuất và chi phí nhân công.
Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân giá hàng hóa chưa giảm vì chi phí nguyên liệu, nhân công đắt đỏ. |
Theo Phó Chủ tịch FFA, các yếu tố này cùng với chi phí vận chuyển, bao bì, vật tư, chi phí điện, nước… đều chưa có dấu hiệu giảm là lý do khiến giá thực phẩm và hàng hóa bán trên thị trường chưa giảm theo giá xăng dầu sau 4 lần liên tiếp được điều chỉnh giảm.
Mặt khác, giá xăng dầu giảm có thể tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải, logistics nhưng những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm vẫn đang trong tình trạng ngóng xem giá xăng dầu giảm có bền vững chưa vì cho rằng giá giảm ở các kỳ điều chỉnh gần đây chỉ mang tính thời điểm, xu hướng chưa rõ ràng.
Ở góc độ nhà phân phối, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc BRG Retail (Tập đoàn BRG) chia sẻ, thực tế tỷ trọng của xăng dầu ảnh hưởng tới giá hàng hóa không nhiều như với các ngành đặc thù như vận tải hàng hóa, hành khách. Cơ cấu tính giá bán cũng như giá thành sản phẩm hàng hoá trên thị trường gồm: Chi phí nguyên vật liệu, nhân công, khấu hao, xăng dầu và vận chuyển logistics. Tỷ lệ mức độ ảnh hưởng của giá xăng dầu tới giá cả hàng hoá tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 5-10%, vì vậy nếu giá xăng dầu tăng cũng chỉ ảnh hưởng 5-10% tới giá bán tối đa của sản phẩm đó.
Do vậy, đại diện BRG Retail nêu quan điểm: việc giá xăng dầu giảm là tín hiệu đáng mừng nhưng sẽ tác động tới yếu tố tâm lý nhiều hơn, còn về cơ cấu giá thành sản phẩm thì không nhiều. “Như tôi đã đề cập ở trên, xăng dầu chỉ chiếm một phần nhỏ trong rất nhiều yếu tố của giá hàng hóa, chưa kể giá xăng dù giảm nhưng vẫn khá cao so với trước chiến sự Nga - Ukraine”, ông Dũng nói.
Từ sau Tết Nguyên đán, lãnh đạo BRG Retail cho biết, hệ thống phân phối cũng có nhận được một số đề nghị tăng giá sản phẩm của một số doanh nghiệp. Các nhà sản xuất đưa ra những lý do chính là: tỷ lệ lạm phát, chi phí nhân sự sau đại dịch COVID-19, yếu tố xăng dầu ảnh hưởng tới chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng cao.
Tuy nhiên, về phía nhà phân phối, ông Dũng cho biết đã đứng ra đàm phán với nhà sản xuất để xem xét về các mức tăng cao hợp lý hay không, tránh việc người tiêu dùng bị ảnh hưởng nhiều tới quyền lợi.
Chủ động nguồn cung trong nước thay thế nhập khẩu
Như vậy, lý giải của doanh nghiệp cho thấy giá nguyên liệu cao rõ ràng đang là một trong những lý do ảnh hưởng tới lớn giá cả hàng hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành sản xuất của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung nguyên liệu từ thị trường nước ngoài.
Kim ngạch nhập khẩu duy trì ở mức cao một phần do giá nhập khẩu tăng mạnh |
Thống kê từ Bộ Công Thương cũng cho thấy trong tháng 7/2022, giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (xăng dầu, khí đốt) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tiếp tục tăng cao đã dẫn đến kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng tăng cao, làm tăng tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chung của cả nước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay chiếm gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 191,6 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tiếp tục tăng cao, một phần do sản lượng nhập khẩu tăng, một phần do nguồn cung khan hiếm nên giá nhập khẩu tăng. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 122,8% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện than; xăng dầu các loại tăng 125,7%; dầu thô tăng 31,2; khí đốt hoá lỏng tăng 43,3%...
Ngoài ra, nhập khẩu một số mặt hàng khác cũng tăng mạnh như: lúa mì tăng 22,8% (chủ yếu do sự tăng về giá); nguyên phụ liệu thuốc lá tăng 77,5%; hóa chất tăng 30,2%; cao su các loại tăng 27%; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,7%; phôi thép tăng 26%...
Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương phối hợp với Bộ làm việc và theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Song song đó, huy động tối đa các nguồn lực, bám sát tình hình và có phương án chuẩn bị trong các trường hợp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón… cho sản xuất và sinh hoạt.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, với việc mặt bằng giá cả chưa có sự thay đổi mạnh thì áp lực chi phí lương nhân công cũng như chi phí hoạt động của doanh nghiệp vẫn sẽ lớn. Do vậy, để kéo giảm giá hàng hóa thì một trong những yêu cầu cần thiết là hỗ trợ doanh nghiệp về cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính… từ đó kéo giảm chi phí cấu thành sản phẩm.
Mặt khác, để giảm giá hàng hóa không có cách nào khác là các doanh nghiệp phải chủ động để tiết giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận với người tiêu dùng giúp đôi bên cùng có lợi trong bối cảnh dịch bệnh, chiến sự Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay.
Nhật Linh